Nguyễn Tuân trong bước ngoặt lịch sử

GS PHONG LÊ 20/08/2022 08:18

Ngay sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, Nguyễn Tuân đã hứa hẹn một cuộc từ bỏ triệt để con người cũ của mình: “Cái giờ nghiêm trọng của mày đang điểm... bây giờ hoặc không bao giờ nữa. Mày phải cương quyết lấy mày ra làm lửa mà đốt cháy hết những phong cảnh cũ của tâm tưởng mày” (Vô đề; 1945). Và hăm hở xuống đường: “Mê say với ánh sáng trắng vừa được giải phóng tôi đã là một dạ lữ khách không mỏi, quên ngủ của một đêm phong hội mới”.

Nhà văn Nguyễn Tuân.

Trước đây, Nguyễn làm gì có cái vui đi vào dòng người và xuống đường. Người chủ trương “xê dịch”, và chỉ là xê dịch bản thân, như một lữ hành cô độc, để tìm cho mình những cảm giác lạ; nhưng chạm vào đâu cũng thấy buồn nản và chán chường. Còn bây giờ, Nguyễn đã được sống những phút giây sung sướng và cảm động: “Chúng tôi đã ôm lấy nhau và mừng ra nước mắt như hai con bệnh già mới uống liều thuốc cải lão hoàn đồng” (Ngày đầy tuổi tôi Cách mệnh - 1946).

Nguyễn còn hứa hẹn một cuộc đi xa hơn nữa, sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Và hình ảnh một “kẻ thù tiến hóa” đã xuất hiện trong tuỳ bút của Nguyễn, cùng với bóng dáng một chị Hoài dám cắt phăng mớ tóc mây (cái mớ tóc tuyệt vời mà Nguyễn đã dành trọn cả một cuốn tùy bút của mình là Tóc chị Hoài (1943) để kể về nó), rồi chụp lên đầu chiếc mũ Hồng thập tự mà đi luôn vào cuộc chiến đấu.

Nguyễn Tuân sinh tại Hà Nội ngày 10/7/1910. Quê ông là làng Mọc (Nhân Mục) nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sinh vào đầu thế kỷ XX - thế kỷ của những biến động lớn với đất nước, dân tộc, Nguyễn Tuân đã sống và viết bằng cả tình yêu chân thật, mãnh liệt với nhân dân mình, với Tổ quốc mình, dấu ấn ông để lại trong cả đời sống và đời văn vô cùng đặc biệt.

Xuất hiện trên văn đàn vào cuối thập niên 30 và đầu 40 của thế kỷ trước, Nguyễn Tuân là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại, hình ảnh một nhà văn bậc thầy, một nhân cách văn hóa mẫu mực. Nhà văn đã cống hiến cho nền văn học nước nhà một sự nghiệp văn học đồ sộ…

Đỉnh cao trong văn nghiệp đồ sộ mà Nguyễn Tuân để lại là những bài tùy bút với phong cách riêng biệt không lẫn với bất cứ cây bút nào. Ông cũng được coi là một trong 3 nhà văn (cùng với Tố Hữu và Xuân Diệu) sớm có tác phẩm ngay từ những ngày đầu chào mừng kỷ nguyên độc lập của dân tộc. (T.H)

Trong một sáng tác kịch cho thiếu nhi có tên “Cỏ Độc lập” (báo Thiếu Sinh, số Xuân 1946), Nguyễn Tuân cho đối thoại giữa mấy nhân vật là: Sông, Núi, Đồng cỏ, Em bé gái, Quyển sử Việt Nam và Thần Cách mệnh. Màn cuối kịch, xuất hiện thêm nhân vật Cỏ Độc lập là một thứ cỏ lạ, được Thần Cách mệnh mang đến, mọc ở Sườn Núi và Nách Sông.

Trong lời dẫn của tác giả: “Cỏ này nhấm vào vị ngọt. Tính dược thì chữa bệnh yếm thế. Đem giã ra gợn lấy nước mà biên chép trên giấy thì không thứ gió mưa nào của cuộc đời làm phai bợt được. Thời nhân gọi là Độc lập thảo. Nhất danh nữa là Hy vọng thảo”.

