Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp
Ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Huy động nguồn lực để điều tra cơ bản về dầu khí
Liên quan đến nhiều ý kiến đề nghị rà soát, hoàn thiện các quy định về điều tra cơ bản về dầu khí, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã chỉnh sửa tại Điều 9 theo hướng bổ sung quy định về: cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí.
Ông Thanh cho rằng, công tác điều tra cơ bản về dầu khí là nhiệm vụ điều tra, khảo sát ban đầu phải thực hiện để đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Khi phê duyệt danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí sẽ xác định cụ thể về nguồn kinh phí đối với mỗi đề án. Tuy nhiên, công tác này có tính rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn, cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện. Khoản 4 Điều 9 đã quy định cụ thể trách nhiệm phê duyệt, kiểm tra, giám sát của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan. Đối với kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khoản 1 Điều 63 dự thảo luật đã quy định chi phí này được thanh toán bằng nguồn lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, hoạt động lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ quyền quốc gia. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung thêm đánh giá tác động về quốc phòng, an ninh để bảo đảm chặt chẽ.
Về các quy định liên quan đến việc quản lý tổng hợp về điều tra cơ bản dầu khí, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải khắc phục được tình trạng cát cứ giữa các chủ thể trong điều tra cơ bản tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản. Theo đó, dự thảo luật phải làm rõ quan điểm kinh tế hóa ngành tài nguyên, việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản dầu khí, làm rõ nguyên tắc sử dụng kinh phí điều tra cơ bản dầu khí, rà soát thể hiện rõ hơn nữa để thể hiện tính đặc thù của hoạt động điều tra cơ bản dầu khí; bảo đảm thống nhất, nhất quán giữa các điều khoản.
Phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí: Ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Vũ Hồng Thanh, tại Kỳ họp thứ 3, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa theo hướng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí, giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung chi tiết hoạt động dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Ý kiến khác nhất trí quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí. Từ đó, Ủy ban Kinh tế thiết kế 2 phương án với việc phê duyệt hợp đồng dầu khí.
Phương án 1, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí trước khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký kết hợp đồng dầu khí.
Phương án 2 quy định, sau khi hoàn thành đàm phán hợp đồng dầu khí, trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí trước khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký kết hợp đồng dầu khí.
Đối với phê duyệt hợp đồng dầu khí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, theo phương án 1 chưa rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền giữa Thủ tướng và Bộ Công thương; 1 việc mà 2 chủ thể phê duyệt. Thủ tướng phê duyệt khung, Bộ Công thương lại phê duyệt bước thứ 2. Sau này có chuyện gì ai chịu trách nhiệm?
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí. Còn nếu phân cấp thì quy định nguyên tắc cơ bản của hợp đồng trong luật và để Bộ trưởng Công thương phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, trong hoạt động dầu khí thì hợp đồng là quan trọng nhất. Tất cả các tranh chấp đều liên quan đến hợp đồng. Đây là cái quyết định cho tất cả, nhà đầu tư chỉ biết cái này. Chính phủ bị ràng buộc cũng bởi cái này. Do đó, nên để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Tôi nghĩ hai bên cùng phê duyệt 2 nấc thì không biết phê duyệt cái gì cả, mất rất nhiều thời gian. Hoạt động dầu khí liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Công thương không thể tự quyết được và muốn quyết phải có hội đồng” - ông Ngọc bày tỏ.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng nên thực hiện theo phương án 2. Đó là giữ nguyên như phiên bản Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung của hợp đồng dầu khí. Đồng thời, Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Cũng theo ông Diên, hợp đồng dầu khí là thoả thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư có thời hạn rất dài, thậm chí hơn 30 năm, có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển. Các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ. Do vậy, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban nhận thấy, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức. Do vậy, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung Điều 33 quy định về biện pháp “Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” như thể hiện tại dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, biện pháp áp dụng của Tòa án đối với hành vi cải tạo không giam giữ cũng chỉ quy định không quá 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần, nhưng dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lại quy định áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng với người có hành vi bạo lực gia đình không quá 8 giờ/một ngày. Vì vậy cần xem xét có phù hợp và bảo đảm tính khả thi hay không?