Tiền ảo, đỉnh cao và vực sâu

PHAN QUANG VŨ 24/08/2022 06:28

Việc Ruja Ignatova, 42 tuổi, người được mệnh danh "nữ hoàng tiền ảo" chính thức bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa vào danh sách 10 đối tượng cần truy nã gắt gao nhất đang gây chấn động dư luận. FBI cáo buộc Ignatova lừa đảo các nhà đầu tư hơn 4 tỉ USD thông qua OneCoin - công ty tiền điện tử thành lập vào năm 2014.

Tiền điện tử đang đe dọa các đồng tiền truyền thống.

Trợ lý giám đốc FBI Michael Driscoll cho biết, Ignatova là một luật sư người Bulgaria, từng tuyên bố đã phát minh ra một loại tiền điện tử để cạnh tranh với Bitcoin. Việc “nữ hoàng tiền ảo” bị FBI truy nã đã thổi bùng lên câu chuyện tiền ảo (hay còn gọi là tiền kỹ thuật số, tiền số hóa, tiền mã số) với cả đỉnh cao và vực sâu.

Thực ra thì ngay từ năm 2017, Ignatova đã tận dụng sức hút của các đồng tiền ảo thuyết phục các nhà đầu tư cung cấp cho mình hàng tỉ USD. Và ngay sau đó lập tức biến mất. “Như là người vô hình vậy” - mô tả của một điều tra viên FBI. Các nhà điều tra tin rằng Ignatova có thể đã được tiết lộ rằng cô đang bị giới chức Mỹ và quốc tế điều tra. Vào ngày 25/10/2017, Ignatova đã đi từ thành phố Sofia (Bulgaria) đến thành phố Athens (Hy Lạp) và biến mất kể từ đó.

Tuy nhiên, do số tiền bị chiếm đoạt quá lớn, nên FBI vẫn tung người tìm kiếm khắp mọi nơi. Cảnh sát quốc tế (Interpol) cũng vào cuộc gắt gao. Nhưng cũng như đồng tiền ảo vậy, Ingatova đã “lặn sâu mất tăm”. Nếu thoát, thì đây sẽ là vụ lừa đảo chiếm đoạt trên nền tảng đồng tiền ảo lớn nhất lịch sử.

Dùng “tiền bẩn” để đầu tư vào tiền ảo, rồi đổi ra “tiền thật”

Theo giới chuyên gia tội phạm mạng, khi xu hướng hợp pháp hóa tiền ảo ngày càng gia tăng thì cũng đồng thời cũng sản sinh ra nhiều tội phạm tiền ảo. Tờ The Guardian cho biết, các vụ án liên quan tới tiền ảo không chỉ giới hạn ở việc tội phạm tấn công mạng và đánh cắp số tiền, mà còn nghiêm trọng hơn thế khi chúng sử dụng tiền bẩn để đầu tư vào tiền ảo.

Hành động rửa tiền này làm dấy lên lo ngại về một thế giới mà tài sản kỹ thuật số nói chung, tiền ảo nói riêng đang ngày càng bị lạm dụng. Vào khoảng tháng 3/2019, cảnh sát bắt được kẻ lừa đảo mang quốc tịch Australia là Evan Leslie McMahon. Người ta đã sửng sốt về khối tài sản hắn có nhờ vào việc sử dụng những thông tin có được qua việc đánh cắp cơ sở dữ liệu của “một nhóm” ví tiền điện tử gồm có bitcoin, bitcoin cash, ethereum, digibyte, XRP, stratis, bitcoin gold và litecoin.

McMahon bị buộc tội "cung cấp dịch vụ vượt tường lửa" và "xử lý số tiền phạm tội", dùng tiền bẩn từ phạm tội đi đầu tư vào tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số. Nhưng thật đáng tiếc, đây lại là những tội danh nhẹ nên kẻ lừa đảo chỉ phải nhận 2,5 tháng tù treo. Tuy nhiên, số tài sản trị giá 1,2 triệu USD đã bị tịch thu.

