Người trẻ đồng hành cùng nghệ thuật truyền thống
Cùng với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ, nghệ nhân trong những năm qua nhiều bạn trẻ đã trở thành những “đại sứ” trong việc lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến với cộng đồng. Ở đó, những “đại sứ” trẻ không chỉ thỏa được niềm đam mê mà còn đảm nhận nhiệm vụ kế thừa những giá trị văn hóa mà các thế hệ cha anh để lại.
Điểm hẹn của niềm đam mê
Thành lập vào ngày 23/11/2016, Trung tâm Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) từ nhiều năm qua đã trở thành điểm hẹn của nhiều bạn trẻ yêu mến nghệ thuật truyền thống. Ngay từ giai đoạn đầu mới thành lập, Trung tâm đã tổ chức, hỗ trợ cho hàng loạt chuỗi sự kiện, dự án kết nối người trẻ với nghệ thuật truyền thống. Có thể kể đến như các chương trình đưa di sản văn hóa đến với sinh viên, cán bộ công nhân viên tại một số trường đại học. Kết nối các dự án nghệ thuật cộng đồng như CLB Hát Xẩm Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long đồng hành tổ chức chuỗi các số trải nghiệm “Về nguồn - Trải nghiệm cùng di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam” cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội.
Đặc biệt trong những năm gần đây, Trung tâm tiến hành xây dựng các không gian văn hóa, tư vấn hỗ trợ các nhóm cộng đồng trẻ tìm hiểu và sáng tạo các hoạt động văn hoá cộng đồng. Đơn cử như việc xây dựng không gian văn hóa thực hiện các show diễn nghệ thuật truyền thống giới thiệu đến du khách quốc tế, đến các nhóm công chúng có mục đích tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Đồng thời hỗ trợ các nghệ sỹ trẻ 9x phát triển nghề, thiết kế các chương trình biểu diễn, trong đó có thể kể đến như nghệ nhân hát xẩm Sơn Xẩm, nhà sưu tầm văn hóa dân gian Mai Đức Thiện, nghệ sỹ hát văn Thế Hoàn, nghệ nhân hát Xẩm Ngô Văn Hảo. Ngoài ra, vừa qua Trung tâm cũng tư vấn, đồng hành, tài trợ một số nhóm cộng đồng trẻ trong hoạt động văn hóa cộng đồng như dự án Diễn đàn nghị viện trẻ (VNYP), cuộc thi thiết kế Creative Hunter…
Chia sẻ về mô hình hoạt động, bà Nguyễn Lệ Quyên - Giám đốc Trung tâm Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam bày tỏ, bên cạnh sự đồng hành của các nghệ nhân, nghệ sĩ VICH còn một nguồn nhân lực là sự đồng hành các bạn bạn trẻ. Ở đó, phương thức quảng bá của VICH là hành động. Các bạn trẻ của VICH sẽ đưa con người đến với con người theo hai chiều. Thứ nhất là đưa nghệ nhân đến với công chúng một cách chủ động. Để nghệ nhân, nghệ sĩ đứng vai trò thụ hưởng từ đó họ biết trao truyền điều gì cho khán giả. Thứ 2 là đưa công chúng đến với nghệ nhân cũng với một cách chủ động. Nhằm đưa công chúng sắm vai nghệ nhân và được sống trong di sản. Cũng theo bà Quyên, với phương thức làm việc như vậy mặc dù sẽ tốn sức hơn về công tác tổ chức, nguồn lực nhưng những thành quả mà chúng tôi thu lại được là sự thấu hiểu hai chiều giữa nghệ nhân, nghệ sĩ với công chúng, khán giả.
Nỗ lực từ cộng đồng
Với sự phát triển của cuộc sống, không thể phủ nhận hiện nay một bộ phận giới trẻ đang dần rời xa các giá trị văn hóa truyền thống. Một minh chứng rõ nhất là nhiều năm qua, tình trạng thí sinh dự thi vào các trường nghệ thuật có ngành đào tạo về nghệ thuật truyền thống không nhiều mà ngày càng có xu hướng giảm. Đơn cử như Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu nước ta về lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật truyền thống. Cá biệt, có năm trường không thể tổ chức được khóa diễn viên Tuồng nào vì không có hồ sơ dự tuyển.
Tuy nhiên, nếu như các cơ sơ đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn đang loay hoay giải “bài toán” tuyển sinh thì với những nỗ lực của cộng đồng lại tạo ra nhiều “trái ngọt”. Ngoài Trung tâm Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều mô hình câu lạc bộ, hội nhóm về nghệ thuật truyền thống được thành lập. Đáng mừng hơn là từ các thành viên cho đến những người thủ lĩnh của các mô hình đều là những người trẻ. Đơn cử như nhóm “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” tại Hà Nội sau nhiều năm bền bỉ với các dự án các bạn trẻ không chỉ mang nghệ thuật Chèo đến gần hơn với công chúng mà còn đang tiếp tục lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm. Mới đây, nhóm đã cho ra mắt chương trình “Mắt Xẩm” với mong muốn “chạm” vào Xẩm bằng nhiều lăng kính đa dạng. Theo thành viên của nhóm Đinh Thị Thảo, hơn 6 năm qua, trên hành trình bền bỉ truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào với văn hóa dân tộc cho người trẻ, dự án đã tổ chức hàng chục khóa học không chuyên cùng nhiều sự kiện biểu diễn, điền dã, tọa đàm nghệ thuật về một số loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Ngoài ra còn có thể kể đến dự án “Trường ca kịch Viện” với các thành viên hầu hết đều là học sinh, sinh viên các trường đại học ở trong và ngoài nước. “Trường Ca Kịch Viện” đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn văn hóa thông qua những nền tảng trực tuyến như mạng xã hội Facebook và trên website, qua đó đã lan tỏa các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, đến gần hơn với công chúng.
Tuy nhiên, để những người trẻ có thêm nhiều động lực, cơ hội được đồng hành và lan tỏa nghệ thuật truyền thống vẫn đang là một “hành trình” dài đầy gian nan. Đồng hành với nhóm bạn trẻ trong nhiều dự án bảo tồn với nghệ thuật truyền thống, nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam bày tỏ, việc bây giờ là phải kết nối mật thiết giữa những nghệ nhân, nhạc sĩ giỏi nghề với người trẻ. Khi người trẻ được truyền dạy, được thắp lửa đam mê, họ sẽ có tình yêu và giữ nghề.
Cũng theo nhạc sĩ Thao Giang, chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao khán giả trẻ hiện nay tôn sùng âm nhạc đường phố, nhạc Hàn, nhạc điện tử có tính chất thương mại. Còn các loại hình âm nhạc đặc sắc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng hiện vẫn sống lay lắt vì ít người xem, hoặc muốn có người xem thì phải “sân khấu hóa”?
“Khi các cơ quan chức năng cùng chúng tôi hiểu được tại sao, thì sẽ có phương án lâu dài, bền bỉ để thực hiện các chiến lược khuyến khích người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống” - ông Giang nói.