Bến xe thị xã
Có những thị xã chỉ còn lại trong nỗi nhớ… Thị xã xưa vắng vẻ, đường nhựa còn vá, sà cừ cũng chỉ mới đủ vòng tay ôm. Lấp ló những tòa nhà màu vàng, cửa gỗ sơn xanh, những cái biển tự chế bằng gỗ hay sắt sơn, viết phấn lên đó hay sang hơn thì viết bằng sơn màu. Nhà cổ thì Hán tự, hay chữ xi măng đắp nổi, tô màu…
Thị xã ấy của những quần kaki cũ, tích kê, áo sơ mi trắng sơ vin đi dép nhựa Tiền phong quai hậu. Thị xã ấy của quần sali ốt, hay quần sa tanh đi dép nhựa hoặc guốc gỗ duyên dáng. Thị xã của những xe đạp, họa hoằn mới có cái xe cúp, còn tầm trung là xe “cá xanh” hay mô-bi-let…
Thị xã có vườn hoa, có kem và bánh mì thật hấp dẫn với cả người lớn chứ đừng nói trẻ con. Nhất là người ở các xã, huyện lân cận, đạp xe cả tiếng mới ra đến nơi. Người xa hơn, mãi tận huyện lỵ vùng đồng chiêm hay bán sơn địa thì muốn đến thị xã phải bắt xe khách đi vài chặng mới về đến thị xã. Và tất nhiên với người xa gần, bến xe thị xã với những chiếc xe khách cũ mèn, những người tay cắp nắp mang đi trong khói bụi xe cộ vẫn được nhớ và “sợ”.
Nhớ chứ, bến xe thị xã, nghe đã đầy chất thị thành. Không khí ở đây quanh quánh mùi dầu luyn, xăng và khói xăng dầu. Cộng hưởng thêm bởi lớp đất bụi bên bết dầu mỡ của bến xe nữa. Thêm vào đó là mùi hồ hôi người vật vã sau hành trình xa gần, khiến bến xe thị xã càng trở nên đặc biệt. Và nó càng đặc biệt hơn là vài cây to ở sát tường hay trong các bồn ở sân thì còi cọc, đám cây dây leo trên bờ tường tróc lở của bến xe quanh năm không thấy mơn mởn bao giờ nhưng cỏ dại vẫn mọc được ở đôi chỗ.
Bến xe lạ với người lạ, quen với người quen. Người không đi ngoại tỉnh bằng ô tô bao giờ, vì không có việc, chẳng có ai thăm viếng thì bước vào đây là e ngại. Sợ mùi dầu mỡ, mùi người, sợ kẻ cắp móc túi, hay lẩn mẩn lấy mất cả đồng hồ đang đeo trên tay. Ai mà ít đi hay lần đầu vào bến xe thị xã thì lớ ngớ lắm. Chốc chốc lại hỏi, gặp ai cũng hỏi, vì chẳng biết nhìn biển số hay tuyến xe. Nên bọn móc túi cứ nhè đám này mà đeo bám. Khối người sơ xảy là thành con mồi ngon của chúng.
Còn với đám người hiểu biết, mòn mặt ở bến xe thì đám 4 ngón kia phải kiềng mặt. Gặp phải dân đi buôn mạn ngược về lớ ngớ bị túm tóc đấm luôn. Thích gọi băng nhóm ra không? Côn dắt trong người, rút ra múa tít uy hiếp cái đã rồi tính sau. Bọn nào thì bọn, cũng phải dạt hết, đừng có láo với các anh. Còn với các bà, các chị buôn chuyến thì phận đàn bà ngược xuôi vất vả, thân gái dặm trường, các bà các chị cứ dắt kỹ tiền vào cạp váy. Các chú le ve, các chị xởi lởi mời chén nước chè ngay với ngụ ý, kiếm ăn ở đâu chứ còn cứ phải kiềng đám này.
