Giải bài toán sạt lở ở Trung Trung Bộ trước mùa mưa lũ - Bài 4: Biển tiếp tục 'nuốt' nhà dân
Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là khi mùa mưa lũ cận kề. Trước thực trạng trên, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn cho dân. Thế nhưng, vẫn chưa có giải pháp nào mang tính bền vững...
Sạt lở nghiêm trọng
Với đường bờ biển dài 127km, từ năm 2009 đến nay, đặc biệt mùa mưa bão vào các năm 2020 và 2021, bờ biển trên địa bàn tỉnh này bị sạt lở hết sức phức tạp, ăn sâu vào trong đất liền, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 12,4km bờ biển bị sạt lở nặng, tập trung tại các khu vực như: xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); xã Vinh Mỹ, xã Giang Hải (huyện Phú Lộc)... vào mùa mưa bão tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 3 - 5m có nơi từ 5 - 7m, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống gần bờ biển.
Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), tình trạng biển bị xâm thực diễn ra ngày càng phức tạp. Trung bình mỗi năm, bờ biển lại bị xâm thực, sạt lở ăn sâu vào đất liền. Theo nhiều người dân, tình trạng sạt lở tại khu vực này đã xảy ra từ nhiều năm nay, mỗi mùa mưa bão, các gia đình ở đây đều phải di dời tới nơi tránh trú an toàn.
Ông Lê Văn Thành (trú tại xã Phú Thuận) cho biết, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển tại khu vực này ngày một phức tạp. “Cứ đến mùa mưa bão là người dân luôn sống trong thấp thỏm, lo lắng. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, mỗi khi bão đổ về, chính quyền địa phương lại vận động bà con di dời đến nơi tránh trú an toàn” - ông Thành nói.
Cùng tâm trạng, ông Trần Văn Bình (xã Phú Thuận) cho biết, trước đây khu vực nhà dân sinh sống cách bờ biển hàng trăm mét, thế nhưng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực trở nên nghiêm trọng. Thậm chí ăn sâu vào đất liền, các hộ dân nơi đây đã phải di dời đến nơi ở mới khiến khu vực này trở thành hoang phế.
“Mỗi năm, biển ăn sâu vào đất liền khoảng vài mét, cứ thế cuốn trôi nhiều nhà cửa của người dân. Chính quyền địa phương cùng với người dân đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục, hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển, tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời” - ông Bình nói.
Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, địa phương có tổng chiều dài bờ biển khoảng 5,2km. Những năm gần đây, tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển ở đây diễn ra rất nghiêm trọng. Tính từ năm 2020 đến nay, tình trạng sạt lở, xâm thực diễn ra mạnh, có nơi ăn sâu vào tận 20m. Tính trung bình mỗi năm xâm thực, sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền khoảng từ 5-7m.
Ở các điểm xung yếu tại thôn Tân An, Trung An, Xuân An... Biển xâm thực đã gây ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Phú Thuận, đến các khu du lịch, bãi tắm và các công trình hạ tầng thiết yếu khác trên địa bàn.
Theo ông Tùy, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 21 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng sạt lở bờ biển cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Giải pháp hiện nay của xã vẫn là di dời dân đến nơi an toàn mỗi khi bão về.
Kè chống sạt lở phát huy tác dụng
Trước thực trạng bờ biển bị xâm thực ngày càng mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Trong đó, xây dựng các đoạn kè chống xói lở là một trong những giải pháp được địa phương đã và đang triển khai thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Ông Đặng Tiến Tuỳ - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 1km bờ biển được xây dựng công trình kè chống sạt lở đã và đang phát huy tác dụng.
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong các năm qua bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài hơn 6,5km. Hiện nay, các công trình kè chống sạt lở đang hoạt động bình thường và đã phát huy được hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển. Theo ông Hùng, trong năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều đoạn kè chống sạt lở bờ biển, nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân mỗi khi mùa mưa bão đến.
(Còn nữa)