Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vẫn ì ạch giải ngân

H.Hương – Y.Thanh 23/08/2022 07:10

Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2%, doanh số cho vay chỉ đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Đây là một kết quả quá khiêm tốn và nguyên nhân được cho là do cả từ phía ngân hàng lẫn khách hàng.

Các doanh nghiệp đang rất cần vốn để phục hồi sản xuất. Ảnh: Quang Vinh

Vì sao giải ngân thấp?

Hiện ngành ngân hàng đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (tổng gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ đồng) theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên sau 3 tháng triển khai, kết quả rất hạn chế. Báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, tính đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel chia sẻ, gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp (DN), trong đó có các DN ngành du lịch không tiếp cận được do có nhiều rào cản. “Các ngân hàng đều yêu cầu phải trả nợ cũ mới được vay mới để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành đều đã thế chấp hết. DN lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được” - ông Kỳ nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho biết: “Rất nhiều DN có nhu cầu vay nhưng việc tiếp cận lại rất khó khăn do các ngân hàng đều trả lời là đang chờ quy định về quy trình cho vay và quyết toán”. Theo ông Hưng, các ngân hàng đều e ngại sẽ lặp lại tình trạng của năm 2009 khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất. “Các ngân hàng cho biết, thời điểm đó nhiều khoản vay giải ngân nhưng không quyết toán được. Có trường hợp quyết toán xong nhưng khi kiểm toán, thanh tra NHNN kiểm tra thì không chấp nhận, khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn sau đó” – ông Hưng cho hay.

Báo cáo của Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) cũng cho biết, việc tiếp cận vốn vay đối với các DN, đặc biệt các DN vừa và nhỏ vẫn là vấn đề tồn tại lâu nay, do tài sản đảm bảo của DN thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho vay. Dòng tiền “tự thân” của các DN cũng nhỏ và không ổn định khiến các DN cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn.

“Ngay cả đối với các DN không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không còn hạn mức tăng trưởng room tín dụng để cho DN vay” - báo cáo của Ban IV nêu rõ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất rất quyết tâm nhưng đến khi giải ngân lại chậm? Phía NHNN cho biết có một số nguyên nhân dẫn tới chính sách chậm triển khai là: khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay, như nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ… và nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.

Tháo gỡ rào cản

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, việc NHNN khi hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính phủ nhưng vẫn giữ nguyên các quy định cho vay thông thường thì rất khó để các đối tượng cần hỗ trợ đáp ứng được.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, NHNN cần có chính sách riêng để đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Chẳng hạn, nên quy định cho phép các DN nếu không có tài sản thế chấp thì có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng 1 năm.

Trong cuộc họp mới nhất giữa Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với NHNN và các NHTM, Phó Thủ tướng đã đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Phó Thủ tướng đề nghị NHNN phải chủ động nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện các khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có các giải pháp khắc phục theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. “Ngay trong tuần sau, NHNN phải tổ chức hội nghị để tiếp thu ý kiến phản ánh của các ngân hàng thương mại, các bộ ngành liên quan, phối hợp cử cán bộ tham dự để hướng dẫn, giải thích cho các tổ chức tín dụng” – Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao NHNN sớm thành lập một số đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan) để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Trong khi đó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các ngân hàng chủ động tiếp cận khách hàng, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách; Giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo theo quy định; đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách.

Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng cân đối nguồn vốn, đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN.

H.Hương – Y.Thanh