Giám đốc quốc gia về hoạt động tình báo Mỹ Michael Tink - người điều hành các nhóm tập trung vào tội phạm mạng, an ninh quốc gia và rửa tiền cho biết: “Khi việc sử dụng hợp pháp tiền điện tử tăng lên, chúng tôi nhận thấy mức độ lạm dụng gia tăng tương đương.

Ví dụ trong một số trường hợp, một nhóm tội phạm có thể đã gửi tiền ra nước ngoài bằng cách sử dụng lĩnh vực ngân hàng hoặc đại lý chuyển tiền, trong một số trường hợp, tuy không nhiều, chúng ta có thể thấy chúng đang cố gắng gửi tiền thu được từ tội phạm thông qua một nhà cung cấp trao đổi tiền ảo và gửi tiền cho một đối tác ở nước ngoài bằng chính đồng tiền vô hình đó, rồi quy ra “tiền thật" một cách ranh ma”.

Theo Michael Tink, việc sử dụng tiền ảo để rửa tiền thu được từ tội phạm mà có vẫn là “một thị trường ngách khá hẹp", nhưng nó đang gia tăng.

Các cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã thu giữ một lượng lớn tiền điện tử. Trong đó có vụ FBI từng thu giữ 3.879 bitcoin từ một vụ lừa đảo trị giá 155 triệu USD do nhân viên Rei Ishii thực hiện chống lại Công ty bảo hiểm Sony Life.

Trong một vụ thu giữ tiền điện tử khác tại Mỹ liên quan đến 9.881 bitcoin, các nhà chức trách cáo buộc bitcoin đã được sử dụng để rửa tiền thu lợi bất chính. Khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 2/2021, kẻ tình nghi rửa tiền Fernando Berrocal, một doanh nhân trong lĩnh vực nước hoa đã kiếm được số lượng lớn tiền mặt từ các địa điểm ở cả trong và ngoài nước Mỹ, trị giá 2,3 triệu USD.

Nhân viên Bộ An ninh nội địa James Barden cho biết, “không có một USD nào trong số đó là sạch sẽ cả. Nhưng nó vẫn luồn lách được qua các ngân hàng, biến giả thành thật”.

Vào năm 2021, khi thế giới đang oằn mình vì đại dịch Covid-19 thì thật ngạc nhiên tiền ảo lại có những khoảnh khắc tuyệt vời với việc tăng giá tới hàng trăm phần trăm, nhiều ngân hàng chấp nhận, tung ra dịch vụ lưu trữ và đầu tư tiền ảo…

Trong cơn bão tiến ảo đó, để cảnh báo, David Gerard - tác giả của hai cuốn sách về tiền ảo đã cho rằng: "Mọi người chỉ sử dụng tiền ảo để thanh toán khi họ không thể sử dụng tiền mặt vì một số lý do, vì vậy họ sử dụng công cụ này để thay thế. Điều đó nhiều khả năng bị mở rộng thành những vụ lừa đảo mã độc, tấn công mạng quy mô lớn. Tin tặc tấn công mạng tồn tại trước tiền ảo nhưng không phải ở quy mô như hiện nay".

Ở thời điểm đó (cuối năm 2021), giá bitcoin tăng từ vài trăm USD vào năm 2015 lên cao nhất tới gần 70.000 USD. Chính “đỉnh cao” này khiến cho thị trường tiền ảo mang dáng dấp của một “bãi chiến trường”, ở đó có tiếng gào thét, có tiếng súng đạn và có cả tiếng cười tiếng khóc. Kể cả máu.

Những phi vụ trộm cắp khủng khiếp

Nếu không tính đến vụ lừa đảo lên tới 4 tỉ USD do “nữ hoàng tiền ảo” Ignatova “cuỗm” mất, thì tới nay vụ tin tặc đánh cắp hơn 600 triệu USD ảo được ghi nhận là lớn nhất.