Thứ cỏ mang cả hai tên là Độc lập thảo và Hy vọng thảo mà tác giả muốn cho ta cùng hiểu đó là do Thần Cách mệnh mang đến. Nhưng Thần Cách mệnh là gì và mang khuôn mặt như thế nào, đó là điều mà một nghệ sĩ lãng mạn đến tận cùng như Nguyễn Tuân làm sao mà hiểu hết, và hiểu đúng được, khi ông cho Thần Cách mệnh xưng danh lúc xuất hiện: “Ta là kết tinh của Phá hoại. Ta sinh ra từ nơi Bất công. Bất bình là nguyên quán của ta. Ta là ngươi Hỗn loạn. Ta là sản phẩm của Chênh lệch. Ta là... chế tạo ra Binh lửa. Ta là cái chổi chuyên giữ vệ sinh cho trái đất bừa bộn những ép gượng giả vờ và không hợp lý. Ta quét mạnh vào những thứ nhân nghĩa không khoa học. Ta khai chiến với Trật tự hiện tại, sống mãi mãi để xô nhào cái Trật tự hiện tại. Đối với cái khối của cải bất nghĩa ta là cốt mìn, ta là bom nguyên tử. Ta đốt, ta quật, ta phá, ta tạo ra tan rã. Ta ngự trị lên cuộc đời mâu thuẫn. Ta là lịch sử. Kẻ nào nghịch với ta, ta giết (...). Ta có mặt ở quả đất này để cắm mốc cho công bằng (...) Ta tàn bạo mà chân thành, dữ dội mà đẹp, mà phải”.

Một cách hiểu về cách mạng như thế không phải là hiếm trong số lớn những nhà văn lãng mạn đã đến với cuộc đời bằng một quan niệm duy mỹ tuyệt đối, không riêng ở ta.

Tháng Tám - mùa thu cũng đã vào văn Nguyễn Tuân trong vẻ lộng lẫy của một bức sơn mài. Ông không ngần ngại đi lên chiến khu Việt Bắc, viết những trang mới nồng ấm tình người trong “Đường vui”, “Tình chiến dịch”…

Cả trước và sau Cách mạng Tháng Tám, ông đều để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như “Vang bóng một thời”, “Tuỳ bút I”, “Thiếu quê hương”, “Chiếc lư đồng mắt cua”, “Tóc chị Hoài”, “Đường vui”, “Tình chiến dịch”, “Sông Đà”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”… đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc bởi nó mang phong cách uyên bác, tài hoa, độc đáo và một giọng văn rất riêng.

Ông ưa một lối viết liên tưởng mang tính chất tạo hình, ông viết không chỉ bằng ngòi bút của một nhà văn mà dường như còn viết bằng nhãn quan, bằng ngòi bút của một họa sĩ, của một nhà điêu khắc nên văn của ông rất giàu màu sắc, rất giàu hình khối, rất giàu chất điện ảnh. Chất điện ảnh, chất điêu khắc, chất hội họa đã làm cho sự hoa mỹ trong lời văn của Nguyễn Tuân rất rõ nét và đa dạng.

Gần 50 năm hoạt động văn học liên tục, Nguyễn Tuân đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn xuôi quốc ngữ Việt Nam hiện đại, với phong cách nghệ thuật độc đáo, trình độ sử dụng tiếng Việt điêu luyện. (T.H)

