Trước hết phải từ người thầy
Hôm qua (22/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”. Hội nghị được tổ chức khi năm học mới đã đến rất gần, cho thấy văn hóa học đường sẽ là nhiệm vụ lớn được coi trọng trong thời gian tới. Đồng thời, hội nghị cũng nhằm củng cố các giải pháp xây dựng văn hóa trong trường học nói chung, trong đó có nạn bạo lực học đường.
Trước đó, ngày 1/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; nhấn mạnh học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cùng vào cuộc với các nhiệm vụ cụ thể để chung tay xây dựng văn hóa học đường.
Văn hóa học đường là hệ thống các chuẩn mực, giá trị, từ cán bộ quản lý giáo dục đến giáo viên và học sinh, sinh viên. Xây dựng văn hóa học đường là yếu tố quan trọng trong việc chuẩn bị cho đất nước những thế hệ công dân có phẩm chất đạo đức trong sáng; biết ứng xử, hành động theo lẽ phải, nhân văn.
Văn hóa trong mỗi con người được hình thành là một quá trình bền bỉ dài lâu, để biến nó thành điều tự thân trong mỗi con người. Văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng, văn hóa xã hội... trong đó văn hóa học đường, hết sức quan trọng vì nó được bồi bổ trong suốt quãng đời niên thiếu và cả trước ngưỡng cửa cuộc đời của mỗi một con người.
Đáng tiếc thời gian qua văn hóa học đường có nhiều biểu hiện lệch lạc khi mà giá trị cốt lõi ít được đề cao, như việc chạy theo điểm số, thành tích. Ở đây, xin được nói đến vai trò và trách nhiệm của nhà giáo, những người trực tiếp tiếp xúc, dạy bảo học sinh, sinh viên. Là tấm gương để người học noi theo, vì thế nếu “gương mờ” thì thật tai họa.
Đại bộ phận nhà giáo có phẩm chất tốt, gương mẫu, biết giữ mình trong trường học cũng như cuộc sống nói chung; nhưng cũng có một số ít giáo viên đã không làm được điều ấy, tác động xấu đến thanh danh nhà giáo cũng như ảnh hưởng xấu tới môi trường học đường. Rõ nhất là việc thương mại hóa trường học, bằng nhiều hình thức ép học sinh học thêm. Những em nào không nộp tiền học thêm thì bị trù dập, chì chiết, kể cả đánh tụt điểm. Xã hội bức xúc chuyện dạy thêm, lại còn nhức nhối hơn với tệ nạn “mua bằng, bán điểm”. Hình ảnh người thầy trở nên xấu xí khi đã quên mất mình là nhà giáo dạy người khác sống tốt, sống tử tế vì họ đã bị “những viên đạn tiền” xuyên thủng.
Gần đây mạng xã hội xôn xao chuyện “lòng xào dưa” từ những tin nhắn qua lại của một cô giáo, về chuyện ngoại tình; đến độ chính quyền địa phương phải vào cuộc xử lý. Đấy không phải là “chuyện riêng” mà đã vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, và trên hết nó là tấm gương xấu khi người đó là giáo viên, vì họ còn phải làm gương, phải dạy cho các thế hệ học sinh biết hướng tới những điều tốt đẹp, cao cả trong cuộc sống. Trong đó phải biết gìn giữ những giá trị gia đình.
Một số ý kiến cho rằng giáo viên cũng là người, họ cũng gặp phải những phức tạp của cuộc sống, nên những sai phạm của họ cũng cần được thể tất. Điều đó không sai, nhưng câu chuyện ở đây là đặc trưng nghề nghiệp, cái nghề được ví như lề của tờ giấy, “giấy rách phải giữ lấy lề”. Học đường bao giờ cũng là nơi tươi tắn nhất, là nơi mọi hành vi ứng xử phải chuẩn mực, nhân ái - đặc biệt là từ phía nhà giáo. Khi đã chọn nghề “gõ đầu trẻ” thì đương nhiên phải sống thanh cao vì cả xã hội nhìn vào, học trò nhìn thầy cô học theo để nên người.
Trở lại vấn đề văn hóa học đường, muốn xây dựng được thì cần sự chung tay của toàn xã hội. Nhưng trước hết và trên hết, điều đó cần phải đến từ người làm thầy.