Ngăn chặn bạo lực học đường: Đừng nói suông
Liên tiếp các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường xảy ra thời gian gần đây tiếp tục đặt “báo động đỏ” cho phụ huynh, nhà trường và xã hội về việc giải quyết triệt để “ung nhọt” này của ngành giáo dục.
Bạo lực học đường lại “nóng”
Mới đây nhất, liên quan vụ việc xuất hiện clip nữ học sinh lớp 6 trường THCS Biên Giang (quận Hà Đông, TP Hà Nội) bị đánh hội đồng, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hà Đông cho biết, đơn vị này đã báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND quận Hà Đông về vụ việc.
Thông tin với phóng viên, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, ngay trong sáng ngày 20/8, Phòng GD&ĐT đã cử cán bộ cùng Ban Giám hiệu trường THCS Biên Giang, giáo viên chủ nhiệm đến thăm hỏi và động viên em học sinh bị đánh, hiện sức khỏe và tâm lý của học sinh này đã ổn định.
Trước đó, vào chiều ngày 19/8, xuất hiện trên mạng xã hội một đoạn clip ghi lại cảnh một nữ học sinh mặc áo đồng phục đang quỳ gối, chắp tay van xin những học sinh khác cao lớn hơn. Dù cho đã quỳ gối, van xin nhưng nhiều học sinh nữ vẫn vây quanh, dùng tay tát, túm tóc và dùng chân đạp vào mặt em học sinh. Không những vậy, còn liên tục buông lời lẽ thô tục, chửi bới và lao vào xé áo nữ sinh này. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do mâu thuẫn xảy ra từ lâu, khi còn học tiểu học. Trong khi nữ sinh này bị hành hung, một số học sinh đã dùng điện thoại ghi lại và tung lên mạng. Sự kiện nhanh chóng đã được chia sẻ rộng rãi và dấy lên sự bức xúc trong dư luận khi những học sinh tham gia vào vụ hành hung chỉ mới học lớp 7, 8.
Trước đó không lâu, ngày 9/8, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nam sinh lớp 9 (ở Hà Tĩnh) bị một nhóm thanh niên đang học lớp 9 và lớp 10 chặn lại và đánh hội đồng. Mặc dù nạn nhân đã nằm xuống giữa đường và co người lại van xin nhưng nhóm thanh thiếu niên gồm 6 người này vẫn không dừng lại, tiếp tục đá, đạp, giẫm vào người, thậm chí dùng mũ bảo hiểm đánh mạnh vào người nạn nhân... Do bị bạn đánh hội đồng nên nạn nhân chỉ biết nằm dưới đường ôm đầu chịu trận.
Phải sau 3 ngày kể từ khi con trai bị đánh hội đồng, gia đình mới phát hiện và trình báo lên cơ quan công an đồng thời đưa nam sinh này đi thăm khám. Tại cơ quan công an, nhóm học sinh này khai nguyên nhân dẫn đến sự việc trên xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Hay như cuối tháng 6 vừa qua, một nữ sinh lớp 8 học tại trường cấp 2 xã Bàu Cạn (huyện Long Thành, Đồng Nai) trên đường đi chụp hình, khi đến lô cao su thuộc xã Bàu Cạn thì gặp nhóm nữ sinh thuộc địa bàn xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch rồi xảy ra mâu thuẫn. Nhóm nữ sinh đông người từ xã Long Thọ đã đánh hội đồng nữ sinh lớp 8 ở xã Bàu Cạn.
Theo đoạn clip kéo dài hơn 3 phút ghi lại, một nhóm có ít nhất 3 nữ sinh đã liên tục dùng tay, chân, mũ bảo hiểm đánh hội đồng vào vùng đầu, vùng bụng của một nữ sinh mặc áo màu đen kèm theo nhiều tiếng chửi tục và trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Không thể giải quyết phần ngọn
Những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường xảy ra đã không còn là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên cho đến hiện tại, đây vẫn là tình trạng nhức nhối, đặt ra nhiều câu hỏi cho phụ huynh, nhà trường, ngành Giáo dục và toàn xã hội.
Có con gái cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường, chị Kiều Thị Thảo (xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) cho biết bản thân chị cũng rất ám ảnh mỗi khi con kể bị bạn bè bắt nạt. “Do cháu không được bình thường nên đến lớp thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Bây giờ dù đã lên lớp 7 nhưng tính cách vẫn như trẻ con, tiếp thu kiến thức chậm. Cũng nhiều lần vì vậy mà các bạn thường xuyên túm tụm lại bắt nạt con bé vì nó không thể kháng cự” - chị Thảo chua xót kể.
Nhiều lần về nhà con khóc và kể chuyện, chị Thảo mới quyết định đến gặp giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường để tìm phương án giải quyết. “Tâm lí của các con trong giai đoạn dậy thì có nhiều biến đổi, do đó cũng không thể nào trách móc hay dùng sự đe dọa với chúng. Thay vào đó, phụ huynh nên là những người bình tĩnh nhất, phối hợp cùng nhà trường để giải quyết và giáo dục lại các em” - chị Thảo đề xuất.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Khánh - giáo viên THPT tại quận Cầu Giấy khẳng định, sau nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục, khó có thể khẳng định sẽ hoàn toàn đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường. Thay vào đó, nhà trường cần thiết lập một cơ chế, quy trình giải quyết mỗi khi có bạo lực học đường xảy ra. Sau mỗi vụ việc sẽ tự rút ra kinh nghiệm, bài học để xử lí và phòng, tránh.
“Sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, xử lí bạo lực học đường là vô cùng quan trọng. Trước hết gia đình cần là nơi an toàn, sẵn sàng lắng nghe và phát hiện những dấu hiệu bất thường từ các em để có thể tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự việc, phân tích đúng sai để có giải pháp hợp tình, hợp lý. Về phía nhà trường, chúng tôi luôn có những biện pháp xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn. Cần lấy giáo dục đạo đức, những giá trị tốt đẹp, nhân văn, giáo dục cách ứng xử văn minh, giải quyết vấn đề khi gặp mâu thuẫn cho các em mới là điều quan trọng”, bà Khánh cho hay.
Ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng - Khoa học Công nghệ (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, đối với vấn đề bạo lực học đường và xâm hại trẻ em, nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng. Vai trò này thể hiện ở nhiều hoạt động từ phòng ngừa, can thiệp sớm cho đến can thiệp trong trường hợp các em bị bạo lực, xâm hại. Thời gian qua các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường liên tiếp xảy ra tiếp tục báo động đến nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này. Nhà trường cũng cần sự quan sát ngay từ khi học sinh bước chân vào trường. Để bất cứ khi nào học sinh có những biểu hiện lạ, chúng ta sẽ có những phương án tiếp cận tâm lí, tìm hiểu nguyên nhân…
Luật sư Nguyễn Tùng Thư - Giám đốc Công ty Luật TNHH CTM:
Hành động bồng bột của tuổi trẻ nhưng gây tổn hại nghiêm trọng
Hành vi bạo lực học đường có thể diễn ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở các cấp độ khác nhau. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi bạo lực sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý khác nhau đối với học sinh. Ở mức độ nhẹ, học sinh có hành vi bạo lực có thể bị xử lý kỷ luật theo quy chế, quy định của nhà trường như: Hạ bậc hạnh kiểm, buộc thôi học,… Ở mức độ nặng thì học sinh có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, kèm theo đó là nghĩa vụ dân sự đối với nạn nhân.
Hành động bồng bột của tuổi trẻ nhưng lại gây tổn hại nghiêm trọng về mặt sức khỏe, tinh thần tới người bị hại. Theo Khoản 1, Điều 5, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về đối tượng xử phạt vi phạm hành chính, quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.
Về trách nhiệm hình sự, những học sinh đủ 16 tuổi trở lên thực hiện hành vi bạo lực học đường gây hậu quả lớn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Bên cạnh đó, học sinh thực hiện hành vi bạo lực cũng có thể phạm vào tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật này.
Bên cạnh trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự như đã nói ở trên, hành vi bạo lực ở mức độ nghiêm trọng còn có thể làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại dân sự cho nạn nhân.
Chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Cha mẹ phải luôn đồng hành cùng con
Trên hành trình tuổi teen có bốn giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn từ 9 tuổi đến 23 tuổi. Đây là học sinh cuối tiểu học và THCS, các em khi chia xa tuổi thơ coi gia đình thứ hai chính là bạn bè cùng trang lứa. Tâm lý thích nổi trội để khẳng định bản thân nên tình trạng bạo lực thể hiện dưới 5 hình thức: trêu chọc, cô lập, lan tin đồn, bắt nạt và băng nhóm. Đối tượng bắt nạt thường tìm đến những bạn bị cô lập và tỏ ra nhút nhát, hoặc có sự mâu thuẫn về sự phát triển khác biệt như các em thường nói: “Nhìn bạn ngứa mắt” chẳng hạn. Hơn thế những hành vi bắt nạt hay bạo lực thường xuất phát từ những nguyên nhân khác như các em có thể trêu ghẹo hay nói xấu nhau.
Hành vi xung đột là khó tránh được ở độ tuổi này và để kiểm soát tình trạng trên, trước tiên cha mẹ trong cả một hành trình cùng con nên người cần tìm cách dịch chuyển theo sự phát triển của con và chia sẻ giúp con hiểu về cách tương tác với bạn bè để tránh xung đột. Cha mẹ cũng cần quan sát những biểu hiện và dấu hiệu bị bắt nạt để giúp con gỡ rối.
Về phía nhà trường cần giáo dục học sinh ở độ tuổi này về tránh xung đột qua các bài tập tình huống đầu năm học như những buổi thảo luận mở dưới dạng trò chơi về 5 hình thức bạo lực thường dễ xảy ra để giúp các em nhận thức hành vi của mình chính là bạo lực với bạn. Từ những buổi thảo luận các con sẽ xây dựng được các chuẩn mực trong cách ứng xử với bạn bè của mình để phòng tránh hiệu quả.
Nguyễn Hoài(ghi)