Bóng chim vườn cũ
Xóm quê từ thuở tôi còn nhỏ xíu đến giờ, vỏn vẹn có mươi nóc nhà. Những giậu trúc, giậu duối, bụi râm bụt, cúc tần ngăn cách các khoảnh vườn nhỏ với ngõ xóm, đánh dấu phên giậu của nhà này phân biệt ranh giới vườn đất với nhà kia. Những chòm xanh, xanh đến nôn nao nhưng nhức dưới nắng hè, thu hút chim về xây tổ.
Một thời gian dài, xóm quê trở mình nhà to vườn hẹp, tường cao cổng kín toàn những gạch sắt bê tông, bầy chim giận hờn bỗng bỏ đi đâu mất. Những sáng sớm chiều chiều vắng bặt những thanh âm bình yên vui ấm, xóm làng xốn xáo bởi tiếng loa truyền thanh đan cài ồn ĩ với tiếng hát chèo, tiếng ca vọng cổ, lại cả tiếng nhạc vàng nhạc xưa nhạc đỏ, nhà ai thích gì thì tự do mở nhạc đó, phóng loa to hết cỡ cho át tiếng nhà bên.
Mẹ tôi bảo, lâu lắm rồi, xóm làng vắng bặt tiếng chim, vườn nhà mình, hình như chỉ còn lễnh tễnh một đôi chim quốc quốc. Nó cứ rúc rúc ở cái bụi dong bánh mật ngoài bờ ao ấy, không biết khi nào thì nó cũng bỏ đi…
Ngôi vườn cũ nhà tôi nhiều năm nay chỉ mình mẹ tôi chăm sóc. Nhiều đận, vườn cũng gầy guộc, xanh xao, thưa thớt, mẹ cũng thở dài nhiều hơn mỗi lần nhìn hiu hắt ra vườn và nhắc chuyện đôi chim quốc quốc, bấm đốt ngón tay kể lể chỗ này xưa trồng cây mít, cây na, bây giờ không biết trồng gì cho được. Tôi nghĩ mẹ đã già yếu, nỗi hoài niệm tuổi già khiến mẹ có lúc nôn nao nhớ quả nhớ cây, nhớ tiếng của ngôi vườn.
Sau đó thì tôi bỗng kinh ngạc thấy vườn ngày một lẳng lặng xanh lên, dầy hơn và mát hơn. Bấy nhiêu loài cây chẳng có lối hàng trật tự, nhưng đã tươi tắn vươn cao tự bao giờ tôi chẳng rõ. Hẳn là mẹ đã trồng lại chúng trong nỗi nhớ về ngôi vườn ngày xưa từng bao năm dài tốt tươi lúc lỉu, bốn mùa xôn xao tiếng hót những loài chim hiền lành như phẩm hạnh của đất đai.
Tôi dậy sớm, hít thở trong khoảng sân cũ kỹ còn y nguyên viên gạch già gồ cong ngày xưa đánh khăng, đánh đáo. Ngôi nhà của cha mẹ vẫn nhỏ bé vẹn nguyên từ ngày tôi thơ ấu. Từng đàn chào mào, chích bông, sáo sậu, chim sẻ và những chim gì tôi không rõ nữa, từ đâu chiu chít ràn rạt bay qua khoảnh sân, chao lượn như múa một điệu chào, rồi sà xuống những đám xanh um nào nhãn, hồng bì, mít, na và vú sữa. Nhìn theo đường bay của những cánh chim và tôi đã hiểu, vì sao từng vắng bóng suốt bao năm qua, giờ đây chim lại bay về.
Mẹ tôi nhắc, những cội duối sau nhà, từ thuở tôi lên năm lên bảy đã to lắm, như thể được trồng từ thời ông bà tổ tiên. Chim chóc về kết tổ, kiếm mồi ở khắp các bờ giậu, vườn cây, trẻ con ra vườn chơi, chỉ cần ngó nghiêng một chốc, tìm vào cây ngái hay bụi trúc, là bắt gặp một ổ chim sâu với vài cái trứng tròn vo, hay mấy chú chim non búng sữa mới mọc lông ống, thấy “kẻ lạ” thì run lên cầm cập rồi rúc cổ vào nách nhau tìm sự bình yên.