Bất kể vào hay ra bến đều là những chiếc xe khách cà tàng, bám đầy bụi đường, có khi không còn nhìn thấy rõ biển số. Và chỉ người sẽ lên, người vừa bước xuống xe mới biết lộ trình của nó. Người lên xe ngồi ngóng để xe chuyển bánh, cứ nghết cổ nhìn trước, nhìn sau. Lại có người vừa lên xe ngồi chưa nóng chỗ, xe chưa kịp chuyển bánh đã nôn thốc. Lơ xe vừa dọn vừa cằn nhằn. Mùa đông hay se lạnh còn đỡ, mùa hè bước vào cái hầm vỏ sắt đông người này mới khiếp, lại còn nôn ói.
Nhiều chuyến xe đông như nêm cối. Đồ đạc xách theo có gì không quý lắm mới dám để lên gác, chứ còn ai cũng ôm khư khư kẻo mất là chết dở. Đến công tử cũng còn quần tích kê mông đi đường trường còn để dành bộ quần áo tươm tất về nhà mới mặc, mà để túi đồ trên giá ngộ nhỡ lúc xuống ai “cầm nhầm” mất túi thì sao?
Xe nêm người, chằng buộc những xe đạp, rồi hàng hóa trên nóc, cất hàng vào “bụng xe” xong thì cũng nổ máy di chuyển.
Gớm, ra khỏi khuôn viên bến xe đi cho xong chứ ở đây mà ngửi mùi xăng dầu cũng chết. Và xe đi cho thoáng, chứ mấy chục con người ngồi đấy, hít hơi nhau cũng đủ mệt. Lại có cái ông già vô ý thức vẫn ngo ngoe điếu thuốc trên tay. Nói thì bảo hút dở, bỏ đi thì phí. Thời buổi bao cấp có được điếu thuốc thơm hút là quý, mà bắt người ta bỏ đi khi cán thuốc còn dài, mất dăm hơi thì cũng tội, nên cũng đành để ông đấy hút.
Xe đi cứ đi, xe về cứ về. Bến xe xưa thông thống cổng nọ cổng kia, cũng chẳng tắc đường mà lo. Người về đến thị xã lễ mễ đồ, dớn dác tìm người nhà. Người xăm xăm quốc bộ ra phía cổng. Có anh bộ đội, quân phục còn mới, đi chặng xa về mà quân phục vẫn thẳng thớm, ngay ngắn, trông rõ đẹp trai. Ra đến cổng còn phải hỏi thăm xem về xã mình đi đường nào. Còn cả 50 cây nữa mới về đến quê, nên phải chờ xe khách đi tiếp, anh lính trẻ phân trần:
- Xe bộ đội về làng tuyển quân, cháu lần đầu ra khỏi làng. 18 tháng nay mới được về thăm nhà.
Mọi người vừa cười lại vừa xót xa. Đúng là không đi bộ đội, không đi đây đó thì còn lâu mới ra khỏi làng. Ở nhà rồi loanh quanh lấy vợ đi sau đít con trâu thôi.
Đó là chuyện xưa, xưa lắm! Từ cái độ bao cấp. Chứ sau này cơ chế thị trường mở ra, hàng hóa thông thương không còn ngăn sông cấm chợ nữa. Cánh đi buôn công khai chở hàng xuyên tỉnh, xuyên Bắc Nam thì bến xe tấp nập lên hẳn. Những cái xe cũ được thay thế. Xe của các HTX vận tải mới, sơn đẹp, chữ to, biển rõ, đậu nhiều trong bến hơn. Nhu cầu đi lại của người dân cũng tăng lên. Hàng quán kiếm ăn trong bến cũng nhiều hơn. Những lon coca cola đã xuất hiện trên các chõng hàng, cạnh những chai nếp ga và bia Tàu. Ấy thế nhưng cái mùi đặc trưng của bến xe xưa chưa loãng ra.
