Những đứa trẻ không giấy tờ tùy thân ở Papua New Guinea
Chỉ 15% trẻ em ở Papua New Guinea được đăng ký khai sinh. Không có giấy khai sinh, nạn buôn bán và bóc lột trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Nạn buôn bán trẻ em là một vấn đề đáng lo ngại
Khi 11 tuổi, mẹ của Mary tái hôn sau cái chết của chồng, Mary bị bỏ lại trong sự chăm sóc của một người dì đã bóc lột cô bé.
Dì của cô bé đã đẩy Mary ra ngoài đường phố Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea, để bán những món hàng nhỏ và bắt cô làm nô lệ cho những công việc nội trợ trong nhà. Mary chưa bao giờ được đến trường và không biết chữ.
Mary gần đây đã đueọc chuyển đến Life PNG Care, một tổ chức phi lợi nhuận về phúc lợi trẻ em với một trung tâm chăm sóc có trụ sở tại Gerehu ở phía trung tâm thành phố, nơi giúp trẻ em có thức ăn và nơi ở. Cô bé sẽ được học tại nhà cho đến khi sẵn sàng bước vào chương trình giáo dục chính thức.
Một trong những lý do khiến Mary phải trải qua nhiều tổn thương cho đến nay chính là do cô bé, giống như hầu hết trẻ em ở Papua New Guinea, không có danh tính chính thức.
Chính phủ Papua New Guinea ước tính chỉ có 15% trẻ em nước này được đăng ký khai sinh chính thức. Nếu không có giấy tờ tùy thân, việc lợi dụng và buôn bán trẻ em sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Ông Collin Pake, Người sáng lập và Giám đốc Life PNG Care cho biết: “Chúng tôi hiện đang chăm sóc khoảng 45 trẻ em. Bên cạnh đó, chúng tôi đã thực hiện các cuộc khảo sát riêng ở Cảng Moresby và ước tính có khoảng 20.000 trẻ em vô gia cư trong thành phố".
Đồng thời nhấn mạnh: "Khoảng 70% trẻ em được chúng tôi chăm sóc không có giấy khai sinh và không biết ngày sinh của mình. Khi chúng tôi hỏi tuổi của những đứa trẻ, chúng chỉ biết đoán”.
Trong số 500 trẻ em từ 1 đến 12 tuổi được chăm sóc bởi một tổ chức phúc lợi khác, PNG Hope for Poor Kids Care ở Cảng Moresby, chỉ 20 đứa trẻ có giấy khai sinh", ông Martin Piason, Người sáng lập kiêm Chủ tịch của tổ chức này cho biết.
Bà Leisha Lister, một nhà tư vấn luật pháp và công lý quốc tế ở Canberra, cho biết thực trạng này thật sự “đáng báo động đối với trẻ em”.
“Trẻ em không có bất kỳ giấy tờ tùy thân hợp pháp nào rất dễ bị mua bán, chuyển đi và dễ dàng làm giả những tài liệu mới. Giấy khai sinh giúp trẻ em không bị buôn bán bởi một người không phải là thành viên trong gia đình. Đó chính là nền tảng để bảo vệ trẻ em".
Ông Fiu Williame-Igara, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, cho biết tỷ lệ đăng ký khai sinh thấp là yếu tố chính khiến trẻ em dễ bị tổn thương ở Papua New Guinea.
"Điều này tạo ra một cơn bão gây tổn thương cho trẻ em khi cộng với tình trạng nghèo đói lan rộng, các khu định cư chật chội ngày càng tăng ở các khu vực thành thị, số lượng lớn người sống trong một hộ gia đình, cha mẹ bỏ bê con cái và áp lực của bạn bè", ông nhấn mạnh.
Các báo cáo của Chính phủ đã xác định nạn buôn bán trẻ em là một vấn đề đáng lo ngại trong nước. Một cuộc khảo sát về trẻ em ở Cảng Moresby năm 2012 của Tổ chức Lao động Quốc tế đã cho thấy tỷ lệ trẻ em bị bóc lột tình dục và lao động trẻ em sống trên đường phố của Thủ đô rất phổ biến.
Tổ chức báo cáo rằng, 68% trẻ em được khảo sát hiện đang làm những công việc "độc hại", 43% làm nghề mại dâm và 47% chưa bao giờ đến trường.
Ông Williame-Igara lo ngại: “Thật khó để nói hết những tác động tàn phá về mặt xã hội, tinh thần và sức khỏe thể chất đối với những trẻ em bị bỏ rơi, lạm dụng hoặc bóc lột".
Các bậc cha mẹ đang không thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm
Ở Papua New Guinea, trẻ em sinh ra bên ngoài trung tâm đô thị và các cơ sở y tế thường bị bỏ sót giấy khai sinh.
Giáo sư Glen Mola, Trưởng khoa sản và phụ khoa tại Bệnh viện đa khoa Cảng Moresby cho biết: “60% ca sinh mỗi năm là ca sinh tại nhà của làng, hầu như không có ca nào được đăng ký tại cơ quan đăng ký sinh tử của Chính phủ".
“Trong số 40% ca sinh tại các cơ sở y tế, bằng chứng mang tính giai thoại của chúng tôi là chưa đến 10% phụ huynh đến văn phòng đăng ký để đăng ký khai sinh cho con mình”, ông nhấn mạnh.
“Nhiều bậc cha mẹ và gia đình không biết rõ rằng việc đăng ký khai sinh là bắt buộc. Bên cạnh đó, với 80% dân số sống ở các cộng đồng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, nên nhiều người gặp khó khăn trong việc đi đến nơi đăng ký khai sinh mới”.
Thêm vào đó, văn phòng đăng ký hộ tịch của Papua New Guinea cũng hoạt động kém hiệu quả trong nhiều năm. Nó được Tập đoàn hàng đầu khu vực SPC đánh giá là “rối loạn hoạt động” vào năm 2014.
Hai năm trước, Chính phủ đã đưa ra một kế hoạch hành động quốc gia nhằm mục đích đào tạo và cung cấp nguồn lực cho các nhân viên và dịch vụ y tế để thúc đẩy đăng ký. Đó là một thách thức to lớn trong bối cảnh hệ thống y tế quá căng thẳng của đất nước - đã phải đương đầu với gánh nặng dịch bệnh, chẳng hạn như bệnh lao và bệnh tiểu đường, và khả năng tiếp cận yếu đến các tỉnh xa.
Bà Lister nhấn mạnh rằng, trong số một loạt các biện pháp cần thiết, việc đăng ký phải được thực hiện dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với các gia đình nông thôn và người mù chữ. Các khoản phí được loại bỏ và thông tin về cách thức, lý do có được giấy khai sinh là điều quan trọng được phổ biến khắp cả nước.
Nhưng Magalu Banagi, Giám đốc chương trình tại City Mission, Papua New Guinea, cho biết trách nhiệm này cũng thuộc về các bậc cha mẹ. “Chúng ta cần đào tạo các bậc cha mẹ. Các bậc cha mẹ đang không thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của họ".