Hướng về quê hương

TUỆ PHƯƠNG 17/08/2022 09:16

Với những doanh nhân kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau và lập nghiệp với những điều kiện không giống nhau, nhưng tất thảy từ sâu thẳm những trái tim mang dòng máu Lạc Hồng ấy vẫn luôn đau đáu hướng về nguồn cội.

Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội doanh nhân Thái Lan - Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp trẻ thành phố Đà Nẵng.

1. Với ý tưởng đưa kiều bào trở về xây dựng quê hương, tạo hành lang pháp lý rộng mở để bà con kiều bào đầu tư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương”. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức gặp gỡ doanh nhân kiều bào với số lượng lớn để lắng nghe bà con hiến kế, đồng thời kết nối với các địa phương, thúc đẩy tiềm năng về hợp tác, thương mại, du lịch trong và ngoài nước. Với một tình yêu lớn lao giành cho Tổ quốc, nhiều kiều bào ở Thái Lan đã trở về quê hương lập nghiệp dẫu biết rằng chặng đường phía trước có thể còn nhiều khó khăn.

Hiện nay đa số người Việt Nam sinh sống tại Thái Lan, đều có cuộc sống ổn định và thành đạt. Cộng đồng người Việt tại Thái Lan có một vị trí hết sức đặc biệt. Đây là cộng đồng giàu truyền thống cách mạng, có sự đoàn kết và luôn hướng về quê hương đất nước. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào ta ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan.

Với khoảng 1.000 doanh nghiệp kiều bào là người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Thái Lan đã không ngừng mở rộng đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài. Cùng với sự đóng góp về kinh tế thì vai trò, vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan cũng ngày càng được nâng cao.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh của bà con ngày càng phát triển về quy mô, số lượng cũng như ngành hàng. Bà con không chỉ đóng góp cho nước sở tại mà còn trở về đầu tư tại quê nhà. Việc mở rộng thông thương, đẩy mạnh sản xuất đã khiến cho bà con kiều bào trở thành cầu nối hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan.

Bất ngờ là cảm xúc đầu tiên của doanh nhân Đỗ Xuân Phúc khi về Việt Nam tham dự chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương” vừa diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Dù đã về quê hương, đầu tư dự án sân golf tại tỉnh Lâm Đồng từ năm 2008, nhưng trong chuyến công tác lần này, ông Đỗ Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã mang đến cho ông nhiều bất ngờ. Đặc biệt, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với ông. Được biết, hơn 10 năm trước, ông Phúc đã tìm hiểu về mảnh đất này và thấy rằng dù Phú Quốc sở hữu những bãi biển đẹp, hoang sơ nhưng du khách đến nơi đây vẫn chỉ để ngắm cảnh, tắm biển, ăn hải sản rồi về nên ông quyết định đầu tư nhiều hơn nữa vào mảnh đất này.

Khi được hỏi về tình cảm dành cho Việt Nam, ông Đỗ Xuân Phúc cho rằng, tình yêu quê hương là thiêng liêng và không điều gì có thể thay thế được cho nên tôi luôn mong muốn quay trở lại đầu tư về Việt Nam.

Bạn bè tôi vẫn thường hỏi, có điều gì tại Việt Nam khiến tôi lưu luyến, muốn tiếp tục đầu tư. Và tôi luôn tự tin khoe với bạn bè tại Thái Lan và các quốc gia khác về sự thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kết nối đô thị với các vùng quê hẻo lánh. Tôi luôn tin tưởng thời gian không xa, Việt Nam sẽ có chỗ đứng nhất định trong nền kinh tế thế giới. Và chúng tôi, những người “kết nối” sẽ đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình để tạo lên những thành công đó.

Từ nhiều năm nay, các doanh nhân gốc Việt ở Thái Lan có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối và đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan để phục vụ bà con kiều bào ở các địa phương có đông người Việt sinh sống. Thông qua các kênh mua bán khác nhau, hàng hóa Việt đã lan tỏa ra thị trường Thái Lan.

