Học Sử để thêm yêu lịch sử nước nhà. Bài 2: Khối xã hội đã qua thời cạn nguồn tuyển?
Theo dự đoán của các chuyên gia, điểm xét tuyển đại học (ĐH) năm 2022 ở các tổ hợp có môn Lịch sử có thể tăng mạnh. Các trường ĐH đào tạo khối ngành Lịch sử sẽ không còn cảnh cạn nguồn tuyển sinh. Làm nên “kỳ tích” này phải chăng học sinh đã hứng thú với môn học, chất lượng dạy và học trong trường phổ thông tăng lên hay vì lý do nào khác?
Không còn gặp khó trong tuyển sinh
Năm nay, cả nước có 659.667 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử. Trong đó, 1.779 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử, tăng gấp 8 lần so với năm ngoái và số thí sinh điểm dưới trung bình giảm mạnh, còn 127.557. Từ điểm thi này, các chuyên gia giáo dục dự báo, điểm chuẩn ĐH theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ tăng ở tổ hợp xã hội, nhất là các tổ hợp có môn Lịch sử.
Với các trường ĐH đào tạo khối ngành Lịch sử, đây là tín hiệu đáng mừng. Đề cập tới thực trạng tuyển sinh khối C hay rộng hơn là ngành tuyển sinh có sử dụng các môn xã hội những năm gần đây, TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nhìn nhận: “Có nhiều chuyển biến tích cực”. Một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, nhiều học sinh có xu hướng lựa chọn khối ngành này, bởi thực tế có nhiều ngành đào tạo cần những học sinh có thế mạnh về các môn xã hội như: Công an, quân đội, sư phạm, luật, báo chí truyền thông, du lịch,…
Trong xu thế đó, hai năm qua, ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 không còn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh như những năm trước đây mà ngược lại đều tuyển đủ chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Đặc biệt, năm 2022, số lượng thí sinh quan tâm đến ngành Sư phạm Lịch sử của trường tăng mạnh. Theo TS Nguyễn Văn Dũng, điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay với ngành Sư phạm Lịch sử là 20 điểm, tăng 1-2 điểm so với 2 năm trước đó. “Đây là tín hiệu vui cho mùa tuyển sinh năm nay. Chúng tôi hi vọng sẽ tuyển được nhiều sinh viên giỏi, đam mê với ngành Sư phạm Lịch sử để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - ông Dũng chia sẻ.
So sánh giữa 2 khối ngành, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào cả 2 khối đào tạo này của ĐH Huế trong 1 vài năm gần đây có số lượng tương đương. PGS. TS Lê Anh Phương - Giám đốc ĐH Huế dẫn chứng riêng về con số 200 thí sinh đăng ký vào ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế), trong khi số chỉ tiêu rất ít là 30 chỉ tiêu, để thấy rằng, lượng thí sinh lựa chọn ngành tuyển sinh có sử dụng các môn xã hội nói chung và môn Lịch sử nói riêng tăng lên đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc, xu thế lựa chọn khối Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên của thí sinh đã có sự dịch chuyển, không còn quá chênh lệch.
“Kỳ tích” này do đâu?
Nhìn lại xu hướng tuyển sinh những năm trước đây, đã có thời điểm, thí sinh “quay lưng” với ngành Khoa học xã hội mà đua nhau đăng ký thi vào các ngành kinh tế, tài chính, dẫn đến sự mất cân đối về cơ cấu ngành tuyển sinh và đào tạo. Có thể nhắc tới mùa tuyển sinh năm 2017, số lượng thí sinh theo học, cũng như thi khối C rất thấp, thậm chí có trường tuyển sinh khối C mà không có hồ sơ nào.
Giám đốc ĐH Huế Lê Anh Phương cũng thừa nhận, có thời kỳ, cách đây khoảng 3 năm trở về trước, số lượng sinh viên đào tạo khối ngành Lịch sử thấp. Tình trạng nêu trên đã được bàn tới nhiều năm qua và theo ý kiến dư luận xã hội, nguyên nhân chính vẫn là cơ hội việc làm không cao, trong khi đó, thu nhập thấp, thiếu ổn định. Trước tín hiệu tích cực của mùa tuyển sinh năm nay với các khối ngành Lịch sử, điều gì làm nên “kỳ tích” này, phải chăng học sinh ham thích môn Lịch sử, chất lượng dạy và học trong trường phổ thông tăng lên hay vì lý do nào khác?
