Dệt may, da giày suy giảm đơn hàng

H.Hương – Y.Thanh 18/08/2022 08:34

Nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm khiến đơn hàng xuất khẩu của dệt may, da giày sụt giảm sau khi tăng trưởng khá vào các tháng đầu năm nay. Thời gian còn lại của năm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày đối diện cảnh “khó chồng khó”.

Dệt may đối diện nhiều thách thức.

Tồn kho khá lớn

Chia sẻ về những khó khăn của ngành dệt may, da giày bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, thị trường EU và Hoa Kỳ đang giảm sút về nhu cầu tiêu dùng. Đây là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra da giày đang tồn kho khá lớn. Hiện tồn kho do gián đoạn chuỗi cung ứng tác động đến tồn kho tiêu thụ hàng hoá khiến đơn hàng cuối năm có phần chững lại. Đặc biệt các đơn hàng từ nay đến quý I-2023 của các doanh nghiệp da giày đã gần như bị suy giảm.

Trong khi đó đại diện lãnh đạo Hiệp hội Giày da TPHCM cũng chia sẻ thông tin, khoảng 70 - 80% lượng hàng được sản xuất phục vụ xuất khẩu nhưng kênh này lại đang sụt giảm nhanh khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Đơn hàng xuất khẩu của ngành giày da, may mặc trong quý 3 và 4, thậm chí sang năm 2023 có thể sẽ giảm nhiều so với 6 tháng đầu năm 2022.

Thời gian qua, do diễn biến kinh tế - chính trị trên thế giới vẫn đầy bất ngờ, lạm phát leo thang nên không chỉ da giày mà ngành dệt may cũng đã dự đoán những khó khăn ở phía trước. Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, Tập đoàn đã nhìn thấy những rủi ro trong nửa cuối năm nay do tình hình lạm phát và căng thẳng trên thế giới. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. “Những khó khăn xuất hiện khi nhu cầu 6 tháng cuối năm có thể sụt giảm”- ông Vương Đức Anh nói.

Còn ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức vào cuối năm 2022.

Ông Cẩm phân tích, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu là chủ yếu nên những biến động của thế giới tác động quan trọng đến ngành dệt may. Ví dụ hiện nay, dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp nên một số nước mà ngành dệt may Việt Nam có mối quan hệ lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn áp dụng chính sách "zero Covid" gây khó khăn cho Việt Nam trong việc cung ứng nguyên vật liệu, cũng như tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, lạm phát tại Mỹ và châu Âu cũng ảnh hưởng đến sức mua của người lao động, khiến đơn hàng có xu hướng giảm đi. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển cũng đang tạo áp lực lớn khi gấp khoảng 3 lần so với 5 năm gần đây.

Thị trường EU và một số thị trường lớn khác đang có xu hướng đưa ra chiến lược dệt may mới, trong đó có việc sẽ tính tỷ lệ tái chế và carbon.

Thêm nữa tình hình dệt may sử dụng lực lượng lao động rất lớn, qua thời gian chống dịch, có nhiều người lao động về quê và không quay trở lại. Có tình trạng biến động lao động, "nhảy việc"… Bên cạnh đó, trong thời gian chống dịch vừa qua, tiềm lực về vốn, tài chính của nhiều doanh nghiệp cũng khá khó khăn, có những doanh nghiệp đọng tiền hoàn thuế VAT trên 5 tỷ đồng trong thời gian dài.

Bàn cách cứu vãn

Để cứu vãn tình trạng suy giảm đơn hàng, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung tại một số thị trường mà cần đa dạng hoá thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu.

Theo ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), doanh nghiệp cần khai thác tốt các cơ hội từ các FTA đã ký kết để hưởng ưu đãi về thuế quan, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo ông Tài, hiện nhiều nước đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.

“Chính vì vậy, thời gian tới xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) được dự báo sẽ khả quan, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”- đại diện Cục Xúc tiến thương mại lạc quan nói.

Về dài hạn, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA, các doanh nghiệp cần tận dụng để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó xuất khẩu dệt may, da giày đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)… Tuy nhiên, phải quy hoạch phát triển hàng hóa theo quy chuẩn. Đặc biệt, phải tổ chức kết hợp doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp lưu thông, xuất khẩu thành một chuỗi sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả hoạt động xuất khẩu.

Còn các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng việc đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì.

H.Hương – Y.Thanh