Thời này người ta đua nhau trồng giàn giâm bầu để lấy bóng mát. Có người lại cứ gọi cái giống cây tốt lá, nặng giàn này là “trâm bầu”. Có bận cãi nhau to, phải gàn không mấy bố rỗi việc ngồi tán phét và tranh luận vớ vẩn suýt choảng nhau. Giàn giâm bầu hoa tím cho bóng mát nhưng khi “hạ giàn” thì quá mệt. Đám bảo vệ bến xe thường phải chặt đắp đống phía cuối bãi, để mưa nắng cho khô. Làm thì không ai làm nhưng khi thành củi sẽ không cánh mà bay rất nhanh. Không đám quán xá nhặt về nhóm lò than tổ ong thì cũng cánh xây dựng bên công trường sang ôm về đun nấu, đỡ tiền củi. Cũng từ đây, xe ôm xuất hiện. Không có xe ôm có mà chết à? Có mà tắc tị đường về dưới xã.
Nhiều người từ tỉnh xa về đây, đường xa ngồi tựa lưng áo có nhàu đôi nếp nhưng giầy vẫn đen bóng. Xe có chỗ ngồi không bị ai dẫm chân lên hay ngồi chung với hàng họ lấm bết như khoai sắn mới dỡ, đóng bao tùm lum như trước nên xách túi xuống xe khách là chủ động đi tìm xe ôm. Đi thật nhanh về nhà kẻo bố mẹ, vợ con mong.
Cho dẫu một cái xe máy ngày ấy là tài sản lớn, nhưng không có cái xe kiếm ăn là đói nhách, nên nhiều người vẫn phải sắm cái xe máy để mà chạy xe ôm. Người có tiền thì sắm xe Nhật bãi, người ít tiền thì sắm cái xe Tàu. Gia nhập đội xe ôm bến xe, máu mặt thì ở vòng trong, không dám đương đầu thì vòng ngoài, đỡ chia hồ, chia phế. Đỡ bị nó túm vào xin đểu chai bia Tàu hay chai nếp ga, và rõ là đi xe ôm có tiền tươi, thóc thật ai cũng thấy.
Đội xe ôm này có cả ông kính gọng vàng bị “tinh giản biên chế” gia nhập. Lúc đầu ông còn nhát, sau dần dà cũng rít thuốc lào sòng sọc và đen nhẻm như anh em cả. Phải công nhận giới cần lao thương xót nhau. Ban đầu ông anh ra, bị túm áo, rơi kính vì miếng bánh thêm người sẽ chia nhỏ. Nhưng sau, anh em hiểu nhau, đám máu mặt một tay nể trọng ông anh. Rảnh là vây lại đợi ông anh rít xong điếu thuốc rồi kể chuyện tiếu lâm cho cả bọn cười rũ. Mùa đông, chất củi sưởi lại nghe anh kể chuyện quê nghèo, chuyện Liên Xô thời chân giò đút trong cặp, chuyện sinh viên bên ấy ăn lòng lợn.
Khốn khó thật! May cơ chế mở, có nghề này bớt nghĩ, đầu óc minh mẫn chứ không ít việc, đút chân gầm bàn mãi hèn người rồi cấu xe nhau mà chết…
Ông anh kể xong, thường chốt câu ấy, cả hội lặng đi. Mùa đông se sắt, nhưng không đói là may.
Thế rồi quy hoạch, bến xe thị xã bị “bốc đi”. Cánh chuyên tâm với nghề thì theo về bến xe mới. Ông anh tinh giản biên chế kia vợ chồng theo con sang Đức. Tết năm nào ông về Việt Nam còn mang bao nhiêu bánh kẹo, thuốc lá tìm anh em liên hoan và gửi quà về cho vợ con họ. Công nhận bác ấy có tình thật.
Chuyện đã lâu rồi, cánh xe ôm “di” từ bến xe thị xã xưa về bến xe phía Bắc, phía Nam ngày ấy đã già không còn theo nghề được nữa, lại cũng người mất, người còn. Và không lâu sau khu đất vàng của bến xe thị xã đã mọc lên những tòa nhà chọc trời.
Đám trung niên nhiều người cũng chẳng còn nhớ nổi mốc bến xe thị xã xưa nữa là đám trẻ, nhất là những người ở nơi khác chuyển về thành phố.
Những cái xe khách xưa đôi khi đã được phục chế thành quầy bán café giải khát và câu chuyện có khi chỉ xoay quanh những tấm ảnh “check in”.