Nhiều năm dạy học môn Lịch sử, ông Trần Tuấn Nam - giáo viên Trường THPT Thạch Thành 1 (Thanh Hóa) cho rằng, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội ở kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng trong một vài năm trở lại đây không phải vì học sinh ham thích môn Lịch sử hơn mà do đa số các em lo hoàn tất tốt nghiệp THPT.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vũ - giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Quốc học Huế đánh giá, sau thời gian nhận được ý kiến đóng góp, phản biện của nhiều giáo viên, chuyên gia, đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử có sự điều chỉnh nhẹ nhàng, phù hợp hơn. Vì thế, điểm 10 năm nay tăng lên và số thí sinh đạt điểm trung bình giảm mạnh. Tuy nhiên, việc thí sinh lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội trong thời gian qua có xu hướng tăng bởi mục đích chủ yếu là để đỗ tốt nghiệp. Các em hướng tới môn Giáo dục công dân, Địa lý dễ kiếm điểm hơn so với tổ hợp Khoa học tự nhiên. “Đây là thực tế mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận” – ông Vụ nhấn mạnh.
Động lực sẽ tạo sự đam mê
Năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 bắt đầu được triển khai ở bậc THPT với lớp 10 cùng một số điều chỉnh trong chương trình môn Lịch sử. Là một trong những thành viên thẩm định chương trình môn học, ông Nguyễn Vũ nhìn nhận, Lịch sử được điều chỉnh từ môn lựa chọn sang bắt buộc là yếu tố tích cực, khẳng định rằng nhà trường, phụ huynh, học sinh và cả xã hội đã không “quay lưng” với lịch sử dân tộc. Song, sau điều chỉnh này, đòi hỏi người thầy cần phải có sự thay đổi như thế nào trong phương pháp dạy học, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước là bài toán đặt ra.
Quan niệm rằng “không có học trò dốt chỉ có thầy không giỏi”, thế nên ông Vũ coi trọng kiến thức chuyên môn hơn phương pháp giảng dạy - đây là yếu tố quyết định chất lượng dạy học. Giáo viên phải có kiến thức vững vàng, chắc chắn và phương pháp truyền đạt đừng thiên về tuyên truyền mà phải truyền đạt một cách khoa học. Bên cạnh đó là chế độ đãi ngộ với giáo viên. “Chúng ta không thể kêu gọi giáo viên phải thay đổi cách dạy bằng tinh thần và hô hào khẩu hiệu không có giá trị, thay vào đó cần có chế độ đãi ngộ riêng cho đội ngũ giáo viên” - ông Vũ nói.
Đề cập tới vấn đề này, ông Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, tạo hứng thú cho học sinh môn Lịch sử chính là tâm huyết của người thầy. Trong bối cảnh hiện nay, giáo viên cần tận dụng hiệu quả công nghệ thông tin và sử dụng một số đồ dùng trực quan trong một số bài học cụ thể phù hợp để làm cho những tiết dạy trở nên sinh động hơn.
“Muốn làm học sinh yêu môn Lịch sử, mỗi giáo viên phải làm cho học sinh hiểu tác dụng việc học Sử, vai trò của môn Lịch sử trong việc cung cấp kiến thức phổ thông và định hướng nghề nghiệp. Động cơ tạo nên động lực. Động lực sẽ tạo nên sự đam mê. Đó chính là cội nguồn yêu thích lịch sử và học Sử” - ông Hiếu nhấn mạnh.
(Còn nữa)
PGS. TS TRỊNH ĐÌNH TÙNG - TỔNG THƯ KÝ HỘI GIÁO DỤC LỊCH SỬ VIỆT NAM:
Dạy một bài Sử hay, là nghệ thuật người thầy
Điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm nay tăng cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong lựa chọn ngành học. Sở dĩ điểm thi tăng là do 1, 2 năm trở lại đây, đề thi đã được điều chỉnh nhẹ nhàng hơn nên nhiều thí sinh chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội với mục đích thi tốt nghiệp.
Tôi cho rằng, dạy Lịch sử trong trường phổ thông cần nhìn nhận đúng hơn. Gần đây, xã hội quan tâm hơn tới môn Lịch sử nên phần nào tác động tới giáo viên, học sinh. Vài năm gần đây, đội ngũ giáo viên đã quan tâm tới chất lượng bộ môn, dạy học sôi nổi, tích cực hơn. Tôi có dự nhiều giờ tập huấn và thấy rằng, giáo viên đã hăng hái, đổi mới phương pháp dạy học hơn. Tuy nhiên so nhu cầu, kỳ vọng của xã hội vẫn chưa đáp ứng được.
Thầy cô lưu ý, các môn học nói chung và môn Lịch sử nói riêng có một quy luật rằng, học sinh yêu hay ghét môn học đồng thời sẽ yêu hay ghét thầy cô dạy môn học đó. Vì vậy, người thầy phải đam mê, say sưa với nghề và gần gũi tạo hứng thú cho học sinh.