Nhiều ngân hàng được tăng vốn điều lệ
Nhiều ngân hàng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ, qua đó bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB)
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) lên 26.674 tỷ đồng.
Trong năm 2022, thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông lần thứ 30, SHB sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 36.459 tỷ đồng, dự kiến đứng trong Top 3 ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất về vốn điều lệ.
Được biết, phía SHB đã hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phương án tăng vốn điều lệ mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, bao gồm 3 phần: chi trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:20 với giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động SHB (ESOP) với tổng số lượng cổ phiếu phát hành là 45,12 triệu cổ phiếu mới.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ; thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức gần 9.500 tỷ đồng (tăng 113%).
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của nhà băng này đạt hơn 522.000 tỷ đồng, hoàn thành 91,7% kế hoạch năm 2022. Tổng vốn huy động ở mức hơn 471.000 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 390.000 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch năm 2022.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB)
Trong thông báo mới nhất, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank, MCK: MBB) vào ngày 23/8 để ngân hàng này trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021 cho cổ đông.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 20% (tức là cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới). Với hơn 3,77 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, MBBank dự kiến phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới. Như vậy, sau khi hoàn tất giao dịch chia cổ tức kể trên, vốn điều lệ nhà băng này sẽ tăng lên hơn 45.339 tỷ đồng, tương đương mức tăng thêm 7.556 tỷ đồng.
Với mức vốn điều lệ kể trên, MBBank sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán và là ngân hàng niêm yết lớn thứ 4 sau BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Trước đó, phương án tăng vốn điều lệ của MBBank đã được thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 hồi tháng 4. Tổng mức tăng dự kiến trong năm nay sẽ đưa vốn ngân hàng lên trên 46.882 tỷ đồng.
Phía ngân hàng này cho biết, nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực (đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ, đầu tư trụ sở...) và để bổ sung vốn cho kinh doanh khác.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDB)
Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, MCK: HDB) vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, dự kiến thực hiện trong quý III/2022.
Sau khi hoàn tất phương án phát hành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng.
Với hơn 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, HDBank dự kiến dùng 3.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn.
Phần còn lại sẽ được bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Ngoài những ngân hàng kể trên, thời gian gần đây, NHNN cũng chấp thuận cho hàng loạt nhà băng thực hiện tăng vốn điều lệ. Trong đó, có thể kể đến như: KienlongBank tăng vốn điều lệ từ 3.653 tỷ đồng lên 4.231 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỉ lệ chia là 16%; MSB tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu; Vietbank được tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 1.003 tỷ đồng; Bản Việt cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.618 tỷ đồng;...
Trong thời gian tới, các ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ còn có Vietcombank, VietinBank...