Giá cước vận tải rục rịch giảm
Giá nhiều mặt hàng đã bắt đầu hạ nhiệt, giá cước taxi cũng rục rịch giảm. Giới chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, thông tin thường xuyên để xây dựng nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên - xuống giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp taxi kê khai lại cước
Thông tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Hiệp hội đã có văn bản đề nghị các hãng taxi trên địa bàn thực hiện việc giảm giá cước từ 500 - 1.000 đồng/km để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động với khách hàng, DN.
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thông tin, trước diễn biến giá xăng dầu giảm, đến nay đã có 2 hãng taxi của Hà Nội là Thanh Nga và Vạn Xuân đã giảm giá cước. Một số DN khác đang kê khai giá cước mới để gửi sở Giao thông vận tải TP Hà Nội.
Mức giá cước hiện tại của hầu hết các hãng taxi ở Hà Nội là 15.000 đồng/km. Như vậy sau khi được cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục phê duyệt kê khai giá cước, giá cước của một số hãng taxi sẽ về mức 14.000 - 14.500 đồng/km, tương đương mức giảm khoảng 7%. Theo các hãng taxi, giá xăng dầu giảm liên tục trong thời gian qua chính là điều kiện để các hãng giảm giá cước, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá cả thị trường.
Lý giải về sự chậm trễ trong việc giảm giá cước, ông Hùng cho biết mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Tổng mức phí để thực hiện điều chỉnh giá cước mỗi lần là 150.000 đồng/xe chưa kể thời gian thực hiện các thủ tục kê khai giá cước mới. Do đó các DN cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hay nói cách khác là phải có "độ trễ" nhất định sau các đợt giảm giá xăng dầu.
Cùng với giá cước taxi, giá vé tàu hoả cũng đã giảm ở một số chặng. Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, từ ngày 10/8 - 21/8/2022, Công ty đã điều chỉnh giá vé các tàu Thống Nhất: Giảm 3% giá vé ghế ngồi và 5% giá vé giường nằm. Các tàu chạy tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đồng Hới giảm 10% giá vé.
Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải, nên trải qua 5 lần giảm liên tiếp của giá xăng với mức giảm tổng cộng hơn 8.000 đồng/ lít xăng, thì giá dịch vụ vận tải buộc phải tính toán lại.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay giá thành dịch vụ nói chung. Cho nên khi có một yếu tố biến động thì những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại.
“Những động thái này cũng cần có độ trễ, nhưng không nên trễ quá, cũng phải kịp thời để đáp ứng nhu cầu”, ông Ngọc nói đồng thời khẳng định khi nhiên liệu - một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành giá vận tải đã giảm rồi mà DN lại chưa kịp giảm hoặc giảm chậm là không được.
Xây dựng ý thức tự giác
Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải sớm cải tiến các thủ tục kê khai giá nhằm đáp ứng cái chung cho xã hội, nhưng đồng thời tạo thuận tiện cho các DN. Đặc biệt cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, thông tin thường xuyên để xây dựng nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên - xuống giá thành sản phẩm của DN.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua. Thủ tướng yêu cầu tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, để đánh giá việc điều chỉnh giá và phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá.
Chia sẻ với báo giới, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay việc giảm giá vé hay không phụ thuộc phần lớn vào kê khai lại của DN. Ví dụ, tại thời điểm DN kê khai, giá xăng dầu cao nhất là 32.000 đồng, sau đó lại giảm xuống 25.000 đồng. Nếu DN không giảm giá vé đã tăng trước đó là 10% các sở GTVT có thể yêu cầu DN rà soát kê khai lại. Khi DN kê khai lại, các chi phí đầu vào và xăng dầu có tăng hay giữ nguyên so với mức giá tăng cao nhất của xăng dầu mới tính toán được giá cước vận tải có cao hay không.