Châu Phi đối mặt nạn đói
Báo cáo mới đây của Chương trình Lương thực thế giới, khan hiếm lương thực đã khiến nhiều triệu người dân châu Phi phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp. Tờ DW của Đức dẫn báo cáo từ Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) cho hay, năm 2022, chỉ riêng Sahel và Tây Phi có thể có tới hơn 40 triệu người bị nạn đói đe dọa.
Cũng theo FAO, tính từ năm 2018 đến 2020, châu Phi đã nhập khẩu 3,7 tỷ USD lúa mì từ Nga và 1,4 tỷ USD lúa mì từ Ukraine, tương đương với 44% tổng sản lượng lúa mì nhập khẩu của lục địa này. Vì vậy, khi chiến sự tại Ukraine chưa chấm dứt thì nguy cơ thiếu lương thực của châu Phi vẫn tồn tại.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả nguyên nhân khiến lục địa Đen thiếu lương thực.
Với diện tích đất đai canh tác rộng lớn, châu Phi có tiềm năng to lớn trong sản xuất nông nghiệp và có thể đáp ứng nhu cầu lương thực của mình. Tuy nhiên, dữ liệu thống kê cho thấy, khoảng 2/3 diện tích đất chưa được khai thác trên thế giới nằm ở khu vực châu Phi.
Trên thực tế, phần lớn đất canh tác ở châu Phi được sử dụng để trồng các loại cây có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, ca cao và bông. “Các loại cây lương thực quen thuộc trong chế độ ăn uống của người châu Phi như lúa mì, gạo, ngô lại không được trồng phổ biến bởi chúng không thích hợp với hầu hết các vùng của châu Phi, nơi có khí hậu khắc nghiệt và thường xuyên khan hiếm nước” - Pauline Chivenge, nhà nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng thực vật châu Phi ở Morocco, cho biết.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tại châu Phi thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, sâu bọ hoành hành khiến mùa màng thất thu.
Cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển cũng là một trở ngại lớn trong việc bảo đảm lương thực cho nhiều vùng tại châu Phi. “Vận chuyển nông sản từ Ghana đến Sudan mất 13-14 giờ đồng hồ, trong khi đến châu Âu hết có 6 giờ. Vì thế giá cước vận chuyển hàng không từ Ghana đến các nước láng giềng châu Phi đắt hơn so với đi châu Âu” - Kamassah Felix Mawuli - giám đốc một công ty nông nghiệp ở Ghana cho hay.
Với châu Phi, thì khu vực Đông Bắc (thường gọi là Vùng Sừng châu Phi) tình trạng thiếu lương thực nặng nề nhất do hạn hán kéo dài. Hiện tại nơi đây đang phải hứng chịu đợt hạn hán kéo dài tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến cho đời sống của người dân khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Kilifi (Kenya), người dân đang phải chịu cảnh thiếu lương thực và nước uống. Hạn hán kéo dài khiến vụ mùa thất thu. Cùng đó nhiều đồng cỏ không thể phát triển khiến cho sản lượng chăn nuôi gia súc đã sụt giảm nghiêm trọng. Bà Mary Gogo- một nông dân ở Kilifi nói: “Hạn hán kéo dài buộc người dân phải vật lộn để mưu sinh. Chúng tôi phải đi bộ một quãng đường dài để kiếm việc làm ở vùng khác. Một rủi ro mà chúng tôi phải đối diện thường xuyên là có thể bị voi tấn công bất chợt”. Tương tự, một nông dân khác, ông Peter Kazungu cho biết: “Chúng tôi hiện đang phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung cấp thực phẩm cứu trợ, tuy nhiên nhu cầu là rất lớn, thật không ổn chút nào”.
Còn bà Mama Charity Kimru, - người chăn nuôi, trồng rau củ, quả hỗn hợp trong trang trại 12 ha ở tỉnh Nyandarua, cách thủ đô Nairobi của Kenya 126 km, cho biết nhiệt độ gia tăng trong nhiều tháng qua khiến đồng cỏ chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc làm ăn năm nay đã thất bại.
Theo FAO, trong năm nay, hơn 50 triệu người ở Vùng Sừng châu Phi sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế nhưng dự báo tình trạng thiếu mưa sẽ còn kéo dài. Hiện một đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong 40 năm đã xảy ra tại đây khiến chủ trang trại và nông dân cùng lo lắng.
Theo Cơ quan liên chính phủ về phát triển châu Phi, đây là năm thứ 4 liên tiếp vùng Đông Bắc Phi thiếu hụt lượng mưa. Thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, vì thế trồng trọt và chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. “Mùa mưa ở khu vực này chủ yếu trong 3 tháng gồm các tháng 3, 4, 5 và thật đáng buồn đến giữa tháng 8 mà vẫn không có mưa. Điều đó thật sự nguy hiểm”- Tiến sĩ Workneh Gebeyehu - Thư ký điều hành cơ quan liên chính phủ cho biết, đồng thời cho rằng lượng mưa quá ít năm 2022 sẽ kéo dài tình cảnh khô hạn chưa từng có kể từ trận hạn hán khốc liệt năm 1981. Trong đó Ethiopia, Kenya và Somalia là những quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất khi “hạn hán lan rộng mà không có cách gì kiểm soát”.
Ông Evans Mukolwe - cựu quan chức Liên hợp quốc cho biết, cho tới giữa tháng 8 mà nhiều vùng của châu Phi vẫn không có mưa. Điều đó cho thấy lục địa này đã lâm vào thời kỳ hạn hán kéo dài. Những cơn lốc xoáy hút hết hơi ẩm khu vực này làm mất đi lượng mưa cần thiết. Đáng tiếc là đây không phải là hạn hán đầu tiên ở vùng Sừng châu Phi và chắc chắn cũng sẽ không phải là đợt hạn hán cuối cùng. Với lục địa Đen, hạn hán đã trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Ưu tiên hàng đầu lúc này là cung ứng lương thực cho châu Phi vì trên thực tế người dân nhiều vùng đang đối mặt với nạn đói.