Phụ huynh tại TP HCM được lấy ý kiến về năm học mới

Quốc Định 19/08/2022 14:57

Trong số hơn 28 ngàn phụ huynh tại TP HCM được lấy kiến khảo sát về giáo dục, không ít người đánh giá các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm cho nhà trường ngoài học phí là quá lớn; có ý kiến phản ánh việc học vẫn còn áp lực trong thi cử, chương trình học còn nhiều; có ý kiến đề nghị quan tâm hơn đến an ninh trường học.

Tại Hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn TP HCM được tổ chức ngày 19/8, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho biết, từ ngày 16 – 17/8/2022; Mặt trận TP HCM đã triển khai lấy ý kiến bằng phiếu khảo sát của hơn 28 ngàn phụ huynh tham gia.

Kết quả thống kê cho thấy, mức đóng học phí, đa số người được khảo sát đều đánh giá tốt về các mặt như thủ tục nhập học, học phí, các khoản đóng góp theo đúng quy định. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhiều người đánh giá bình thường ở các mặt như phòng học, sân chơi và khu nhà vệ sinh.

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố phát biểu tại hội nghị.

Về môi trường giáo dục, hầu hết đều đánh giá tốt về các mặt như giáo viên thân thiện, mẫu mực; hài lòng với thái độ tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh, gia đình; công bằng với các học sinh trong lớp, có rèn một số kỹ năng mềm cần thiết, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh và hài lòng với chương trình giảng dạy, các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Đối với kết quả giáo dục, đa số người được hỏi đều cho biết nhà trường đánh giá kết quả học tập của học sinh là phản ánh đúng thực chất, kịp thời quan tâm, khích lệ học sinh và hài lòng quá trình học tập của con tại trường và mong muốn nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc cải thiện cơ sở vật chất và đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ nhu cầu giảng dạy.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng, các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm cho nhà trường ngoài học phí là quá lớn (6,6%);

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Có ý kiến nêu việc học vẫn còn áp lực trong thi cử, chương trình học còn nhiều, cần giảm bớt, dành thêm thời gian học ngoại khóa, kỹ năng sống, quan tâm tình hình an ninh trước cổng trường; việc mua sách giáo khoa một số phụ huynh gặp khó khăn, số lượng sách hỗ trợ, tham khảo nhiều loại cần có sự hướng dẫn chung của nhà trường để phụ huynh lựa chọn phù hợp (8,2%). Có ý kiến đề nghị, cần quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường nhất là nhà vệ sinh, căn tin, tăng cường thêm các phòng chức năng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (14,4%).

Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức Thành phố, là người tham gia các đoàn khảo sát chia sẻ, nhiều ý kiến liên quan, trong đó ông đề xuất các địa phương nên tạo nguồn quỹ để xây dựng tủ sách dùng chung, nhằm hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nên có giải pháp cụ thể trong việc vận động xã hội hoá tại các trường, giúp phụ huynh của những gia đình khó khăn yên tâm cho con đi học, và không ảnh hưởng uy tín của đơn vị giáo dục. Ông cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế độ chính sách, chăm lo đời sống của đội ngũ giáo viên để họ yên tâm công tác.

Quốc Định