Lúc đầu người ta xác định bị mất 545 triệu USD, nhưng chỉ 6 ngày sau con số đó đã là 615 triệu USD. Tin tặc đã đánh cắp số tiền này từ một sổ cái kỹ thuật số được sử dụng bởi người chơi trò chơi trực truyến Axie Infinity.

Theo mạng Ronin Network, phần lớn số tiền ảo bị đánh cắp vẫn còn trong tài khoản của tin tặc và chúng đã nắm giữ "chìa khóa" cá nhân để rút ra, mua đi bán lại ở dịa chỉ khác, rồi sẽ đổi lấy “tiền thật” khi thuận lợi. Trong trò chơi Axie Infinity, người chơi sẽ được thưởng token có thể đổi thành tiền ảo hoặc tiền mặt. Đây là cách được cho là dễ kiếm tiền nên thu hút người chơi rất đông. Chỉ riêng ở Philippines, có tới 35% lượng truy cập Axie Infinity trong tổng số 2,4 triệu người chơi mỗi ngày.

Cho tới nay, theo Interpol, Poly Network, Ronin Network và Wormhole là 3 trong số các nền tảng blockchain bị hacker tấn công và lấy đi lượng tiền ảo trị giá hàng trăm triệu USD.

Thống kê của Công ty dữ liệu Chainalysis, trong tổng số 11 tỉ USD tiền ảo bất chính mà tội phạm mạng nắm giữ năm 2021, thì 93% có được là từ việc trộm cắp, tăng từ 3 tỉ USD vào năm 2020.

Tháng 8/2021, nền tảng tài chính DeFi Poly Network cho biết bị hacker đánh cắp số tiền mã hóa trị giá 611 triệu USD. Tin tặc đã lợi dụng một lỗ hổng trong hệ thống blockchain này để đột nhập lấy đi số tiền khủng khiếp đó.

Ngược thời gian, đầu năm 2018, sàn giao dịch tiền điện tử Coincheck có trụ sở tại Tokyo xác nhận hệ thống của họ bị hacker xâm nhập và chiếm 523 triệu token NEM trị giá 400 triệu USD (vào thời điểm lúc bấy giờ).

Theo công ty này, kẻ tấn công lợi dụng một lỗ hổng trên sàn để xâm nhập vào ví nóng của người dùng và chuyển tiền sang một địa chỉ khác. Số tiền bị đánh cắp đã không thể thu hồi. Coincheck sau đó phải dùng tiền mặt để hoàn trả cho hơn 260.000 người bị mất tiền. Năm 2014, một sàn giao dịch tiền ảo khác của Nhật Bản là Mt.Gox cũng bị hacker tấn công và đánh cắp tổng cộng 850.000 Bitcoin trị giá 480 triệu USD (khi đó). Còn nếu dựa trên giá 47.000 USD mỗi đồng hiện nay, số Bitcoin trên có giá trị gần 40 tỉ USD.

Cho đến trước khi bị tấn công, Mt. Gox là sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. Do thiệt hại quá lớn, sàn đã phải nộp đơn phá sản, còn người đứng đầu sàn này là Mark Karpeles thì bị bắt.

Nguy cơ mất trắng

Cuối tháng 4 năm nay, nhiều nhà đầu tư đã vô cùng hoang mang trước thông tin sàn tiền ảo mà họ "rót" tiền vào sụp đổ. Thế nhưng, điều đáng lo ngại hơn chính là nguy cơ mất trắng không thể rút được tiền từ những tài khoản cho vay trên sàn này.

Trong “cơn nguy khốn” đó, thông tin chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh truy nã quốc tế nhà sáng lập Faruk Fatih Ozer của Công ty giao dịch tiền ảo Thodex, lại khiến thiên hạ đứng ngồi không yên. Người này được cho là đã bỏ trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 20/4, trước khi sàn giao dịch đóng cửa ngày 22/4.

Trong một thông báo đăng trên website của Thodex, Ozer hứa rằng mình sẽ trả tiền cho nhà đầu tư và quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, người này lại không tiết lộ địa điểm hiện tại của mình, cũng như hẹn thời điểm trả tiền và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Con số thiệt hại chính xác của vụ việc chưa được thông báo nhưng theo dữ liệu từ CoinMarketCap, trước khi ngừng giao dịch lượng tài sản trên Thodex vào khoảng 585 triệu USD.

