Chẳng có ngọn lửa nào thiêu rụi được mầm sống...

nhật đăng 30/08/2022 09:18

Trần Tiến mới rồi ra Hà Nội. Hơn chục năm nay, ông chọn Vũng Tàu làm nơi “ở ẩn”, để sống, để viết. Mỗi lần thấy ông ra Hà Nội, tôi lại nhớ đến bài hát: “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình nguời thôi/ Hà Nội cái gì cũng buồn, buồn thuơng đến thế mùa thu ơi/ Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè…”.

Nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Khánh Ly trên sân khấu, tháng 7/2022.

Tất nhiên, Trần Tiến đâu chỉ có bài “Ngẫu hứng phố" ấy. Ông còn nhiều, rất nhiều bài hát khác, như: “Mặt trời bé con”, “Sao em lỡ vội lấy chồng”, “Vết chân tròn trên cát”, “Chiếc vòng cầu hôn”, “Ngọn lửa cao nguyên”, “Tạm biệt chim én”, “Chị tôi”, “Sắc màu”…

Còn nhiều, nhiều nữa, mà kể ra, kín trang giấy không hết. Nhưng mỗi khi gặp Trần Tiến, ai cũng thích nghe ông hát.

Có lẽ sau Trịnh Công Sơn, Trần Tiến là người hát hay nhất những ca khúc của mình. Tôi nghĩ thế, và tin thế. Vì thế, cũng không có gì bất ngờ, khi qua cửa sinh tử vừa rồi, bây giờ công chúng lại được nghe Trần Tiến hát. Ông nhận show hát trên sân khấu để có dịp giao lưu với công chúng, như đã thực hiện hành trình du ca qua những miền đất nước, để hát, để kể những câu chuyện âm nhạc đời mình. Ngoài hát, Trần Tiến là người diễn ngôn xuất sắc. Ông kể chuyện duyên dáng, dí dỏm.

Bảo ông chân thành cũng được. Bảo ông diễn giỏi cũng đúng. Vì với Trần Tiến, cuộc đời là một sân khấu lớn, mà ai cũng thực hiện những vai diễn của mình. Nếu không có dịp trực tiếp nghe Trần Tiến hát, hãy nghe những diễn ngôn của ông.

* Tôi không biết gì về nghệ thuật nên phải đi làm hậu đài, khuân vác cho Đoàn Văn công Hà Nội. Từ một người không biết gì về nghệ thuật, tôi quyết tâm trở thành một ca sĩ, nhạc sĩ. Tôi vượt qua bao nhiêu gian nan của những người khác cạnh tranh và gây khó khăn với mình.

* Tôi sợ tổng kết cuộc đời mình lắm, sợ ra album, ra sách, ra tuyển tập này nọ… bởi nó giống như dấu hiệu của sự kết thúc ấy. Tôi thì chưa bao giờ kết thúc. Tôi không biết ngày mai mình có thể sáng tác hay hơn không, nhưng tôi chắc chắn một điều là tôi luôn nghĩ hiện tại trong nửa tiếng vừa trôi qua mình có vui không. Tôi chỉ quan tâm mỗi thế thôi. Mỗi một giây sống là phải hạnh phúc.

* Tôi là người may mắn. Ông Trời cho tôi nhiều thứ quá mức quy định, cho tôi nhiều bài hát hay, cho tôi một người vợ hiền, cho tôi 2 đứa con vừa ngoan vừa giỏi, cho tôi cả một căn nhà bên bờ biển đẹp.

* Tôi chỉ viết những gì ám ảnh tôi, có thể là một chút hạnh phúc hay nỗi tái tê, chút mộng mị hay niềm “cay cú”. Đời cho tôi cái gì, xin trả ơn Người cái đó. Đó cũng là khao khát duy nhất để tôi tự thấy mình đang tồn tại một cách tự do và không mắc nợ. Ngoài ra tôi không có mưu đồ gì lớn lao và cần thiết cho việc viết lách… Cuộc đời buồn nhiều hơn vui, chả thế Trời báo cho tất cả những đứa trẻ phải khóc cái đã, rồi mới được vào đời!

