Mạnh tay với tài xế 'ma men'
Những vụ tai nạn kinh hoàng liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây mà thủ phạm là những tài xế sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đang trở thành nỗi ám ảnh của dư luận xã hội. Hậu quả để lại rất nặng nề, cho thấy cần chế tài mạnh hơn để nghiêm trị hành vi này...
Nhan nhản tài xế “ma men”
Mới đây, liên quan đến vụ tài xế say xỉn lái ô tô tông thẳng vào cây xăng, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã tiến hành khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Ngô Công Hán để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, khoảng 21 giờ 55 tối 12/8, Ngô Công Hán (35 tuổi), quê quán Bắc Ninh, hiện đang trú tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội lái ô tô (BKS 30H-758.03) khi đến cây xăng số 111 đường Láng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) đã không làm chủ được tay lái và lao thẳng vào cây xăng, tông nhiều xe máy và thiết bị của cây xăng, khiến 8 người bị thương.
Theo cơ quan Công an quận Đống Đa, tối 12/8, Hán đi uống bia với bạn bè ở nhà hàng số 540 đường Láng. Sau khi nhậu say, Hán lái ô tô về nhà, khi đến địa điểm trên thì gây tai nạn. Thông tin thêm, tới thời điểm hiện tại, sức khỏe của các nạn nhân đã cơ bản ổn định. Qua giám định thương tích, 2 người bị thương nhẹ, 6 người còn lại có thương tích khoảng 6 - 7%.
Đáng nói, đây không phải là trường hợp duy nhất được ghi nhận bởi tài xế “ma men” gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trước đó, vụ tai nạn giao thông kinh hoàng diễn ra vào đêm 2/6 đã khiến nhiều người không khỏi rùng mình.
Theo đó, lái xe Nguyễn Đức Thịnh (trú tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) đã quá chén với bạn bè trong buổi tiệc chia tay rồi lái chiếc xe Audi (BKS 98A - 499.49) trên đường Hoàng Văn Thụ hướng đi Ngô Văn Cảnh. Khi tới khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ đã tông vào xe máy do ông Nguyễn Mạnh H. (SN 1974, ở phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) cầm lái đang chở theo vợ và con gái.
Vụ tai nạn đã khiến 3 người trên xe máy tử vong tại chỗ. Cơ quan chức năng kiểm tra lái xe Nguyễn Đức Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể lên đến 0,604 mg/l khí thở, gấp 1,5 lần mức tối đa theo quy định.
Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người. Đáng chú ý, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết, trong số đó có liên quan đến rượu, bia. Đặc biệt, con số này còn đang có xu hướng gia tăng. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cảnh báo về việc xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra.
Hình sự hóa tội phạm tài xế “ma men”
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các chế tài xử phạt tài xế sử dụng rượu, bia theo Nghị định 100 được nâng cao nhằm tăng tính răn đe đã có kết quả rất tốt trong thời gian đầu áp dụng. Tuy nhiên thời gian gần đây số vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế “ma men” lại có phần tăng lên, đặc biệt là mức độ nghiêm trọng.
Theo ông Tiền, trong Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định, nếu tài xế sử dụng rượu, bia mà gây tai nạn giao thông có hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 với tình tiết tăng nặng.
Đối với các trường hợp tài xế sử dụng rượu, bia, lái xe gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh mà chưa gây tai nạn, hiện nay trong Bộ luật Hình sự cũng đã có mô tả. Tuy nhiên mô tả này mới chỉ mang tính chất giả định, khó chứng minh nên hầu như chưa được thực thi trong thực tế. “Do đó, hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao cần bị xử lí hình sự ngay, dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Tiền nói.
Cũng theo Luật sư Tiền, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn đối với trường hợp sử dụng rượu, bia ở nồng độ cao nhưng chưa gây tai nạn. Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng cần tổ chức các chuyên đề để thực hiện truy bắt và khởi tố loại tội phạm này để tạo tiền lệ, làm gương, răn đe. Qua đó khẳng định sự mạnh tay của pháp luật để các địa phương ra quân tổ chức thực hiện, ngăn chặn tình trạng này trước khi gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, việc tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lí cũng rất quan trọng. Việc làm này phải cần lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên và liên tục, đặc biệt là những ngày nghỉ, ngày lễ, thời gian ban đêm, thời gian sau nghỉ trưa,…
Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cũng nhận định, thời gian gần đây, người dân đã lơ là, chủ quan và có dấu hiệu “nhờn luật” hơn khi sử dụng rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Minh chứng là số vụ tai nạn liên quan đến tài xế “ma men” liên tục được ghi nhận. Nguy hiểm hơn là mức độ nghiêm trọng cũng tăng lên.
Theo đánh giá của chuyên gia Phan Lê Bình, các chế tài theo pháp luật hiện hành đã đủ sức răn đe, nhưng tài xế “ma men” vẫn nhan nhản chủ yếu là do công tác tuần tra, kiểm tra và xử lí đã có phần buông lỏng hơn trước. Sau đợt ra quân quyết liệt ban đầu, đến thời điểm hiện tại người dân đã dần “quên” những chế tài mạnh tay của pháp luật với hành vi này.
