Mất hút những cánh chim
Làng tôi có con sông Nguyệt Giang mềm mại y như chiếc dải yếm đào. Nhà ở gần sông, nên từ 5-6 tuổi, đã theo mẹ ra sông giặt giũ, tôi đứng trên bờ nhìn xuống nước phát thèm.
Còn nhớ như in, mẹ lấy chiếc quần thâm túm chặt hai đầu ống rồi chụp ngược xuống dòng nước. Ô hay! Hai ống quần căng phồng lên giống hệt một chiếc phao. Vậy là mẹ túm lại, cho tôi bám vào, hai chân vẫy vùng, tung tóe nước.
Có thể tôi biết bơi từ ấy, chứ không như mấy thằng bạn phải nhờ người lớn bắt chuồn chuồn ngô cho cắn rốn mới tập tọng học bơi. Con sông chảy qua làng là sông cụt.
Ấy vậy mà những buổi trưa hè, chăn trâu về, nhảy xuống đẵm, ngụp lặn mò con hến, con trai, bắt được cả con cá bò ngạnh sắc, chọc vào kẽ tay nhức buốt thon thót. Nhìn những con loi choi, tựa như con cá nheo thu nhỏ, nhảy tênh tênh trên mặt nước, thích quá. Xa hơn có vài con giang, từ bờ nhìn ra chúng giống như một túm giẻ thâm nổi lều bều, thấy có người tới gần mới giật mình tung cánh lên, ngó nghiêng đôi mắt, rồi xoải bay hút vào bầu trời…
Thế rồi, một lần thầy giáo địa lý đưa học trò đi tham quan dã ngoại. Nơi đến là một dòng sông cái. Lũ học trò cấp 1 chưa bao giờ ra khỏi làng, tối ngày chưa xa mẹ, đến bấy giờ như con chim sẻ lạc vào rừng già, ngơ ngác trước cảnh vật lạ lùng. Trước mắt là dòng nước đục như màu nước cua mới lọc, đỏ au cuồn cuộn chảy. Thầy bảo đó là sông Kinh Thầy. Và ở đây có câu chuyện huyền thoại gắn vào ký ức tuổi thơ.
Trước mắt lũ học trò là mênh mang sông nước, có những con thuyền đủ kiểu, đủ hình dạng đang tíu tít ngược xuôi. Một chiếc chở đá răm lặc lè, nhích dần theo con nước ngược. Chỗ này gọi là “ghềnh”. Thuyền chở nặng, mà thầy giáo bảo, người sông nước gọi là chở “giằm”. Con thuyền chở đá vượt ghềnh thật nhọc nhằn, ì ạch.
Dường như chỉ cần một con gió mạnh, cũng có thể dìm thuyền xuống đáy sông. Trên thuyền chỉ có một người cầm lái. Tất cả “chân sào” đã nhảy hết lên bờ, quàng vào vai chiếc dây song, gò rạp lưng, miết mười đầu ngón chân, bám gặm vào mặt đất, dướn lên giữ cho con thuyền không bị sóng nước lôi tuột trở lại. Những chiếc thuyền xuôi dòng thì ngược lại, người cầm lái vênh mặt lên mà hóng gió… Như những con thoi, thuyền lao vun vút, để lại sau bánh lái những vệt sóng trắng miên man.
Buồm cánh dơi, buồm vuông, buồm chỉ thiên với đủ màu đã xỉn, màu trắng cháo lòng bạc phếch, vá chằng vá đụp như những mảnh lá dán trên nền trời. Lại có mấy chiếc thuyền nan bé bỏng, đang xuôi dòng, hình như không muốn lạc lõng giữa cảnh sông nước quần tụ này, chủ nhân sáng kiến dựng một chiếc cột nhỏ, treo vào đó một chiếc chiếu cũ. Vậy là cũng có cánh buồm vun vút đuổi theo bạn. Khi ấy dòng sông ríu rít y như ngày hội.
Đứng trên bờ, nhìn từ thượng lưu xuống hạ lưu Kinh Thầy, hai bờ xanh mướt cỏ, thỉnh thoảng cao vút những rặng tre. Chiều buông, một màu tím thẫm dọi xuống mặt sông, quệt lên những cánh buồm từng đường viền lấp loáng. Những cánh buồm căng gió thả bóng, lại chấp chới như những cánh chim.
Những cánh chim màu trắng, màu nâu sẫm, nâu nhạt, cứ bồng bềnh bay đi, bay đi, sau đó dần dần lẫn vào chân trời, hoặc khuất vào một doi cát nào đó. Hình ảnh cánh chim trên mặt nước lâu dần thành một ấn tượng: Con sông không có thuyền, sông trở thành tẻ nhạt, và con thuyền không có “cánh chim” hóa thành trơ trọi mất vẻ duyên dáng…
Trong cuộc đời ai chả một lần qua sông. Các thi nhân kim cổ, ai chẳng một lần đứng trước bến sông, để rồi sáng tạo ra những áng văn thơ, nhưng ca khúc âm nhạc mê say lòng người? Nhà thơ Nguyễn Bính da diết với cánh buồm, đến nỗi đọc lên thấy lòng ngờm ngợp:
“Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...”
