Vẫn còn một bộ phận cán bộ đảng viên chưa biết sợ?
Có “một bộ phận chưa biết sợ” là cụm từ được nhắc đến trong thời gian qua của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó cũng là thực tế đang diễn ra trong xã hội. Phải chăng các quy định pháp luật đã bị “nhờn”? Hay đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã suy thoái? Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, vừa qua nguyên Giám đốc CDC Quảng Ninh đã bị kỷ luật cảnh cáo do chủ trì, tham gia những bữa tiệc chia tay, “lễ tri ân” trước khi về hưu gây xôn xao dư luận. Phải chăng các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống lối sống xa hoa chưa “thấm” đến một bộ phận cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu?
Ông Lê Việt Trường: Trong sự việc trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã vào cuộc xem xét kỷ luật. Tôi cho rằng đây là một sự cố ý, cố tình không chấp hành 19 điều đảng viên không được làm. Có lẽ tổ chức cần xử lý nghiêm khắc hơn mới ngăn chặn được vấn đề này.
Ở góc độ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 6 lần 1, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, và sau này, nhất là tại các kỳ đại hội Đảng gần đây đều nhấn mạnh đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ đảng viên. Trong thời điểm hiện tại, tất cả mọi người đều lên án chuyện sống xa hoa, kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung nguồn lực để phát triển đất nước, nếu có dư giả thì giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó. Vậy mà có một số cá nhân là cán bộ đảng viên trên cương vị lãnh đạo, người đứng đầu ở một cơ quan lại vi phạm.
Dư luận xã hội cảm thấy luật đang bị “nhờn”. Dù đây chỉ là một vài trường hợp song người dân cảm thấy đó là thực tế đang diễn ra. Do đó cần tiếp tục kỷ luật, tăng cường chỉnh đốn Đảng. Phải làm ráo riết, có biện pháp mạnh hơn nữa. Nếu không, việc làm chỉ do một vài cá nhân gây ra nhưng gây tác động lớn, ảnh hưởng xấu tới xã hội, đặc biệt là niềm tin của dân đối với Đảng.
Thực tế những người vi phạm đa phần là người đứng đầu. Phải chăng đang có “một bộ phận chưa biết sợ” như nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp thứ 22?
- Nhiều người đứng đầu cứ nói “thế nọ, thế kia”, nhưng bản thân họ là lãnh đạo đứng đầu của một đơn vị, tổ chức nhưng lại không chấp hành, có dấu hiệu “nhờn” luật. Nhiều lần sửa Luật Phòng chống tham nhũng, chúng ta đã đề cập đến làm thế nào để cán bộ không thể, không cần, không dám tham nhũng. Bây giờ cần xem xét lại tất cả các quy định đó đang được áp dụng ra sao.
Chúng ta phải chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như các nước phát triển. Cán bộ mà lấy của công, của nhân dân thì phải thu lại bằng được. Ví như cán bộ công chức 1 năm đi làm cũng chỉ được 100 triệu đồng/năm. Thế nhưng các đối tượng tham nhũng, tham ô làm thất thoát 300-400 tỷ đồng rồi nộp lại 30 tỷ đồng, tức là 1 phần so với số thất thoát để tránh xử lý hình sự, chỉ xử lý về kinh tế là không thể chấp nhận được.
Các mức chế tài trong hệ thống pháp luật của ta cũng khá nặng chứ không phải nhẹ, thưa ông?
- Pháp luật của chúng ta phải làm sao để cán bộ không thể, không dám và không muốn tham nhũng. Đây là vấn đề cả hệ thống chính trị cần tập trung tìm giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế nước ta. Trong tất cả các hình thức mà các nước đang áp dụng thì vũ khí quan trọng nhất chính là công khai, minh bạch. Chúng ta đã công khai minh bạch một số lĩnh vực, vấn đề. Nhưng giờ cần làm thực chất.
Chúng ta có giám sát cán bộ đảng viên ở nơi cư trú, nơi công tác. Nhưng qua kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng như Ủy ban Kiểm tra của các tỉnh, thành thì hầu hết các trường hợp vi phạm đều là người đứng đầu và đều được đánh giá là đảng viên hoàn thành tốt hoặc xuất sắc. Phải chăng cơ chế giám sát chưa hiệu quả?
- Đúng là việc giám sát đảng viên ở nơi cư trú, nơi công tác chưa thực sự hiệu quả. Phải thừa nhận khó có thể giám sát được cán bộ tại nơi cư trú. Chỉ có hệ thống chuyên môn của cơ quan Nhà nước, rồi trong Đảng theo dõi. Ví như chuyện kê khai tài sản bổ sung biến động hàng năm chẳng hạn, biến động về tài sản trên 50 triệu đồng trở lên thì phải khai báo. Từ đó mới biết được vi phạm.
Chúng ta đã làm mạnh, kiên quyết, không khoan nhượng nhưng tiêu cực vẫn tiếp tục diễn ra. Có vẻ nghiêm trọng hơn cả về quy mô, số lượng, các vị trí vi phạm rải đều ở các lĩnh vực. Sờ vào đâu cũng thấy sai phạm. Bây giờ phải xem các quy định đã phù hợp chưa? Cái gì không phù hợp thì phải sửa. Tham nhũng, tiêu cực không đơn lẻ trong vụ án cụ thể mà giờ còn xuất hiện lợi ích nhóm len lỏi, có sự liên kết trong - ngoài nên rất khó cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vậy, đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên, thưa ông?
- Chúng ta cần xem lại các biện pháp kiểm soát quyền lực. Quyền lực “cứng” và quyền lực “mềm”. Quyền lực trong bộ máy Nhà nước, và quyền lực trong nội bộ tổ chức Đảng. Rồi tình trạng lợi dụng sự ảnh hưởng của người có quyền lực để câu kết trong - ngoài. Đây là vấn đề cần nghiên cứu căn cơ, đi sâu vào bản chất. Pháp luật “nhẹ tay” thì cần sửa các quy định, kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và quy phạm đạo đức.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chúng ta đã có Nghị quyết trung ương 6 lần 1, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, và tại các kỳ đại hội Đảng gần đây đều nhấn mạnh đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ đảng viên.