Ma trận thông tin 'việc nhẹ lương cao' - Bài 2: Mạnh tay với những trò dụ dỗ
Thời gian gần đây, tình trạng môi giới đưa người sang Campuchia để lao động "chui" hoạt động sôi nổi tại các hội nhóm trên mạng xã hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và để lại nhiều hệ lụy.
Nhiều người sập bẫy
Mới đây nhất, ngày 21/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã giải cứu một thiếu nữ 16 tuổi cả tin sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao". Theo đó, trong quá trình làm công nhân ở công ty giày da tại tỉnh Bình Dương, Y Liên quen người đàn ông có tài khoản mạng xã hội Facebook là Lê Ngọc Nhất. Người này dụ dỗ Liên sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” và hứa hẹn nếu sang đó không làm được, thì Nhất sẽ chi trả tiền để Liên bắt xe về Việt Nam.
Ngày 18/4, Nhất đưa Liên cùng 5 người khác sang Campuchia bằng đường mòn biên giới tỉnh Long An. Sau đó, người này bán Liên cho công ty đầu tiên với giá 1.800 USD. Sau đó, Liên tiếp tục bị bán cho 4 công ty khác.
Vì áp lực công việc, không đáp ứng được nên Liên muốn xin nghỉ để về Việt Nam. Tuy nhiên, công ty bắt Liên phải nộp 3.500 USD hoặc dụ dỗ đưa 3-5 người khác sang thay thế thì mới được về.
Hay gần đây, vụ việc hơn 40 người trốn khỏi Casino bên Campuchia bơi qua sông về Việt Nam cũng khiến dư luận xôn xao. Chiều 20/8, liên quan vụ việc này, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng là Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi), cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang về hành vi "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép".
Trước đó, ngày 18/8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21 đóng quân địa bàn khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang phát hiện, tạm giữ 40 người gồm 35 nam, 5 nữ (tất cả đều chưa xác định được nhân thân) từ Casino Rich World (thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) đối diện Chốt 21 bơi sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Liên tiếp các vụ việc nạn nhân sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là lừa bán để bóc lột sức lao động, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trên các hội nhóm việc làm, tình trạng môi giới, cò mồi việc làm sang nước bạn vẫn hoạt động rầm rộ.
Bộ Công an mới đây đã đưa ra các cảnh báo. Theo đó, sau khi bị lừa qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, bán sang cơ sở khác nhau.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.
Cần mạnh tay
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, trước hết với hành vi môi giới người đi nước ngoài trái phép là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Khoản 6 Điều 4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 nghiêm cấm: Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.
Đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Tại điểm đ khoản 7 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép. Trong trường hợp người nước ngoài phạm tội sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất theo điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Như vậy, khi cá nhân có hành vi môi giới xuất cảnh sang Campuchia trái phép sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, người nước ngoài sẽ bị áp dụng hình thức trục xuất; Mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, người có hành vi môi giới xuất cảnh sang Campuchia trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép theo quy định tại Điều 348 Bộ Luật Hình sự. Theo quy định tại điều luật, tùy từng trường hợp phạm tội, tương ứng với các tình tiết tăng nặng, hình phạt nặng nhất đối với hành vi này có thể lên đến 15 năm tù.
Từ các vụ việc bị phát hiện và triệt phá gần đây, theo Luật sư, người dân cần cẩn trọng hơn với các thông tin mình tiếp cận, cảnh giác cao với các thông tin có dấu hiệu phạm tội như trên để tránh những hệ quả nguy hiểm xảy đến với mình khi sa vào bẫy các hoạt động môi giới trái phép này.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, mọi người cần phải được tuyên truyền và giáo dục về các hoạt động phi pháp và tiềm ẩn nhiều rủi ro này. Bởi khi xảy ra rủi ro thì không được pháp luật bảo hộ, phần thiệt sẽ chỉ thuộc về mình.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lí những vụ việc liên quan hoạt động này. Ngoài ra, người dân khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.