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, rung lên nét nhạc trữ tình, trong âm hưởng ca từ “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê” vẫn ngân vang đâu đó. Và ông nhạc sĩ già, lãng mạn nhìn cánh buồm trên sông liên tưởng “Những cánh buồm như những cánh chim nâu, bay tới những chân trời rực nắng…”.
Ấy vậy mà không hiểu tự bao giờ, trên các dòng sông to nhỏ, ngắn dài cứ thưa vắng dần những con thuyền gỗ, thuyền nan; rồi mất hút những cánh buồm nâu, trắng… mà từ xa nom giống hệt cánh chim trời? Thay vào đó là những con thuyền sắt, màu đen xỉn, gắn động cơ nổ ành ạch trên sông. Dầu mỡ loang ra cùng bụi khói xanh đen phủ lên mặt sông làm ô nhiễm cả môi trường.
Chỉ nói riêng ở một đoạn trên sông Kinh Thầy, một ngày có hàng vài trăm lượt tàu thuyền qua lại… nhưng không thể tìm ra một cánh buồm. Thời đại công nghiệp hiện đại, đã sản sinh ra những con thuyền sắt, tải trọng lớn có gắn máy công suất cao để tăng tốc độ vận chuyển, tăng khối lượng hàng hóa lưu thông đáp ứng nhu cầu xã hội xây dựng và hội nhập.
Trên bờ đê nhìn xuống, những khối vuông sắt lừ lừ di động, xuôi ngược đêm ngày, phía sau bánh lái là những vệt dầu loang phủ kín mặt sông, tôi cứ vẩn vơ nghĩ rằng, dòng nước ngọt ngào, mát rượi phù sa kia liệu còn thanh khiết? Ai đếm được trên các con sông kia có biết bao tàu đắm, nằm yên dưới đáy chưa được trục vớt lên? Và các loại hóa chất, sắt thép rỉ dần ra tan trong dòng nước, ảnh hưởng thế nào tới các loài thủy sản?
Thời kinh tế thị trường, dòng sông oằn mình trong nhịp sống hối hả của con người, nó đã mất đi dáng vẻ êm đềm... Trên sông thời nay xuất hiện quá nhiều loại hình dịch vụ, như bán nhu yếu phẩm, bán sim điện thoại di động, thậm chí cả “cửa hàng đại lý” xăng dầu lưu động. Chưa kể hàng trăm tấn bèo tây dày đặc trên sông. Nạn “sa tặc” hút cát, tàn phá môi trường, tha hóa dòng nước ngọt, gặm mòn đường sinh tồn của các loài thuỷ tộc… Dòng sông bị tổn thương, cũng làm cho vắng bóng cánh chim.
Tôi không phải là người bảo thủ hay có tư tưởng hoài cổ, nhưng nghĩ rằng đất nước ta ngoài vẻ đẹp từ nguồn tài nguyên núi rừng, biển cả, còn có vẻ đẹp sông nước. Những tên sông gắn liền với sự tích, truyền thuyết giàu chất văn học… thực là nguồn du lịch hút bạc tỷ, hấp dẫn khách nước ngoài.
Tôi vẫn ám ảnh bởi cảnh trong bức danh họa “Người kéo thuyền trên sông Von-Ga”, vẫn nuối tiếc vẻ đẹp trong thơ Ức Trai “Chiếc bách về đâu xa lăm lắm - Nghìn làng trông xuống bé con con”. Có cách nào bảo tồn những con thuyền gỗ, những cánh buồm chấp chới như cánh chim trên mặt nước, để cho mặt sông không tẻ nhạt, bớt đi sự khô cứng, lì mòn? Để lúc nào đó, tâm hồn ta nặng trĩu ưu tư, có thể tìm về một khúc sông vẫn còn có cánh buồm chao nghiêng, và lúc đó lòng ta thư giãn, yêu mến cuộc đời hơn.
Đứng trên bờ, nhìn từ thượng lưu xuống hạ lưu Kinh Thầy, hai bờ xanh mướt cỏ, thỉnh thoảng cao vút những rặng tre. Chiều buông, ánh hào quang xòe lên trời muôn chiếc nan quạt khổng lồ. Một màu tím thẫm dọi xuống mặt sông, quệt lên những cánh buồm từng đường viền lấp loáng. Những cánh buồm căng gió thả bóng, lại chấp chới như những cánh chim. Những cánh chim màu trắng, màu nâu sẫm, nâu nhạt, cứ bồng bềnh bay đi, bay đi, sau đó dần dần lẫn vào chân trời, hoặc khuất vào một doi cát nào đó. Hình ảnh cánh chim trên mặt nước lâu dần thành một ấn tượng: Con sông không có thuyền, sông trở thành tẻ nhạt, và con thuyền không có “cánh chim” hóa thành trơ trọi mất vẻ duyên dáng...