Còn khủng khiếp hơn khi tờ Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, thiệt hại của những người chơi sàn này có thể lên đến 2 tỉ USD. Trong khi đó, một luật sư bảo vệ người bị hại cho rằng món tiền đầu tư của hơn 390.000 người chơi trên sàn gần như không thể lấy lại. Theo hãng tin Anadolu, trước khi ngừng giao dịch lượng tài sản trên Thodex, có khoảng 400.000 người dùng, trong đó có 390.000 người thường xuyên giao dịch.

Như vậy, cho đến thời điểm này, “vụ Thodex” cùng với việc FDI truy nã “nữ hoàng tiền ảo” Ignatova là 2 vụ “tồn đọng” lớn nhất trong thị trường tiền ảo.

Ai là cha đẻ của Bitcoin?

Trong số những đồng tiền điện tử “có tên” trên thị trường thì Bitcoin được cho là sáng giá nhất. Nhưng ai là người “phát minh” ra nó? thì đó vẫn là câu hỏi treo lơ lửng với nhiều cách lý giải khác nhau.

Trong số những người được cho là cha đẻ của Bitcoin, thì một người đàn ông gốc Nhật Bản có tên là Satoshi Nakamoto được nhiều người cho là đã thiết kế ra nó. Nhưng danh tính chính xác của nhân vật này đến nay vẫn còn là ẩn số.

Kể cả Bitcoin ra đời chính xác vào thời điểm nào thì cũng lại là tranh cãi. Có người cho rằng nó đã “âm thầm tồn tại” vài chục năm trong thế giới ngầm. Có người cho rằng nó chỉ có chỉ cách đây hơn chục năm và cũng chỉ làm chao đảo thị trường vài năm gần đây. Thông tin về người tạo ra Bitcoin vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành công nghệ hiện đại.

Cách đây chưa lâu, WSJ đưa tin gia đình David Kleiman ở Florida (Mỹ) kiện đối tác kinh doanh cũ của mình là Craig Wright. Wright là một lập trình viên 51 tuổi người Australia, hiện sống ở London (Anh) và tự nhận là Satoshi Nakamoto, cha đẻ Bitcoin.

Nhà Kleiman tố Wright kiểm soát bộ nhớ cache của 1 triệu Bitcoin, tức khoảng 64 tỉ USD (tính ở thời điểm kiện tụng). Phía nguyên đơn cho biết đã đưa ra bằng chứng cho thấy cả hai cùng tham gia vào Bitcoin kể từ khi thành lập và làm việc cùng nhau.

Vẫn theo nhà Kleiman, Bitcoin bắt đầu được Satoshi (hay có thể là Wright) thiết kế từ năm 2007. Ông là người đã tạo ra cài đặt mẫu ban đầu của Bitcoin. Satoshi cũng thiết kế cơ sở dữ liệu blockchain đầu tiên cho đồng tiền này. Vào ngày 18/8/2008, nó đăng ký tên miền và tạo trang web "bitcoin.org". Ngày 31/10 cùng năm, trên thị thị trường xuất hiện sách trắng "Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử ngang hàng", tên tác giả được ghi là Satoshi.

Sau đó, sách được nhiều lần chỉnh sửa, chủ yếu là cập nhật đối với mã nguồn Bitcoin. Cho đến năm 2012, cộng đồng phát triển Bitcoin dần mất liên lạc hoàn toàn với Satoshi sau khi nhân vật bí ẩn này đưa "khóa báo động" cho một người có tên là Gavin Andresen - một nhà phát triển phần mềm. Khóa này có thể dùng để báo động tới toàn mạng lưới ngừng lưu lại giao dịch khi bị tấn công.

