Loạt dự án giao thông do địa phương làm chủ đầu tư giải ngân chậm
Thông tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, hiện nay có 3 dự án do địa phương làm chủ đầu tư có kết quả giải ngân chậm.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL37 qua tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa do Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư. Đến nay, mặt bằng đã bàn giao khoảng 8,5/9 km (đạt 95%), dự kiến bàn giao phần mặt bằng còn lại trong tháng 8/2022.
Dự án hiện có 1 gói thầu xây lắp, sản lượng thi công đạt 60%, chậm 4,5% so với kế hoạch, do nhà thầu thi công chậm. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào tháng 10/2022.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng, chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung thi công bù lại tiến độ chậm.
Tương tự, dự án nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư đang chậm giải ngân. Hiện, dự án mới được bàn giao mặt bằng khoảng 13,62/14,18 km (đạt 96%), dự kiến bàn giao phần còn lại trong tháng 8/2022.
Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào tháng 11/2022. Đến nay, dự án có 1 gói thầu này đạt sản lượng thi công 36% giá trị hợp đồng, chậm 6% so với kế hoạch.
“Dự án chậm tiến độ bởi nhà thầu chưa tập trung thi công. Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu huy động thêm nhân lực, máy móc, thiết bị để thi công bù lại tiến độ chậm, trường hợp cần thiết bổ sung nhà thầu phụ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022”, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay.
Dự án thứ 3 chậm giải ngân được Bộ GTVT nêu tên là dự án tuyến tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk do Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Dự án hiện được bàn giao mặt bằng khoảng 15,3/39,07 km (đạt 38,6%). Ngày 24/7/2022, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk, dự kiến bàn giao phần mặt bằng còn lại trong tháng 8/2022.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2023, hiện đang triển khai thi công 2/2 gói thầu, sản lượng thi công đạt 6,91%, chậm 20% so với kế hoạch.
Nguyên nhân chậm là do công tác giải phóng mặt bằng chưa có nhiều chuyển biến, nhà thầu chưa tập trung huy động máy móc, thiết bị để thi công và ảnh hưởng của mùa mưa khu vực Tây Nguyên.
Do đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng, chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung thi công, bám sát tiến độ đã chấp thuận.