Xây dựng thương hiệu nông sản Việt: Còn nhiều khó khăn
Theo nhận định của các chuyên gia, nông sản Việt đang đối diện với rất nhiều thách thức. Việc này không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm, từ thị trường, từ sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng mà còn đến từ năng lực tiếp cận thị trường thông qua thương hiệu sản phẩm.
Tính đến ngày 1/8/2022, cả nước đã có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông, lâm thủy sản, trong đó đã cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 116 sản phẩm. Cả nước cũng đã có 1.682 chứng nhận tập thể đã được cấp.
Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đang xuất khẩu nhiều vào các thị trường cao cấp trên thế giới như: Nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, hồ tiêu Gia Lai, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).
Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, theo nhận định của các chuyên gia, số lượng sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và thị trường quốc tế như trên còn khá khiêm tốn. Đề cập đến những bất cập trong việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm nông nghiệp, bà Lê Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn.
Ở Trung ương, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Ở địa phương, thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Việc này dẫn đến lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp thực tiễn và nhu cầu thị trường.
Từ thực tế trên, các doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị các cơ quan chức năng cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Các cơ quan nhà nước cũng cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về kiểm soát, sử dụng nhãn hiệu trên thị trường.
Về phía các đơn vị sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, nên xây dựng và phát triển thương hiệu phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường.
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam có giá trị lớn đang tiềm ẩn nguy cơ mất nhãn hiệu, thương hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Đề cập đến thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Toản -Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện nông sản Việt Nam đã vươn tới các thị trường quốc tế rất sâu rộng nhờ một phần có được lợi thế qua 16 FTA, trong đó có nhiều FTA lớn như RCEP, EVFTA, CPTPP... Chính vì vậy, thương hiệu sản phẩm nông sản là một phạm trù cần được định nghĩa rõ ràng và tiếp cận từ khía cạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”. Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; hoàn thành xây dựng công cụ, phần mềm phục vụ thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.