Nhà văn Ma Văn Kháng ‘một mình một ngựa’

PHẠM QUANG ĐẨU 28/08/2022 15:16

Đến giờ có thể nói, Ma Văn Kháng là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có nhiều thành công trong các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thuộc nhiều đề tài: miền núi, gia đình, người trí thức... Thể loại nào, đề tài nào ông cũng có tác phẩm để đời, sống mãi trong lòng người đọc các thế hệ.

Nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Tôi không có may mắn được gần gũi thường xuyên với nhà văn lão thành Ma Văn Kháng. Ông hơn tuổi tôi đúng một giáp (Bính Tý-1936 và Mậu Tý-1948). Ông là nhà văn hiếm hoi ở nước ta đến nay tuổi ngót 90 vẫn còn viết khỏe, viết hay. Có bận ông nói với tôi cái lý do thật đơn giản vì sao đến già vẫn còn đeo đẳng viết: “Mình không viết không biết làm gì để giết thời gian”.

Nhà văn vốn sắc sảo, hiểu đời, hiểu nghề lại giản dị, tốt bụng mặc nhiên có “sức hút”, nhiều người viết ít tuổi hơn, trong đó có tôi hay đến ông để nhờ cậy góp ý bản thảo hoặc để nghe lời tâm sự, khuyên nhủ chuyện bếp núc văn chương. Một lần tôi email cho ông: “Em vừa đọc xong tập truyện ngắn bác tặng (Truyện ngắn Ma Văn Kháng, 2008). 35 truyện, truyện nào cũng hay. Một số truyện như: “Vệ sĩ của quan châu”, “Ngẫu sự”, “Seo Ly-kẻ khuấy động tình trường”, “San Cha Chải”... so với những truyện ngắn kinh điển của thế giới mà em được đọc thì thấy còn hay hơn, vì mình dân Việt đọc thứ văn thuần Việt sướng hơn văn dịch nhiều”.

Ông viết lại: “Đẩu nói gì mà quá lời thế!” Ông vốn khiêm nhường, không bao giờ tự đề cao mình. Lại đọc cuốn hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”, vẫn là giọng văn dẻo quánh Ma Văn Kháng kể về những khó khăn, vất vả nhưng không thiếu tình yêu thương của ông với những người thân thiết xung quanh.

Đời văn Ma Văn Kháng đã trình làng trên 20 tiểu thuyết và gần 200 truyện ngắn. Thực ra những năm gần đây tôi chỉ được đọc truyện ngắn của ông đăng rải rác trên các báo và thi thoảng ra hiệu sách thấy có tiểu thuyết mới của ông là mua. Hôm đến nhà tôi ngỏ ý mượn cuốn nào ông thích nhất, hẳn do chiều khách tiện tay ông rút trong giá “Đám cưới không có giấy giá thú”.

Cái tựa xem ra “lành”, nhưng đọc mới thấy “dữ”. Lâu nay nhà văn Ma Văn Kháng đã dũng cảm đi đầu vạch trần cái xấu, cái ác và đề cao cái nhân bản trong mỗi gia đình Việt Nam. “Đám cưới không có giấy giá thú” ngay khi ra đời đã làm xôn xao dư luận vì nó đề cập thẳng vào “mặt trái của tấm huân chương”.

Nhưng trong gia tài văn học của ông, tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” (1985) mới là tác phẩm đánh dấu một giai đoạn sáng tác, có nhà phê bình văn học đã lấy năm xuất bản tác phẩm này làm năm khởi đầu cho “giai đoạn viết về vấn đề gia đình của Ma Văn Kháng”. Nhà văn dùng hình tượng ẩn dụ “mùa lá rụng” để nói về sự xáo trộn, đổi thay trong mỗi gia đình Việt ở thời điểm bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường.

“Xếp hàng” sau “Mùa lá rụng trong vườn” mới là “Đám cưới không có giấy giá thú” (1989); “Côi cút giữa cảnh đời” (1989); “Chó Bi, đời lưu lạc” (1992); “Ngược dòng nước lũ” (1999); “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn” (2001); “Một mình một ngựa”(2009)... Đó là những sáng tác “đặt Ma Văn Kháng vào đội ngũ những cây bút đang có nhiều đóng góp to lớn trong đổi mới nền văn xuôi nghệ thuật của dân tộc” (đánh giá của nhà phê bình Lã Nguyên: Khi nhà văn đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn). Năm 2012, nhà văn Ma Văn Kháng được Giải thưởng Hồ Chí Minh cho bộ ba tiểu thuyết tiêu biểu đều ở vào giai đoạn sáng tác kể trên.

