TP Hồ Chí Minh: Cân nhắc việc mở rộng nhiều tuyến phố đi bộ

ĐOÀN XÁ 17/08/2022 09:37

Với mục đích phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có đề án về việc mở rộng các tuyến phố đi bộ ở thành phố thời gian tới. Theo đó, có tới 22 tuyến đường sẽ được sử dụng làm phố đi bộ.

Khu vực hồ Con Rùa được quy hoạch làm phố đi bộ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phải cân nhắc kỹ, đặc biệt là những tác động tới hoạt động giao thông, đi lại của người dân ở trong khu vực.

TPHCM hiện đang có 2 tuyến đường được sử dụng để đi bộ là Nguyễn Huệ và Bùi Viện đều ở quận 1. Dù không nằm liền nhau nhưng cả 2 tuyến đường trên đều phát huy tốt vai trò quy hoạch, mang đến không gian đi bộ và sinh hoạt riêng cho người dân và du khách. Phố đi bộ Nguyễn Huệ là không gian vui chơi, giải trí văn hóa kết hợp với nhiều chương trình công cộng do thành phố tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong khi đó phố đi bộ Bùi Viện là nơi có nhiều khách nước ngoài và trong nước tới vui chơi giải trí. Tuy nhiên, việc mở rộng thêm các tuyến đường khác làm không gian đi bộ thuộc khu vực nào, bao nhiêu khu vực là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ.

Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, từ nay tới năm 2025 thành phố sẽ mở thêm 22 tuyến đường đi bộ ở khu vực trung tâm. Trong đó trước năm 2023 sẽ đưa một số tuyến đường sau thành phố đi bộ. Đầu tiên là vòng xoay Công trường Quốc tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris (đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Đồng Khởi (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Sau đó, từ năm 2023 tới năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng không gian đi bộ qua đường Đồng Khởi (từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), cùng các tuyến Lê Lợi, Nguyễn Thiệp, Mạc Thị Bười, Ngô Đức Kế (đoạn từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).

Giới chuyên gia cho rằng, đưa một tuyến đường giao thông thành phố đi bộ (chủ yếu là khung giờ từ 20h) cũng cần có giải pháp giao thông thay thế. Đây là khu vực trung tâm thành phố, mật độ phương tiện khá đông, gồm cả xe buýt. Nếu dành làn đường cho người dân đi bộ thì phải có tuyến đường khác cho người đi xe máy, ô tô lưu thông. Việc tổ chức, phân luồng giao thông ở khu vực vốn đã chật hẹp và thường xuyên ùn tắc cần được tính toán kỹ lưỡng. Ngoài ra, vấn đề quan trọng khác là khi người dân sử dụng không gian đi bộ thì phải có các bãi giữ xe ở lân cận để sử dụng. Đây được cho là vấn đề nan giải.

Trao đổi với báo chí, ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM cho biết, lộ trình từ nay tới năm 2025, TPHCM vẫn có mục đích giảm, hạn chế xe cá nhân vào trung tâm. Vì vậy việc mở rộng không gian đi bộ là cần thiết. Tuy nhiên, ông Trường cũng cho rằng, phố đi bộ trong đề án này dù có tới 22 tuyến đường nhưng lại khá đơn điệu, chưa có sự kết hợp hài hòa giữa đi bộ và vui chơi giải trí. Nếu các tuyến phố đi bộ được mở rộng ở phía đường Võ Văn Kiệt hay Tôn Đức Thắng, nơi có bờ sông thì sẽ làm đa dạng, phong phú không gian đi bộ cùng các tiện ích sông nước khác.

ĐOÀN XÁ