Lạm phát vẫn phủ bóng
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, lạm phát ở nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua, khi mà chỉ số giá tiêu dùng tăng 10,1%. Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ được cho là giảm nhiệt: từ 9,1% xuống 8,4%.
Để đối phó với lạm phát, từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Trung ương Anh đã có 6 lần tăng lãi suất liên tiếp. Trong tháng 8, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1995. Chưa hết, ông Andrew Bailey - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), cho biết “đã chuẩn bị các đợt tăng lãi suất trong tương lai” nếu lạm phát không được kéo giảm.
BOE cảnh báo, trong quý 4/2022, nước Anh sẽ bước vào suy thoái. BOE cũng dự báo lạm phát sẽ tới 13,3% vào tháng 10. Giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu được cho là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát và có khả năng đẩy Anh vào một cuộc suy thoái kéo dài.
Nhưng, đó không chỉ là chuyện của nước Anh. Tại Mỹ, để đối phó với lạm phát, Tổng thống Joe Biden đã ký thông qua dự luật trị giá 750 tỷ USD, bất chấp những chỉ trích cho rằng điều đó không mấy hiệu quả trong việc hạ giá mặt hàng trong nước.
Theo Reuters, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm tháng thứ 4 liên tiếp do những nỗi lo dai dẳng liên quan đến lạm phát và lãi suất gia tăng, cho dù con số chính thức được đưa ra từ Chính phủ liên bang là lạm phát đã giảm từ 9,1% xuống 8,4%.
Một khảo sát vừa được tổ chức American Consumer Credit Counseling (Mỹ) công bố ngày 21/8 cho hay, gần 40% người tiêu dùng nước này hiện không còn dư dả để gửi tiết kiệm trong khi khoảng 19% thừa nhận họ phải giảm tỉ lệ tiết kiệm. 48% người tiêu dùng Mỹ khẳng định giá cả hàng hóa thiết yếu gia tăng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ - cao hơn nhiều so với mức 39% của quý đầu năm.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ đầu tháng 6 đã phải thông qua biện pháp khẩn cấp tránh để thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn do tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ ở các nước phía nam khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone); khi mà lạm phát tăng vọt, giá cả leo thang, thâm hụt thương mại lên mức kỷ lục.
Tính chung vào tuần thứ 3 của tháng 8, lạm phát khu vực Eurozone ở mức 8,6%; tăng hơn 4 lần so với mức 2% mục tiêu mà ECB đề ra. Trong khi đó, Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, thâm hụt thương mại của 19 quốc gia thành viên Eurozone tăng mạnh mà chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Phó Chủ tịch ECB, ông Luis de Guindos, các thành viên Eurozone vẫn cần chuẩn bị tinh thần đối phó với lạm phát và suy thoái, cho dù ECB đang xem xét tăng lãi suất vào đầu tháng 9 tới.
“Chúng ta cần thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan (lạm phát hay là suy thoái) cho dù các quốc gia phía nam khu vực Eurozone, đặc biệt là Italy, đang rất khó khăn” - Phó Chủ tịch ECB nói.
Việc giá trị đồng euro quay đầu giảm so với đồng tiền Mỹ (USD) càng khiến cho các hoạt động thương mại của khu vực Eurozone khó khăn hơn. “Nền kinh tế vẫn bị phủ bóng bởi sự xuống sức của đồng Euro, giá cả và lạm phát leo thang” - cảnh báo từ Eurostat.
Tại châu Á, giới chuyên gia tài chính Hàn Quốc cho rằng nền kinh tế nước này mất đà tăng trưởng do lạm phát. Ngày 22/8, truyền thông Hàn Quốc dẫn thông tin từ Bộ Kinh tế và Tài chính nước này (MOEF) dự báo kinh tế trong tháng 8 có thể tiếp đà tháng giảm thứ 3 liên tiếp. “Mất đà tăng trưởng do lạm phát leo thang và xuất khẩu giảm do tình hình bất ổn gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Cùng đó là có những lo ngại về suy giảm kinh tế từ tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp" - theo MOEF.
Tháng 7 năm nay, giá tiêu dùng ở Hàn Quốc đã tăng 6,3% so với tháng 7/2021, mức tăng cao nhất trong 24 năm qua. Tháng 8 chưa kết thúc nhưng vẫn được dự đoán lạm phát tiếp tục tăng.
Chính phủ Hàn Quốc đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống 2,6%, đồng thời tăng dự báo lạm phát lên 4,7%, mức cao nhất trong 14 năm qua.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến năm 2023. Với động thái này, lạm phát sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, bà Georgieva đưa ra nhận định diễn biến này chỉ là phản ứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế chứ không nhất thiết do lạm phát đã được khống chế. "Các ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát. Đó là ưu tiên của họ. Họ cần phải duy trì nỗ lực này cho tới khi lạm phát thực sự được kiềm chế chắc chắn" - bà Georgieva nói và lưu ý rằng nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn chưa được kiểm soát và điều này làm bào mòn thu nhập của người lao động, cũng như tác động nghiêm trọng đến những khu vực nghèo nhất trên thế giới.