Trước tháng Tám năm 1945, Nguyễn Tuân đã viết "Chùa Đàn" với 3 nhân vật chính là Lãnh Út, một chủ ấp, do vợ bị tai nạn xe lửa mà đâm ra căm ghét văn minh cơ khí; người quản gia Bá Nhỡ do có ơn riêng với Lãnh Út nên rất mực trung thành với chủ; và cô Tơ - vợ một điền chủ tên là Chánh Thú đã mất, một cô đào hát siêu hạng; cùng một “nhân vật” thứ tư là Cây đàn Thờ của Chánh Thú, làm bằng gỗ ván thôi của một người con gái đồng trinh luôn vã mồ hôi và nấc lên những tiếng kinh rợn; cây đàn thiêng đến mức ai dám sờ vào đều toi mạng. Bá Nhỡ, để làm vui lòng chủ đã dám chết trong cuộc đàn với Cây đàn Thờ cùng với người hát là cô Tơ; và cô Tơ, từ sau cuộc hát ấy, quyết xuất gia đi tu... Đó là một truyện thuộc loại "Yêu ngôn", Nguyễn Tuân nhằm đưa người đọc vào một thế giới ma quái, hoang đường trong tâm thế hoang mang, bất định của mình. Năm 1946, khi in lại "Chùa Đàn", Nguyễn đã cho thêm vào hai chương để đặt trước và sau câu chuyện được mang tên mới là "Tâm sự của nước độc". Chương đầu - nhân vật chính là Lãnh Út đã được ông cho tham gia cách mạng, rồi bị tù; chương sau, với cô Tơ, lúc này đã là sư Tuệ Không, ông gửi một lời khuyên hãy từ giã cõi tu mà nhập thế, bởi “cho đến nay chưa có một cuộc cách mạng nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát”.

Ghép thêm hai phần "Dựng" và "Mưỡu" này vào câu chuyện kể trước 1945 để có một "Chùa Đàn" mới, cuốn sách với dụng ý chào đón kỷ nguyên dân chủ cộng hoà của Nguyễn Tuân không sao tránh khỏi khập khiễng và gượng gạo.

Nhưng nếu không thế thì sẽ không còn là Nguyễn Tuân nữa, nhất là Nguyễn Tuân ở thời điểm 1945 - 1946, một Nguyễn Tuân thật hết mình và trung thực tuyệt đối với mình trong một cuộc “lột vỏ” chưa xong, dẫu đã có lần ông nhất quyết tự “đào thải hết mọi cố nhân trong lòng mình”. Chính với một Nguyễn Tuân như thế mà ta càng quý ông, quý ở sự chân thành và trung thực trong ông - người không ngần ngại đi lên chiến khu Việt Bắc, viết những trang mới ấm nồng tình người trong "Đường vui", "Tình chiến dịch"; và vui vẻ đảm nhận chức Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, với cấp phó đồng sự là Tố Hữu.

Nguyên cớ gì đã đem lại một chuyển đổi lớn lao như thế nơi Nguyễn Tuân, cũng như hầu hết những tên tuổi lớn trong giới văn nghệ sĩ ta lúc bấy giờ như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên...? Phải chăng, trước hết đó là sức cảm hóa kỳ diệu cách mạng; và sau đó là thiên lương ở một nghệ sĩ - dẫu có lúc tách mình ra khỏi nhân quần với tâm thế cô đơn và cách nhìn khinh bạc, nhưng trong thâm sâu tình cảm vẫn là người nặng lòng yêu nước, nặng lòng gắn bó với quê hương, đất nước.

Đối với Nguyễn Tuân, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật. Tài phải đi đôi với tâm. Ấy là “thiên lương” trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục. Người đọc mến Nguyễn Tuân về tài, nhưng còn trọng ông về nhân cách đó nữa.

Năm 1996, nhà văn Nguyễn Tuân được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, cho các tác phẩm “Nguyễn” (truyện ngắn, 1945), “Đường vui” (tuỳ bút, 1949), “Tùy bút kháng chiến” (1955), “Sông Đà” (tuỳ bút, 1960), “Tình chiến dịch” (tùy bút, 1960), “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (tùy bút, 1972), “Ký” (1976), “Tuyển tập Nguyễn Tuân” (tập I, 1981; tập II, 1982), “Chuyện nghề” (phê bình tiểu luận, 1986).

Ông mất ngày 28/7/1997 tại Hà Nội.

T.H

GS PHONG LÊ