Thật may, ngoài nước mắt, con người còn được sở hữu nụ cười. Thế nên khi mắc lỗi, người ta dùng nụ cười để xin lỗi. Thế nên có người làm nghề bán nụ cười. Những anh hề thời nào cũng đắt giá hơn kẻ bán nước mắt. Cũng đúng thôi, kẻ biết đùa thường rất thông minh và có cuộc đời đau đớn lắm, trầm luân lắm. Vua hề thì không bao giờ toét miệng.

* Tôi không thích nước mắt, nhưng nỗi buồn là có thật. Thế nên tôi thường dùng các thủ pháp đối lập để trình bày ca khúc. Bài hát vui thì phải cười ra nước mắt. Bài hát buồn thì phải giấu một nụ cười tự giễu. Nhìn người hay cười trông có vẻ ngốc nghếch. Nhưng người hay khóc thì cũng không hơn gì. Thế nên tôi thường viết những ca khúc chẳng vui, cũng chẳng buồn. Chút ánh sáng đượm chút bóng tối, kiểu như bài “Tạm biệt chim én”. Tâm trạng nào cũng hát được. Nó vui nhè nhẹ và buồn man mác. Chỉ có hai bài hát tôi hoàn toàn bất lực, không thể pha nụ cười. Đó là bài hát về mẹ và chị. Những bài hát này, tôi cứ hát là khóc. Cũng sến lắm!

* Làm nghề gì cũng phải có than hết. Than là chất liệu tư duy. Là người thì cứ phải dự trữ thôi, cố gắng tích được càng nhiều càng tốt, nó giống như cái người đi rừng lấy củi ấy, lấy than được càng nhiều càng tốt. Nếu thượng đế mà tốt bụng ghé qua châm cho một que diêm thì sẽ cháy. Như anh Trần Đăng Khoa ấy, từ khi anh còn bé tí, thượng đế đã ghé qua châm lửa và anh ấy cháy bùng lên thành thần đồng.

* Đi đâu, làm gì thì cũng nên có bạn đồng hành. Nhưng sáng tạo thì đừng, phải độc hành! Thương gia giỏi như kẻ buôn chuyến ngày xưa còn tìm tơ lụa bằng con đường độc đạo. Huống chi nghệ sĩ! Buồn cho một bài hát mới mà khán giả thấy như đã nghe đâu đó, cũ rồi! Cô đơn thì buồn, nhưng nếu không, thì chẳng làm nên cơm cháo gì. Nếu đi con đường này thì phải một mình, có khi lần mép vực thẳm, té lúc nào không hay.

Sáng tác như người đi xiếc trên dây. Nhưng không được chết. Đã chết thì làm sao còn làm xiếc, còn là nghệ sĩ. Nếu muốn an toàn, đi con đường an toàn thì tùy. Nhưng ca khúc an toàn thì… như gói mỳ.

* Xưa nay tôi viết cho tôi, chứ không viết cho ai cả, trừ một số bài tôi viết cho cái người trả tiền mình. Kể cả như thế, cũng là viết cho chính mình. Viết thuê là một áp lực rất cần cho người sáng tạo chuyên nghiệp, nếu anh ta có tự trọng.

* Tình bạn giống như tình yêu, giống như tình mẹ con, giống như mọi thứ tình cảm. Nó sinh ra, lớn lên, phát triển rồi cũng bệnh, lão và chết đi.

* Sự khác biệt giữa tôi và người khác không phải vì cái mặt mà là điều ở bên trong cái mặt. Sự khác biệt của thế hệ, của kỷ niệm, của những bất hạnh và hạnh phúc khác nhau trong những cuộc đời khác nhau.

* Được và mất nằm trong nhau và là một thì làm sao mà thấy bóng dáng ranh giới của chúng được. Cuộc đời đúng là tổng số của những cái được và mất. Như thế mới vui! Bạn thử tưởng tượng một người gặp quá nhiều cái được thì buồn chán biết bao? Và chẳng có ai cuộc đời chỉ toàn là mất.

