Doanh nghiệp vẫn chây ì nợ thuế
Dù nhà quản lý đã sử dụng nhiều giải pháp, nhưng nợ thuế vẫn tăng theo thời gian, điều này khiến cho ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng.
Nhiều doanh nghiệp bị nêu tên
Để hạn chế tình trang nợ đọng thuế kéo dài, biện pháp đầu tiên mà các Cục thuế đang áp dụng là “bêu tên” các doanh nghiệp (DN) nợ thuế. Vậy nhưng, có những DN được gọi tên từ năm này qua năm khác, song nợ vẫn hoàn nợ.
Mới đây Cục thuế Hà Nội công khai danh sách nợ thuế đến ngày 31/5/2022 với tổng số nợ khó thu và khả năng thu 112,4 tỷ đồng trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land) nợ 54,4 tỷ đồng. Trong đó Thuế thu nhập DN gần 16 tỷ đồng; Thuế thu nhập DN từ chuyển nhượng bất động sản gần 14 tỷ đồng; Thuế giá trị gia tăng gần 7 tỷ đồng; tiền chậm nộp Thuế giá trị gia tăng hơn 6,5 tỷ đồng và tiền chậm nộp Thuế thu nhập DN cùng các khoản nợ khác hơn 6 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ năm 2019 đến nay Long Giang liên tục bị "bêu tên" vì nợ thuế.
Trước thông tin này, Long Giang Land đã lên tiếng lý giải nguyên nhân dẫn đến việc nợ thuế và kế hoạch giải quyết của công ty liên quan đến khoản nợ phải thu từ ngân sách tại TPHCM. Cụ thể, năm 2011, UBND TPHCM giao Long Giang Land làm chủ đầu tư xây dựng công trình Lô C gồm 288 căn hộ và các công trình gắn liền với căn hộ tại dự án Khu chung cư Thành Thái để bàn giao cho UBND quận 10, TPHCM làm quỹ nhà tái định cư. Ngay sau đó, Long Giang Land đã đầu tư xây dựng và đã hoàn thành dự án này. Đến cuối năm 2018, Long Giang Land đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích quận 10 - đơn vị được UBND TPHCM chỉ định ký hợp đồng về việc mua quỹ nhà 288 căn và toàn bộ công trình gắn liền với căn hộ tại Lô C Khu chung cư Thành Thái với giá trị tạm tính là 252 tỷ đồng (giá trị này chưa bao gồm lãi vay ngân hàng và lợi nhuận định mức của nhà đầu tư).
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 4 năm kể từ ngày công trình Lô C dự án Khu chung cư Thành Thái được Bộ Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng và sau gần 3 năm kể từ ngày 2 bên ký hợp đồng mua bán, Long Giang Land vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền tạm ứng, thanh toán nào từ ngân sách TPHCM theo hợp đồng mua bán đã ký. Chính vì vậy, Long Giang Land chưa thể hoàn thành việc thanh toán toàn bộ các khoản nợ ngân sách, dẫn đến phát sinh khoản nợ thuế nêu trên.
Còn tại TPHCM, nhiều DN cũng nằm trong danh sách nợ thuế thường xuyên bị Cục thuế TPHCM điểm tên. Đơn cử Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) nợ 351,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn nợ 339,3 tỷ đồng, Công ty CP Đức Khải nợ 334,3 tỷ đồng.
Không chỉ tại Hà Nội hay TPHCM, thời gian qua, hầu hết các cục thuế trên cả nước đều liên tục công khai DN nợ thuế, mà trong đó nợ tiền thuế liên quan đến đất luôn chiếm phần lớn tổng số nợ khó đòi. Mới đây, Cục thuế Quảng Ninh cũng đã công khai danh sách 498 người nợ thuế kỳ tháng 6/2022. Trong đó, Công ty CP tập đoàn Hạ Long nợ trên 35,2 tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn đầu tư Hồng Nguyên nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài nợ trên 26,2 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản Hồng Hải Quảng Ninh nợ trên 15,2 tỷ đồng...
Xu hướng tăng nợ thuế
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế ước tính đến thời điểm ngày 31/7/2022 là 133.639 tỷ đồng. Số nợ này tăng 16,2% so với thời điểm ngày 31/12/2021 và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo lý giải của Tổng cục Thuế, sở dĩ số tiền nợ tăng là do một phần phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ ngày trên tổng số tiền nợ thuế. Bên cạnh đó có tình trạng một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP nên vẫn phải theo dõi nợ thuế khiến tổng số nợ thuế tăng lên. Ngoài ra, một số người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến chưa kịp thời nộp thuế.
Đáng chú ý, liên quan đến các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án, Tổng cục Thuế cho biết, vướng mắc chính là do các dự án chưa đi vào hoạt động, khai thác trong khi theo quy định pháp luật, cơ quan Thuế đã phải thực hiện tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, do đó người nộp thuế chưa thể thực hiện nghĩa vụ với ngân sách...
Theo Tổng cục Thuế, các biện pháp cưỡng chế tiếp theo như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tài sản của đối tượng bị cưỡng chế cũng gặp khó khăn, không thực hiện được vì người nộp thuế không còn tài sản, hay tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.
Nhận định về thực trạng nợ thuế tăng, giới chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiên tai... khiến nhiều DN, hộ kinh doanh bị thiệt hại nặng nề, sản xuất kinh doanh thua lỗ, còn có nguyên nhân là một số người nộp thuế cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước nhằm chiếm dụng vốn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính nhìn nhận, thu từ thuế chiếm tới 80-90% nguồn thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, đẩy mạnh thu nợ thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. “Cơ quan thuế cần rà soát, nếu DN gặp khó khăn thì cần có biện pháp hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng nguồn thu. Ngược lại, với DN vẫn hoạt động tốt nhưng lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh mà chây ì, cố tình không nộp thuế, cần thực hiện các biện pháp mạnh” - ông Thịnh nhấn mạnh.