Một số tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng.

Nhà văn đàn anh còn luôn quan tâm, dìu dắt các đàn em theo bước với một tấm lòng chân thành, nồng ấm. Cuộc thi Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ ba (2011-2015) do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức, tôi tham gia với cuốn tiểu thuyết “Đơn tuyến” viết về nhà toán học kiêm tình báo, thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc.

Nhân vật này một thời gian dài sau ngày thống nhất đất nước vẫn trong “tầm ngắm” của nhiều nhà văn, song chưa ai viết được gì, đơn giản là nhân vật rất khiêm nhường, kín tiếng, không thổ lộ thời hoạt động trong lòng địch trước 1975 của mình. Tôi thì chỉ được gặp ông vài lần trong các cuộc họp báo ngắn ngủi. Rồi tôi quen người em ruột ông là bác sĩ Nguyễn Đình Kim - nguyên Viện phó Viện Lao và các bệnh phổi trung ương, chính bác sĩ Kim đã cung cấp cho tôi một tư liệu quan trọng sau khi GS Nguyễn Đình Ngọc qua đời năm 2006, cuốn lý lịch Đảng viên. Từ đây tôi biết được các mốc quan trọng trong đời hoạt động của nhà tình báo.

Sau đó tôi dựa vào các sự kiện thời chống Pháp, chống Mỹ để dựng lại chân dung ông. Viết liền mạch trong vòng 3 tháng, xong tôi nghĩ ngay đến “thầy” Ma Văn Kháng, định bụng nếu thầy lắc đầu bảo “hỏng” thì cũng xếp xó luôn bản thảo. May sao thầy đọc và có email trả lời ngay: “Đó là một cuốn sách hay. Hay một cách bất ngờ đối với mình. Không phải là mình không tin ở tài văn của Phạm Quang Đẩu. Mà vì đây là một đề tài rất khó viết hay. Mà lại hay như thế. Rất đáng phục về khả năng nắm bắt, biến hóa và tạo dựng chất liệu để có được một chỉnh thể văn chương hoàn bị đến thế. Mặt khác, đây mới là cái cốt tử của văn chương. Về tuổi tác mình gần với thế hệ ông Nguyễn Đình Ngọc, thành ra thoạt đầu đọc, mình lo không hiểu Đẩu có dựng nổi chân dung ông không. Quan trọng là cái không khí thời đoạn lịch sử và con người ở thời đoạn đó. Vậy mà thành công. Rất đáng phục”.

Lời nhận xét đầy khích lệ ấy bỗng làm tôi trở nên tự tin hơn, tiếp tục hoàn thiện bản thảo. Bác còn gọi điện nhắc nhở, đây có khác các tiểu thuyết bình thường, nên đề là “Tiểu thuyết chân dung”. Kết quả, cuốn tiểu thuyết chân dung “Đơn tuyến” của tôi đạt giải A. NXB Công an nhân dân cho ra mắt bạn đọc năm 2014, năm sau tái bản, ở bìa 4 cuốn sách in cảm nhận tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng. Đời viết của tôi chưa bao giờ được ai đánh giá tác phẩm “quá đã” như thế!

Một lần có người rất thân với nhà văn Ma Văn Kháng bảo tôi: Ông anh giận, bảo là Đẩu nói anh ai cũng khen. Tôi có nói câu ấy thật, nói trong văn cảnh này. Cả trang báo Văn nghệ số ấy bác khen “nhiệt liệt” cuốn tiểu thuyết của nhà văn S. (được giải ba cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn). Bác S. có tặng tôi cuốn đó, đọc thấy bình thường, không có gì nổi trội. Không phải tôi hà tiện lời khen, song bao giờ tôi cũng muốn hay thật mới khen, còn hay “giả” thì để đấy không chê cũng chẳng nên khen.

