Cận cảnh cá voi săn mồi
Vừa qua, vùng biển Đề Gi - Vũng Bồi (giáp ranh 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ) của tỉnh Bình Định xuất hiện đàn cá voi khoảng 7-8 con lớn nhỏ, trên hành trình di cư đã ghé ngang. Việc xuất hiện cá voi là tín hiệu tốt, ít nhất cho thấy môi trường sống của nó không bị tác động quá nhiều và khu vực đó vẫn còn thức ăn nên cá voi di chuyển đến kiếm ăn.
Theo giới chuyên gia về các loài thú biển, các loài cá voi nói chung đều là loài di cư, hầu như chúng di chuyển khắp đại dương chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Chúng thường tìm đến vùng biển nào có nhiều thức ăn để săn mồi, sau đó tìm đến vùng biển nào ấm và sạch để sinh sản.
Tập tính săn mồi của loài cá có thân hình lớn và trọng lượng nặng nhất trong các loài cá ở biển khơi đã thu hút mỗi ngày hàng trăm lượt du khách - đặc biệt là các nhà nhiếp ảnh chuyên săn ảnh động vật, thiên nhiên hoang dã khắp mọi miền.
Đến ngày 14 và 17/8, hai con cá voi (được phỏng đoán là hai mẹ con cá voi) lại xuất hiện. Việc cá voi bơi lặn, săn mồi ngay trước ngôi miếu thờ “Ông” ở làng biển Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) được người dân nơi đây coi là dấu hiệu của sự may mắn.
Cá voi được người dân khắp các vùng biển miền Trung gọi bằng cái tên tôn kính là “Ông”. Làng biển nào cũng có miếu thờ “Ông” để cầu trời yên biển lặng. Những ngư dân lớn tuổi ở xã Cát Khánh cho biết đây là lần đầu tiên trong đời họ thấy 2 mẹ con “cá Ông” xuất hiện dài ngày ở biển Đề Gi - Vũng Bồi.
Từ những hình ảnh do phóng viên báo Đại Đoàn Kết cung cấp, TS Võ Văn Quang - Trưởng phòng Động vật có xương sống biển (Viện Hải Dương học Nha Trang) bước đầu nhận định cá voi xuất hiện ở vùng biển Đề Gi - Vũng Bồi thuộc họ cá voi lưng xám - bộ cá voi răng lược (không phải cá voi xanh như phỏng đoán ban đầu của một số người).
Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên báo Đại Đoàn Kết ghi lại vào ngày 14/8.
TS Võ Văn Quang nhận định: Vùng biển Đề Gi - Vũng Bồi của tỉnh Bình Định đến thời điểm này là nơi duy nhất ở Việt Nam có hiện tượng cá voi vào gần bờ kiếm ăn trong nhiều ngày. Vì trước giờ chúng ta chỉ ghi nhận các trường hợp cá voi mắc cạn chết dạt vào bờ hoặc chúng bơi qua vùng biển trên hành trình di cư. Trước hiện tượng thú vị này, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao vùng biển Bình Định có cá voi xuất hiện và tại sao chúng lại ở lâu đến vậy? Câu trả lời là nguồn thức ăn tập trung nhiều. Môi trường biển này có các yếu tố thuận lợi phù hợp với tập tính của cá voi như dòng hải lưu, nhiệt độ ấm, môi trường biển sạch, sinh vật phù du phong phú… đã tập trung nhiều nguồn thức ăn của cá voi.
“Bầy cá voi này đi theo nguồn thức ăn là đàn cá nhỏ. Khi cá voi kiếm mồi thì chim biển cũng bay theo để đớp mồi, cá voi ở đây lâu như vậy và chim bay theo nhiều như vậy tức là con mồi khá nhiều. Cho nên không phải chỉ bảo vệ cá voi mà cần phải bảo vệ nguồn thức ăn thì cá voi mới ở lâu được, bởi nếu hết mồi chúng sẽ bơi đi chỗ khác. Qua quan sát thì vùng nước biển ở Bình Định khá trong xanh. Môi trường biển sạch là yếu tố quan trọng đầu tiên để tạo nên hệ sinh thái biển đa đạng, phong phú”, TS Võ Văn Quang chia sẻ.