Bác sĩ cảnh báo người dân không tự mua thuốc điều trị cúm A tại nhà
Thời gian qua, số bệnh nhân mắc cúm nhập viện có xu hướng tăng, trong đó chủ yếu là mắc cúm A. Đáng lo ngại, nhiều người dân có tâm lý chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà dẫn tới nhiều hệ lụy nếu không sử dụng đúng cách.
Nhập viện vì chủ quan
Sốt nóng, sốt lạnh, đầu óc đau nhức, ho thắt ruột, không muốn ăn, mệt hơn cả Covid-19… là tình trạng chung của nhiều người mắc cúm A thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chủ quan, cho rằng đây chỉ là bệnh cảm thông thường và tự mua thuốc điều trị tại nhà.
Sau đúng 10 ngày mắc cúm A, con gái Nguyễn Hoàng Anh (quận Long Biên, Hà Nội), 10 tuổi, sụt gần 3 kgt. Vốn là bé ăn tốt nhưng trong suốt thời gian bị ốm, con chị Hoàng Anh không chịu ăn uống gì.
Chị Hoàng Anh cho biết, ban đầu con bé sổ mũi, sau đó khoảng 2 tiếng, con bắt đầu lên cơn sốt và kêu đau tai. Tưởng con bị viêm họng nên chị Hoàng Anh cho con uống thuốc hạ sốt và kháng sinh như mọi lần nhưng con bé vẫn liên tục mê man, không hạ được sốt. Thấy con tình trạng không ổn, ngày hôm sau chị cho con tới viện làm xét nghiệm và kết quả dương tính cúm A.
“Cúm A khiến con tôi sốt cao, không hạ nên con xuống sức rất nhanh, cả ngày chỉ nằm bẹp. Nhiệt độ có khi chỉ hạ được xuống khoảng 38,2 độ rồi tăng vọt lên gần 40 độ. Con được truyền dịch, uống thuốc và rửa mũi họng liên tục. Sau khoảng 48 tiếng cơn sốt bắt đầu hạ, dãn cữ sốt nhưng vẫn liên tục lên cơn sốt trong suốt hơn 5 ngày mà chưa khỏi hẳn”, chị Hoàng Anh nói.
Không riêng trẻ con, chị Nguyễn Quỳnh Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, cúm A làm chị mệt mỏi hơn cả bị Covid-19. Diễn biến của bệnh rất nhanh, sốt cao liên tục mà không hạ, đau đầu, nhức óc, chân tay rã rời.
Chị Nga kể lại, ban đầu chị khá chủ quan, tự mua thuốc về nhà uống. Sau 2 ngày, người vẫn sốt cao, li bì không dứt, kèm theo miệng đắng không ăn uống được gì nên chị bị lả người. Gia đình phải đưa chị nhập viện.
Chị Nga chia sẻ: “Diễn biến của bệnh rất nhanh khiến tôi có một trận ốm nhớ đời. Vì vậy, mọi người lưu ý, nếu sốt quá cao không hạ thì cần đến viện kịp thời, tuyệt đối không được chủ quan”.
Nguy cơ "dịch chồng dịch"
Theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc cúm nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian qua, trong đó chủ yếu là mắc cúm A.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong thời gian gần đây, có thời điểm mỗi ngày ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, nhiều trường hợp là trẻ em.
Bác sĩ Trần Tiến Tùng - chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Medlatec cho biết: “Bệnh cúm thường gặp, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, nguy cơ “dịch chồng dịch” là rất lớn, bao gồm dịch: cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là cả bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới”.
Theo bác sĩ Tùng, việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa cơ quan.
Để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường có thể xảy ra do cúm, bác sĩ Tùng khuyến cáo khi có dấu hiệu người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời.
Sau sốt 24 giờ là thời điểm thích hợp nhất để làm xét nghiệm nhằm biết được có bị cúm hay không. Người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, mà cần uống thuốc theo đơn bác sĩ.
Triệu chứng đặc trưng cúm là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cúm. Vì vậy, bác sĩ Tùng lưu ý, xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cúm.
“Việc chẩn đoán chính xác cúm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh để làm giảm việc sử dụng kháng sinh không đúng và lựa chọn liệu pháp kháng virus. Đồng thời, chẩn đoán kịp thời bệnh nhân được cách ly và điều trị, nên hạn chế biến chứng và khả năng lây lan ra cộng đồng, người xung quanh”, bác sĩ Tùng nhấn mạnh.
Trước sự gia tăng số ca mắc cúm A hiện nay, nhiều gia đình lo ngại thiếu thuốc nên đã tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, thậm chí tự ý sử dụng. Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, điều này là không cần thiết.
Dù Tamiflu là một thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm. Nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, nghĩa là người bệnh phải được xác định chính xác nhiễm cúm A.
“Cũng như các thuốc khác, thuốc nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, việc sử dụng thuốc không đúng bệnh, không đúng chỉ định sẽ dẫn tới lãng phí, không hiệu quả. Thậm chí việc dùng Tamiflu không theo đúng chỉ định của bác sĩ còn đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi khi dùng thuốc...”, bác sĩ Lê Văn Thiệu nhấn mạnh.