Mẹ của chúng đi kiếm miếng mồi, còn bọn trẻ coi việc bắt được tổ chim là một chiến tích. Thế nên tụi vành khuyên, sáo sậu có vẻ khôn ngoan và khéo léo, chúng ưa làm tổ trên các tàng cao cành mít. Hẳn chúng nghĩ tổ ở trên cao sẽ an toàn hơn. Bắt được một con chim sâu dễ lắm, chúng hiền lành chậm chạp, tổ lại ở bụi cây thấp, nhưng để bắt một con chim khuyên hay chào mào, sáo sậu thì đều phải có lồng mồi đặt bẫy trên cây.
Mấy đứa em trai họ của tôi hè nào cũng đặt lồng bẫy chim về nuôi. Cha tôi đan giúp mấy đứa chiếc lồng ấy, đổi lại, chúng tặng tôi vài chú chim. Chỉ được tặng chim sẻ, tôi luôn thèm khát một chú vành khuyên, chào mào xinh đẹp, nhưng không được, tôi cầm lòng yêu thương chăm bẵm những chú sẻ non.
Sẻ là loài chim hiền lành, giản dị, khiêm nhường. Vốn không vén khéo như vành khuyên hay chim sáo, sẻ thường chọn những hốc tàu cau vững chãi, chỉ cần tha mấy cọng rơm rạ cuốn lại đơn sơ tựa vào hốc tàu cau, là con cháu của chúng có chỗ an toàn nương náu. Sẻ có biết đâu sự bất an lại đến từ chính ham muốn được sở hữu chúng làm vui của con người, trong đó có cả tôi, một đứa con gái đỏng đảnh, không chịu thua kém bọn con giai, nhất định phải có cho mình một chiếc lồng nuôi chim vào mỗi kỳ nghỉ hạ.
Mỗi khi tàu cau rung lắc báo hiệu có sự xâm chiếm của “kẻ lạ”, những chú sẻ con đã đủ lông cánh sẽ bay túa lên, nhưng sức chúng chỉ đủ chấp chới để rồi rơi bộp xuống vườn. Lúc ấy, người lớn, trẻ con đã trực sẵn với rổ hay nón, sẽ nhanh chóng úp vồ lấy chúng. Chú sẻ con sợ hãi hoảng hốt trong chiếc lồng chật hẹp, tìm cách thoát thân, nhưng chỉ một lát đập cánh tuyệt vọng là chú mệt lử, đành lòng lặng yên run rẩy.
Tôi và lũ trẻ lấm lem nhà quê ngày ấy, không ý thức rằng việc bắt những chú chim phải lìa xa tổ ấm khi còn non bấy là phải tội, lại nuôi nhốt chúng trong những chiếc lồng chật hẹp, cho dù chăm bẵm yêu thương, cũng là phải tội! Loài chim cần cây xanh và bầu trời cao rộng, chúng đâu cần chiếc lồng đầy chật thứ ham muốn ích kỷ của con người! Nhưng, phải mãi về sau này, khi đã trở thành một cô gái lớn, tôi mới hiểu ra điều ấy. Tôi đã giận mình, thương xót chim sẻ biết bao!
Buổi sớm mai hân hoan nắng mới, đàn sẻ rỡ ràng bay ra từ những tàu cau trong vườn nhà tôi, sà xuống sân khi tôi vãi thóc cho gà ăn. Chúng dạn dĩ đến mức cứ nhảy tanh tách len lỏi qua chân đám gà chẳng hề run sợ, hay chúng biết cô gái rưng rưng hối lỗi giờ đây đang muốn bảo vệ, chăm bẵm chúng, mà mỗi khi đã no nê, bầy sẻ lại dàn hàng tăm tắp trên nóc nhà, hót lên những thanh âm rộn ràng êm ấm. Đôi khi tôi mường tượng chúng cãi cọ tranh chấp nhau về một chuyện gì đó, và trong lòng cô gái cũng bời bời rối lên.