Nếu như có một nhân vật là Satoshi - cha đẻ của Bitcoin, thì cho tới nay vẫn chưa bao giờ chính thức tiết lộ thông tin cá nhân. Chỉ duy nhất một lần vào năm 2012, trên mạng có một người tự nhận mình là Satoshi, nam giới, 37 tuổi, sống ở Nhật Bản. Theo tạp chí Wired của Mỹ, trong tiếng Nhật, Satoshi có nghĩa là "khôn ngoan".

Nhưng một số người lại đặt giả thuyết rằng, Satoshi Nakamoto là sự kết hợp tinh quái của 4 công ty công nghệ: Samsung, Toshiba, Nakamichi và Motorola. Trong khi đó, những người theo “thuyết âm mưu” lại cho rằng cha đẻ Bitcoin quyết không phải là người Nhật vì tiếng Anh tiêu chuẩn (British English) của nhân vật này rất thuần thục, chẳng khác một người bản ngữ.

Vì thế, sau này người ta nghiêng về giả thuyết Satoshi có thể là một nhóm người. Tờ The Guardian dẫn lời của Dan Kaminsky - nhà nghiên cứu bảo mật về Bitcoin, bảo vệ giả thuyết đó khi cho rằng đó phải là một "nhóm người" hoặc trừ phi đây là một thiên tài, “mà thiên tài thời này bói đâu ra”.

Laszlo Hanyecz - một nhà phát triển nền tảng tiền ảo từng gửi email cho Satoshi, chia sẻ trên tạp chí Wired rằng Bitcoin quá hoàn hảo nếu chỉ do một người thiết kế. Gavin Andresen cũng từng nói về Satoshi trên MIT Technology Review: "Ông ấy là một lập trình viên xuất sắc, nhưng điều này rất kỳ quặc. Tôi cũng không tin rằng đó chỉ là một con người".

Trong khi đó, tờ Times (London, Anh) từng phân tích về khối Bitcoin đầu tiên do Satoshi khai thác đã chỉ ra rằng “cha đẻ” của Bitcoin rất có thể là người Anh vì quốc gia này vẫn được coi là có hệ thống ngân hàng thương mại hàng đầu thế giới. “Chỉ có những người vô cùng hiểu hệ thống ngân hàng mới có thể tạo ra được một đồng tiền phi truyền thống với tư cách là đối thủ”- Times viết.

Nhưng, để đáp lại (hay còn gọi là “tranh nhau” cha đẻ của Bitcoin), Stefen Thomas- một nhân vật xuất chúng về phần mềm người Thụy Sỹ và cũng là thành viên tích cực trong cộng đồng Bitcoin, đã vẽ đồ thị thời gian về mỗi bài đăng trên diễn đàn của Satoshi. Biểu đồ cho thấy, sự sụt giảm nghiêm trọng đến mức gần như không có bài đăng nào trong khoảng thời gian từ 5 giờ đến 11 giờ sáng, theo giờ chuẩn Greenwich. Khoảng thời gian này là từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối theo giờ Nhật Bản. “Điều này cho thấy Satoshi là một người có thói quen ngủ bất thường và ông ta sống ở Nhật Bản”- Stefen khẳng định.

Cùng với Satoshi, nhân vật thứ hai bị nghi ngờ là cha đẻ của Bitcoin là Hal Finney (1956 - 2014). Theo Washington Post, ông này là nhà tiên phong về tiền mã hóa và là người đầu tiên (chứ không phải là Satoshi) sử dụng phần mềm, lập báo cáo lỗi và thực hiện các cải tiến loại tiền này.

Tuy nhiên, nhà báo Andy Greenberg của Forbes lại cho rằng Finney và Satoshi chỉ là một, khi so sánh chữ viết của “hai người” với nhau. Andy cũng nêu thêm một giải thuyết khác, rằng có thể đã có một "tác giả ảo" thay mặt cho Satoshi cốt là để che giấu thân phận.