Do vậy, ông Bình đề xuất, thời gian sắp tới chưa cần thiết phải tăng mức xử phạt, sửa đổi các quy định liên quan. Thay vào đó, chỉ cần tăng cường các biện pháp của cơ quan chức năng liên quan đến tuần tra, phát hiện và xử lí công khai, nghiêm minh là đủ. Các đợt tuần tra nên được thực hiện với tần suất cao, thường xuyên và liên tục để người dân có thái độ biết sợ, hình thành được thói quen không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia…
Ngoài ra, các biện pháp tuyên truyền, giáo dục thông qua phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần được đẩy mạnh nhằm tác động trực tiếp đến ý thức người dân. “Một khi các biện pháp này được sử dụng một cách đồng bộ và quyết liệt thì tình trạng “ma men” nhan nhản trên đường mới có hi vọng giảm thiểu” - ông Bình cho biết thêm.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:
Nguy hiểm khôn lường
Việc sử dụng chất kích thích như rượu, bia đều ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thần kinh trung ương. Người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có thể xuất hiện các triệu chứng như mất tập trung, hưng phấn quá mức hoặc ảo giác,… Do đó, trạng thái lúc này của người điều khiển phương tiện đều không được bình thường. Sự tập trung, phản xạ, khả năng phán đoán khi điều khiển phương tiện đều giảm xuống. Khả năng xử lí tình huống khi gặp sự cố bất ngờ cũng kém hơn.
Bên cạnh đó, tầm nhìn khi điều khiển phương tiện cũng hạn chế rất nhiều nếu người điều khiển sử dụng rượu, bia. Đặc điểm dễ nhận thấy là mắt bị mờ đi trong quá trình di chuyển, thậm chí họ không thể điều khiển được mắt mình. Ngoài ra, khả năng phối hợp của các vận động mắt, tay, chân,…cũng bị ảnh hưởng. Biểu hiện là đi đứng loạng choạng, không thể ngồi thẳng, mất kiểm soát tốc độ,…
Đặc biệt, khi nồng độ cồn trong máu ở mức cao, người điều khiển phương tiện có thể rơi vào trạng thái mất ý thức khi đang di chuyển. Tất cả các biểu hiện khi sử dụng rượu, bia này đều làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người điều khiển phương tiện mà cho cả những người đi đường.
Việc sử dụng rượu bia cho dù ở mức độ thấp cũng gây nên những tác động lên hệ thống thần kinh và đều không an toàn trong quá trình điều khiển phương tiện. Luật pháp hiện hành cũng đã quy định mức xử phạt rất nặng nếu điều khiển phương tiện mà sử dụng rượu, bia. Do đó, nếu đã uống bia, rượu thì tuyệt đối không được cố tình điều khiển phương tiện giao thông. Thay vào đó, có thể nhờ người thân đưa về hoặc sử dụng các phương tiện công cộng, dịch vụ khác như lái xe công nghệ, taxi,…
Luật sư Luân Thị Nương - Văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Tiếp tục xử lí mạnh tay
Tài xế uống rượu, bia khi gây tai nạn thường để lại hậu quả nặng nề. Trong thời gian qua, rất nhiều người đã là nạn nhân của những tài xế “ma men” này. Hậu quả của những vụ tai nạn này không chỉ gây đau đớn, xót thương cho gia đình nạn nhân và xã hội ở thời điểm đó mà còn là rất lâu dài. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã chính thức có hiệu lực, bên cạnh đó có thêm các chế tài để xử phạt nghiêm khắc những người có nồng độ cồn.
Hệ thống pháp luật để răn đe và xử phạt những người vi phạm đã có đầy đủ. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt trong đó quy định mức xử phạt hành chính đối với người có hành vi lái xe sau khi uống rượu bia tăng lên rất cao. Đồng thời Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong đó có hành vi lái xe khi trong máu có nồng độ cồn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn do tài xế uống rượu, bia lại không giảm về số lượng, đặc biệt là mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân trước hết do ý thức của nhiều người tham gia còn kém, một phần do thiếu hiểu biết, thông tin về luật pháp. Phần khác là do nhiều người tham gia giao thông “nhờn” luật từ việc kiểm tra, xử lí không thường xuyên của các lực lượng chức năng cũng như khi vi phạm.
Đáng nói, việc thực hiện ở nhiều nơi chưa nghiêm, chưa thường xuyên nên dẫn đến một bộ phận người tham gia giao thông nhờn luật. Vào những thời điểm lực lượng cảnh sát giao thông rầm rộ ra quân xử lý vi phạm, trật tự giao thông có sự thay đổi, người tham gia giao thông tuân thủ quy định nhưng sau khi CSGT hết chiến dịch “ra quân” thì đâu lại vào đó.
Trước tình trạng này, ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức, sự tự giác của những người tham gia giao thông còn cần phải có những chế tài xử lý mạnh tay hơn để đủ sức răn đe. Do đó, cần tiếp tục sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tăng thêm mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, đối với lực lượng CSGT và cơ quan chức năng, phải coi việc giữ gìn trật tự, xử lí giao thông là liên tục, không chỉ là các đợt “ra quân”; đồng thời xử lý mạnh tay, công bằng với tất cả các trường hợp vi phạm.
C.Hoàng(Ghi)