Chúng còn giận hờn và đang bình phẩm về mình đấy chăng? Tôi đã nhiều khi đối thoại với đàn sẻ bằng tiếng huýt sáo môi và bằng cả ánh mắt im lặng thổn thức. Lạ thay, cả bầy sẻ bỗng lặng yên trong thoáng chốc, dỏng tai lên nghe ngóng, và rồi có vài con lên tiếng, rõ ràng là tỏ ý đáp lời với tôi. Khi ấy, tôi có phần tin rằng đàn sẻ đã tha thứ cho tôi và mỗi ngày được no nê, chúng hót như để dâng lời cảm tạ.
Tiếng hót chim sẻ quả thật chẳng lảnh lót véo von như vành khuyên, chim sáo, nhưng xốn xang rộn ràng vui tai, như tiếng reo báo hiệu niềm vui mùa gặt. Phải chi chúng là loài chim của đất, của ngô khoai lúa mạ trên đồng. Chúng ăn thóc gạo nên gần gụi với con người, và sẽ gọi nhau trở về đàn đàn lớp lớp mỗi khi mùa màng sắp đến. Tên chúng còn được gọi là sẻ ri, sẻ đất, sẻ đồng, thân thương, ấm áp, giản dị, hiền lành như thể đất đai.
Ấy vậy mà, tôi nhớ, có một thời, bầy sẻ khiêm nhường ấy đã hờn giận hay chán nản với ngôi vườn nhà tôi. Phải rồi, ấy là những năm tháng cả cánh đồng làng tôi bỏ hoang để bán đất cho các tập đoàn kinh tế về làm khu công nghiệp. Không còn cây lúa, cả cánh đồng thẳng cánh cò bay xưa kia cứ qua hết xanh tươi tháng ba ngày tám thì lại vàng hươm lên màu chiêm mùa gối vụ, giờ trụi trơ mênh mông biển cát khô cằn.
Người ta ùn ùn ngày đêm chở cát về trên những chiếc xe tải lớn rầm rập xóm làng để san lấp mặt bằng, việc ấy khiến bầy sẻ không còn chỗ trú cũng chẳng có cái ăn. Trong khi ở làng, nhà nhà không còn thóc lúa đem phơi, có tiền đền bù đất đai, lại chặt cây cổ thụ, cây lưu niên, phá hết phên giậu để xây nhà cao tầng, xây tường bao, làm cổng sắt kiên cố.
Có lẽ, trong những năm tháng đầy biến động, đổ vỡ ấy, bầy sẻ của tôi đã hoang mang sợ hãi, bơ vơ và đói khát. Trong nhiều năm về nhà, tôi thấy ngôi vườn của mẹ vắng bặt tiếng chim. Thảng hoặc một vài con cô đơn táo tác, kêu lên những tiếng lẻ loi buồn bã, như đôi chim quốc quốc lủi thủi bụi dong mà mẹ tôi vẫn nhắc ngày nào…
Bây giờ thì bầy sẻ cùng những loài chim khác đã trở về. Vẫn ngôi vườn ấy, mẹ tôi cần mẫn trồng cây lại, cây lớn, cây bé giờ đã kịp đan thành vòm cao tán rộng. Những mít, na, nhãn, ổi, hồng bì, vú sữa; những chòm xanh um mát rượi của xanh, si rậm rịt vườn nhà bên, những vườn nối vườn trong một xóm quê yên tĩnh, đã óng ả xanh lại bấy lâu trong tình yêu thiên nhiên thức dậy ở mỗi con người, đủ để lại trở thành nơi nương náu an lành cho bầy chim sớm tối. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về sự rộn rịp trở lại của vườn chim, mẹ tôi bảo, bọn chào mào, chim sáo lâu nay về ở, sáng nào nó cũng ăn nhãn và hồng bì rồi mới bay đi đâu đấy.
Và kìa, đàn chim sẻ của tôi, chúng đang dàn hàng tăm tắp trên mái ngói, chiu chíu hót lên bài ca no ấm hay tranh cãi gì nhau. Sẻ ơi, dẫu ngoài kia, một khu công nghiệp cồng kềnh đã tiến sát tận rìa làng, thì ở trong này, cây vẫn xanh và vườn đủ rộng...