Tôi lại chợt nhớ, lần ấy có người cho tôi một cuốn tiểu thuyết vừa được giải của tác giả T. Bác Kháng trong ban giám khảo cuộc thi. Tôi hăm hở đọc ngay, lại thất vọng. Tôi hỏi bác Kháng, viết thế mà cũng trúng giải cao? Bác từ tốn bảo, Đẩu ơi, giờ đây có ai còn nhớ đến cuốn đó nữa đâu. Bác biết cả đấy, song sự nhân hậu và lịch lãm trong con người nhà văn đã làm cho ông không nỡ phê phán ai dù không phải đao to búa lớn gì (Phải chăng thói quen đó cũng là một “khiếm khuyết” của ông?). Thế rồi trên cả trang báo Văn nghệ sau đó có hẳn một bài dài của bác cảm nghĩ nghề văn, rằng không chấp nhận việc chê bai văn nhau...

Khoảng một năm sau lần “va chạm” đó, tôi viết xong tiểu thuyết mới, tựa là “Mê tỉnh”, sốt sắng đến gõ cửa nhà bác cuối phố Giảng Võ (Hà Nội). Cô giúp việc người Mường Hòa Bình ra bảo: Ông mệt không tiếp, có gì cứ đưa cháu. Tôi hơi thất vọng, nhưng sực nhớ gần đây nghe tin ông đặt 6 stent ở tim rồi, ngày vốc thuốc, liền đưa bản thảo cho cô giúp việc.

Nửa tháng sau tôi nhận được email của bác, đại ý cuốn tiếp nối cuốn khôi nguyên trước, viết chặt chẽ, khắc họa nhân vật tốt, nhưng cái tựa không hay. Bác đang ốm yếu thế mà vẫn để thì giờ đọc kỹ bản thảo đàn em gửi gắm. Nghe lời bác, tôi đổi “Mê tỉnh” thành “Cồn Dương”, đơn giản vì đấy là địa danh xảy ra câu chuyện (như kiểu “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức)…

Một nhà văn có bề dày và lối viết hấp dẫn như Ma Văn Kháng có khối người hâm mộ, chẳng nói đâu xa như Hoàng Tuyên, nguyên diễn viên Nhà hát Cải lương (bà bằng tuổi tôi), có lần kể với tôi: Ngày ấy mình còn khá trẻ, đọc văn bác Kháng thích quá, tự tìm đến NXB Lao Động nơi bác vừa ở Lào Cai chuyển về để làm quen, thế mà đến nay đã thân thiết với cả gia đình bác hơn 40 năm rồi.

Tôi có ông bạn hưu vốn xưởng trưởng, rồi làm công đoàn của Nhà máy cơ khí Hà Nội, chiều chiều bóng bàn với nhau, cứ có truyện ngắn nào của Ma Văn Kháng đăng trên báo đại chúng là mang đến “bắt” tôi đọc, chẳng hạn gần đây truyện “Khôn ngoan cũng thể đàn bà” đăng trên báo Kinh tế đô thị, ông bảo chuyện chẳng có gì to tát mà viết hay thế! Văn hay, đấy là tiêu chí hàng đầu để tác phẩm đi vào lòng người đọc.

Nhà văn quân đội Chu Lai có lần bảo tôi: “Chất văn Ma Văn Kháng dẻo quánh như đất thó, đọc rất cuốn hút”. Quả là ông viết theo khuynh hướng hiện thực, dường như ông chỉ tưởng tượng, hư cấu trên cơ sở một hiện thực đã thấy, đã biết, đã cảm nhận được. Sự đặc sắc trong văn của ông còn ở những lời bình luôn xuất hiện bên cạnh lời kể, lời thoại ở mỗi nhân vật, sự kiện, cảnh huống... tất cả đều rất đích đáng, xúc tích, biến hóa chứng tỏ một nội lực thâm hậu, kiến văn sâu rộng, bút pháp tài hoa của người viết.

Nghề sáng tác văn chương vốn đơn độc và hao tâm tổn trí, tôi muốn mượn cái tựa “một mình một ngựa” cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn tự truyện của Ma Văn Kháng, viết về người Bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền núi phía Bắc để nói rằng: Hơn 60 năm nay, nhà văn của chúng ta đã “một mình một ngựa” bền bỉ rong ruổi trên các nẻo đường văn học, ở các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, ký thuộc nhiều đề tài về miền núi, gia đình, trí thức, thiếu niên... Thể loại nào, đề tài nào nhà văn cũng có tác phẩm để đời. Ma Văn Kháng thực sự là một nhà văn lớn, một "thương hiệu nổi trội" của làng văn Việt Nam hôm nay.

PHẠM QUANG ĐẨU