Vẫn trong bức màn bí ẩn đó, tháng 3/2014, một bài báo nổi tiếng xuất hiện trên tạp chí Newsweek. Theo đó, nhà báo Leah McGrath Goodman xác định “chắc như đinh đóng cột” một người có tên là Dorian Prentice Satoshi Nakamoto - người Mỹ gốc Nhật sống ở California, tên khai sinh là Satoshi Nakamoto, là cha đẻ Bitcoin.

Goodman đã đưa ra nhiều dữ kiện để củng cố quan điểm của mình. Ví dụ như được đào tạo như một nhà vật lý tại Đại học Cal Poly (California), Dorian từng là kỹ sư hệ thống trong các dự án quốc phòng và kỹ sư máy tính cho các công ty dịch vụ thông tin tài chính - công nghệ. Dorian đã bị cho nghỉ việc hai lần vào đầu những năm 1990 và trở thành người “tự do”.

Nhà báo Goodman kể lại, khi bà hỏi Dorian về Bitcoin trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp ngắn ngủi, ông “dường như đã xác nhận” mình là người sáng lập Bitcoin bằng cách nói: "Tôi không còn tham gia vào việc đó nữa và tôi không thể thảo luận về nó. Việc này đã được giao cho người khác. Bây giờ họ đang chịu trách nhiệm về nó. Tôi không còn bất kỳ mối liên hệ nào".

Nhưng sau đó ít lâu, lại chính Dorian lên tiếng phủ nhận tất cả mối liên hệ với Bitcoin khi nói rằng mình chưa bao giờ nghe về loại tiền này và đã hiểu sai câu hỏi của Goodman.

Gần đây nhất, với “thuyết âm mưu”, tỉ phú Elon Musk cũng bị cho là cha đẻ ủa Bitcoin. Tuy nhiên, vị tỷ phú chỉ mỉm cười một cách thú vị và nói rằng, nếu ông là cha đẻ của đồng tiền ảo đó thì chắc rằng thế giới đã không có những chiếc xe hơi chạy điện, mà tập đoàn của ông đứng ở vị trí tiên phong.

Tới nay, trong sóng gió của thế giới tiền ảo, một thế giới người cười người khóc và nước mắt nhiều hơn nụ cười, những đồng tiền ảo vẫn cứ ảo như cái tên của nó. Như một thách thức.

Trong các thông cáo thì hầu như tất cả các hãng bảo mật đều nhấn mạnh việc đầu tư vào tiền mã hoá (tiền ảo) hoàn toàn không được bảo vệ, không có gì đảm bảo và giá trị đầu tư các đồng tiền mã hóa có thể trở về số không bất kỳ lúc nào. Nếu đồng tiền ảo trong tài khoản bị ăn trộm, chuyển sang tài khoản khác thì không có cách nào lấy lại được. Một trong những cách dùng mồi nhử đang được cộng đồng cảnh báo là trộm tài sản thông qua airdrop (tặng coin miễn phí).

Cụ thể, nhiều người dùng đột nhiên nhận được số token lạ trị giá hàng chục nghìn USD. Khi nhận được số token có giá trị cao, nhà đầu tư thường tò mò và lên sàn phi tập trung (DEX) để quy đổi sang USD. Thường hacker sẽ giả mạo danh tính những người nổi tiếng trong lĩnh vực tiền ảo (như Elon Musk) để dụ người dùng vào các cơ hội đầu tư tốt, lợi nhuận cao. Kẻ lừa đảo có thể gợi ý người dùng vào các sàn nhỏ và thiếu tin cậy, hoặc đưa khóa bí mật cho chúng. Chính tâm lý tò mò và lòng tham với khoản tiền lớn đã khiến nhiều nhà đầu tư cấp quyền truy cập cho kẻ gian. Sau khi giao dịch, kẻ lừa đảo sẽ có quyền truy cập vào ví cá nhân của người dùng và đánh cắp toàn bộ tài sản. “Cái gì đẹp như mơ thì nó không bao giờ có thật, mà chỉ có thể là lừa đảo. Ví dụ hình thức đầu tư lợi nhuận cao, bảo toàn vốn…”- giới chuyên gia bảo mật trên mạng lên tiếng.

PHAN QUANG VŨ