Bà Nguyễn Thị Lý, doanh nhân gốc Việt ở Thái Lan bộc bạch, đã về Việt Nam nhiều lần nhưng mỗi lần quay trở lại thì lại thấy diện mạo đất nước thay đổi. Ở Thái Lan gia đình bà kinh doanh đầu máy xe lửa và các lĩnh vực nông nghiệp cho nên bà Lý mong muốn đưa các sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan về Việt Nam. Qua tìm hiểu bà Lý cũng biết được rằng nhiều doanh nghiệp Thái cũng mong muốn qua kênh kiều bào để đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực như: Chế biến hoa quả, sản xuất phân bón, sản xuất nông nghiệp sạch…

“Mỗi lần trở về, điều khiến tôi ấn tượng nhất đó chính là tình đoàn kết của quê hương, của bà con lối xóm. Điều này khiến tôi cảm thấy gần gũi như trở về ngôi nhà thân yêu của mình với bao ký ức tuổi thơ. Đó như những thước phim quay chậm thôi thúc tôi phải làm gì đó để cống hiến cho quê hương, đất nước”, bà Nguyễn Thị Lý bộc bạch.

2. Là một trong những doanh nghiệp tham gia nhiệt thành trong chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương”, cũng đã cọ xát nhiều trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam cho rằng, thương trường là chiến trường, rất khốc liệt.

Do đó, khi tham gia chương trình kết nối này, ông Lâm mong muốn, Bộ Ngoại giao cần phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung thúc đẩy đàm phán để phá bỏ hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam theo đường chính ngạch vào Thái Lan.

Luôn đau đáu hướng về quê hương nên hiện nay, dù ông Lâm đã xây dựng cho mình những chuỗi hệ thống bán hàng tại nhiều tỉnh, thành khác nhau của xứ sở Chùa Vàng nhưng lúc nào ông Lâm vẫn luôn trăn trở, làm thế nào để đưa hàng Việt hiện hữu tại Thái Lan một cách bài bản và bền vững nhất. Vì vậy, đối với nông nghiệp công nghệ cao, Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam sẵn sàng chia sẻ và trao đổi về công nghệ trồng rau sạch cho các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này.

“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Thái Lan nói riêng là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi, những doanh nghiệp kiều bào hoàn toàn có thể trở thành những sứ giả đưa hàng Việt đến khắp nơi trên thế giới”, ông Hồ Văn Lâm chia sẻ.

Để tận dụng nguồn lực và chất xám của kiều bào xây dựng quê hương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho biết, cộng đồng người Việt ở Thái Lan luôn hướng về quê hương, đất nước, là cầu nối quan trọng vun đắp tình hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam - Thái Lan.

Cộng đồng với khoảng 1.000 doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp tiềm lực đã phát triển thành công tại Thái Lan, một số doanh nghiệp đã mở rộng đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Thái Lan là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam với hơn 13 tỉ USD, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt xấp xỉ 19,5 tỉ USD trong năm 2021.

Ba tháng đầu năm 2022 đạt 5 tỉ USD. Hai nước Việt Nam và Thái Lan cũng đặt mục tiêu đạt 25 tỉ USD hai chiều vào năm 2025. Do vậy, dư địa hợp tác đầu tư, thương mại hai nước còn rất lớn và có thể đạt mục tiêu nêu trên nếu thúc đẩy kết nối trực tiếp địa phương - địa phương, doanh nghiệp - doanh nghiệp.

Với những kết quả đạt được, việc kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan đã giúp nhiều doanh nhân hiểu rõ hơn về tình hình đất nước, cân nhắc cơ hội đầu tư; đồng thời mở rộng mạng lưới tiêu thụ và là cầu nối thu hút các nguồn lực để trở về xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

TUỆ PHƯƠNG