Chủ tịch nước: Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc
Ngày 16/8, tại TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" đã chủ trì Hội thảo khoa học “Lý luận-thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Dự hội thảo có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Cùng dự có các cán bộ nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, các nhà khoa học.
Đây là lần thứ 2 trong năm Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổ chức Hội thảo khoa học “Lý luận-Thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” sau hội thảo lần thứ nhất được tổ chức tại Hải Phòng vào ngày 20/7 vừa qua.
Theo BTC hội thảo, kết quả của hội thảo lần thứ nhất cùng với hội thảo tại TP HCM hôm nay (16/8) sẽ là cơ sở rất quan trọng để Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) nghiên cứu, xây dựng báo cáo và các văn bản liên quan trình Bộ Chính trị và Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội thảo khoa học, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đã điểm lại nhiều thành tựu sau 35 năm đổi mới của đất nước, nhất là những thành tựu to lớn trong thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thành tựu quan trọng nhất là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng XHCN, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, đã củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh thành tựu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng chỉ ra những thách thức về tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược, sách lược phù hợp với tình hình mới, nhằm tăng cường tiềm lực sức mạnh quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh ý nghĩa, sự quan trọng của các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước đã là kim chỉ nam và là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đánh giá cao các phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước cho biết những góp ý sâu sắc, tâm huyết, thẳng thắn, nhiều thông tin tại hội thảo sẽ được tiếp thu vào tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Thống nhất với các đại biểu về quan điểm cơ bản trong lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiệm vụ giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Muốn vậy, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Tổ quốc.
Cùng với đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc cần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc sẽ là giải pháp nền tảng đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, liên quan trực tiếp đến lợi ích cốt lõi quốc gia - dân tộc, là vấn đề hệ trọng cấp thiết để bảo vệ Tổ quốc hiện nay, sinh mệnh và sự sống còn của Đảng, Nhà nước và Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Qua tổng kết lý luận và thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng ta đã chỉ rõ dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN là quy luật phát triển của cách mạng nước ta. Từ bài học đó, đã chỉ ra nhiệm vụ tiên quyết trong kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, trong đó nội lực là nhân tố quyết định; đồng thời, tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi và nguồn lực từ bên ngoài.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, cần thể hiện trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là các cấp, các ngành đang triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI).