Quyền trẻ em phải được tôn trọng
Trước thực trạng trẻ bị bạo hành ngày càng gia tăng, TS. LS Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, nếu chỉ xử lý đối với những người vi phạm pháp luật, xâm hại quyền trẻ em, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em thôi là chưa đủ mà cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp để bảo vệ trẻ em.
PV: Thưa ông, sau những bức xúc, phẫn nộ là sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, tổ chức thế nhưng đến nay bạo lực trẻ em vẫn diễn ra liên tục với hành vi tàn bạo hơn. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này, thưa ông?
TS.LS Đặng Văn Cường: Trong đấu tranh phòng và chống bạo lực gia đình, bạo lực xâm hại trẻ em thì yếu tố phòng mới là cái gốc, chống là cái ngọn. Nếu như công tác phòng ngừa tội phạm nói chung, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng mà không thực hiện tốt thì việc xử lý nghiêm minh đến đâu cũng không loại bỏ được nguyên nhân điều kiện phạm tội, không giải quyết được tận gốc các vấn đề.
Quyền trẻ em được ghi nhận tương đối đầy đủ theo công ước quốc tế về Quyền trẻ em và ngày càng được đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế thì trẻ em bị bạo hành, xâm hại, trở thành nạn nhân trong các vụ án hình sự vẫn rất nhiều. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an thì mỗi năm có khoảng 2.000 vụ bạo hành bị phát hiện và xử lý, bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, 72,84% (tăng 5,3% so với năm 2020). Đây là những con số biết nói, cho thấy nguy cơ trẻ em bị bạo hành xâm hại ở Việt Nam hiện nay vẫn rất cao, công tác bảo vệ trẻ em vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bởi vậy, việc tìm ra những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại là cần thiết và quan trọng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.
Rõ ràng về pháp lý, cơ chế chúng ta không thiếu, vậy công tác bảo vệ trẻ em đang bị “hổng” ở đâu thưa ông?
- Theo các con số thống kê về các đối tượng bạo hành, xâm hại đến trẻ em thì trên 70% là những người thân quen trong đó có cha, mẹ, ông, bà, thầy cô giáo... Điều này cho thấy một nghịch lý là những người có trách nhiệm trực tiếp, đầu tiên để bảo vệ trẻ em lại là những người bạo hành, xâm hại trẻ em. Đây là vấn đề nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời cũng là vấn đề văn hóa xã hội cần phải có những giải pháp tích cực để thay đổi.
Mặc dù hiện nay đã có rất nhiều cơ quan tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em nhưng việc đầu tư kinh phí, bố trí cán bộ chuyên trách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các yêu tố đảm bảo vận hành cơ chế để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả chưa tốt... Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, an sinh xã hội chưa được đảm bảo nên trẻ em sống trong các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như vậy rất dễ bị tổn thương, trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành. Như chúng ta thấy phần lớn trẻ em ít có khả năng tự bảo vệ mình, đặc biệt là những đứa trẻ không được rèn luyện kỹ năng sống, chưa nhận thức đầy đủ về quyền trẻ em cũng như cách thức để thực hiện quyền trẻ em. Đây là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, dễ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục. Bởi vậy những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trực tiếp như cha, mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo... mà không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình, không quan tâm đến vấn đề bảo vệ trẻ em thì trẻ em dễ trở thành nạn nhân trong các vụ bạo hành, bị xâm hại.
Để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành, theo ông đâu là giải pháp hữu hiệu nhất?
- Trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội nhiều năm qua, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để bảo vệ trẻ em tốt hơn thì cần phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật đến các điều kiện để đảm bảo thực hiện pháp luật, nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật trong đó có ý thức bảo vệ trẻ em. Cụ thể các giải pháp có thể thực hiện bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật về Quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt chú trọng đến yếu tố đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên thực tế. Làm được điều này, cần xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ trẻ em, coi việc thực hiện quyền trẻ em như một nét văn hóa trong đời sống xã hội, là những sự việc hiển nhiên trong xã hội để đảm bảo quyền trẻ em bị được tôn trọng, được đề cao và được bảo vệ ở mức cao nhất.
Đối với trẻ em thì cần phải đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, giáo dục những nhận thức về quyền trẻ em và các cơ chế đảm bảo thực hiện quyền trẻ em để trẻ em nhận biết để có cơ chế bảo vệ mình khỏi các nguy cơ bị bảo hành, bị xâm hại tình dục...
Trân trọng cảm ơn ông!