Sau 5 năm đi vào sử dụng, các bức tranh trên phố bích họa Phùng Hưng bắt đầu có dấu hiệu hỏng hóc. Trên bức tranh có những mảng rách lớn. Bạn Shota và Mizuki (Du khách đến từ Osaka, Nhật Bản) chia sẻ: "Chúng tôi lần đầu tiên đến Việt Nam và tình cờ phát hiện ra con phố rất đẹp này. Thật đáng tiếc khi thấy một vài bức tranh bị bôi bẩn, nếu không chúng sẽ rất đẹp". Còn với tranh nổi trên phố Phùng Hưng, một số phần đã bị vỡ, mục do thời tiết và không có sự bảo quản. Các bức tranh đã bị bôi bẩn hiện nay vẫn chưa thể sửa lại. Nhiều góc của các bức tranh, phần vòm trên đã bị rách do gặp nước mưa và khí hậu khắc nghiệt. Không tránh khỏi cảnh bị xuống cấp qua thời gian, con đường trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mang đậm chất Dada cũng dần trở thành một đống hỗn độn. Ông Nguyễn Văn Đình (62 tuổi, Phúc Tân) cho biết: "Các chai nhựa này qua nhiều tháng nó ải ra, mềm, không bám được nên cứ rụng dần. Rồi thì đám trẻ đi qua thấy vậy cũng lấy đánh bóng đánh chuyền... Bây giờ chỉ còn trơ lại cái khung sắt chứ hồi trước đẹp mà lạ lắm". Ông Đình nhìn tác phẩm nghệ thuật và tiếc nuối vì không giữ được lâu. Cách đó không xa, một tấm bích họa bị nứt ra một mảng lớn. Đám trẻ từng rất hay ra đây chơi và nhìn ngắm những hình nộm múa lân này, tuy nhiên do không có người bảo quản, có hình đã bị gãy rời và mục ra. Chị Bùi Thu Thủy (người dân sống tại Phúc Tân) bày tỏ ý kiến: "Tôi nghĩ trời nắng mưa cũng nên xoay cái này vào và cất đi bao giờ mùa Trung thu hay dịp Tết Thiếu nhi lại bày ra thì mới dùng bền được chứ để ngoài nắng mưa này chả mấy mà bị hỏng". Năm 2017, chính quyền quận Hoàn Kiếm khởi động Dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng với sự hợp tác phối hợp của Hội KTS Hà Nội, Korean Foundation, UN Habitat và các nghệ sĩ tình nguyện. Cho đến năm 2019, dự án nghệ thuật phố Phúc Tân được khởi động nhằm đem lại một khung cảnh thanh bình cho nơi từng là bãi rác hôi thối. Không gian nghệ thuật công cộng là một yếu tố quan trọng có khả năng cải tạo và thay đổi môi trường sống của con người.
Đức Huy