* Ngày xưa tôi cũng đôi khi hay hối tiếc một cái gì đó đã qua đi. Bây giờ thì không. Như đứa trẻ kia lơ đãng, vụng về đánh vỡ bình pha lê giá trị nhất của mẹ mà không biết tiếc, còn chú lính gỗ bẩn thỉu nhặt được ngoài đống rác thì giữ khư khư như báu vật, ai lấy thì khóc inh lên. Cho đến giờ ta cũng còn chưa biết chú lính gỗ gãy tay và chiếc bình pha lê, cái nào quý hơn.

* Tôi vẫn thường phải đóng kịch và diễn trước đám đông. Cuộc đời là một sân khấu lớn, mà mỗi người phải sắm một vai thích hợp để vở diễn trăm năm được thành công, suôn sẻ. Có khác chăng là không có khán giả và tất nhiên không có cát sê mà thôi. Loài vật, cây cỏ đều diễn rất giỏi. Nhìn xem con gà mái diễn vở e lệ, nhưng vẫn chạy vừa đủ để cậu gà trống bắt được. Nhìn xem bông hoa giả vờ dịu dàng mà ăn thịt mấy chú bọ cực nhanh. Anh kia đi mô tô đen, đeo kiếng đen diễn vở đàn ông vụng về. Chị kia tóc vàng, môi trắng diễn vở mốt, phí hoài mái tóc mẹ mất công chăm chút suốt thời ấu thơ. Chỉ có kẻ diễn nhầm vai hoặc vụng quá mà thôi. Diễn để tồn tại, sống và yêu nhau.

* Âm nhạc hiện nay ư? Cũng được đấy chứ, tuy nhạt một chút nhưng trẻ trung. Khi tôi nhể ốc hay húp cả nước mắm. Nhạt như nước ốc mà đôi khi thích hơn nước lèo bò, gà. Đừng ăn gì nhiều quá thôi. Cũng nên có nhạc rượu đế đã chôn lâu, uống mãi nhạc bia hơi, hay nhạc pha đường hóa học, bệnh chết. Nhạc tử tế thì có bao giờ bị mất tích. Chỉ có những thế kỷ vắng thiên tài mà thôi. Khu rừng kia tưởng bom xăng đốt trụi, vậy mà bây giờ lại bạt ngàn rừng xanh, xanh bạt ngàn rừng. Đừng quá bi quan bạn ạ. Chẳng có ngọn lửa nào thiêu rụi nổi mầm sống nằm sâu trong lòng đất.

* Phổ thơ khó lắm, chỉ trong nghề mới biết. Có loại thơ để đọc, có loại để ngâm, có loại để nhìn, đọc lên hay ngâm lên là hỏng bét. Còn loại thơ để hát thì chỉ có Trịnh Công Sơn tự phổ thơ mình thôi.

* Ngày tôi bị ung thư giai đoạn bốn, tôi rất sợ chết. Tôi đã vượt qua cái chết bằng tất cả nghị lực còn lại của mình. Bây giờ cái chết không đáng sợ nữa. Nghĩ lại, có phải thực sự mình thèm sống không. Câu trả lời là: Chưa chắc. Sống mà không vui, thì chết chưa chắc đã buồn.

Tôi vừa viết xong một bài hát: “Cao bồi và chàng du ca”. Bài này tôi viết sau khi lên Đà Lạt, thấy con ngựa già vẫn lọc cọc chở khách…

Cao bồi sống trên lưng ngựa

Chàng du ca sống bên cây đàn

Cả hai sống đời lang thang

Cao bồi sống trong hoang mạc

Chàng du ca sống xa quê nhà

Cả hai sống đời dạt trôi

Tìm tự do cánh chim ngang trời

Tìm lẽ sống hiến dâng cho đời

Tìm hạnh phúc giữa chênh vênh nơi vực sâu.

Một tay súng chiến binh ngang tàng

Một nghệ sĩ trái tim dịu dàng

Ngọn lửa ấm cháy trong hai người:

Tình yêu

Mai này kiếp nhân sinh gọi

Buồn hay vui cũng một cõi đời.

Chỉ xin chết cùng mộng mơ

Cao bồi chết trên lưng ngựa

Chàng du ca chết bên cây đàn

Lặng lẽ như làn mây tan.

nhật đăng