Đầu tư vào đâu sinh lời và an toàn?
Có lẽ đây là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đang đặt ra ở thời điểm này, khi mà kênh chứng khoán đã đẩy nhiều người “xa bờ”, kênh trái phiếu doanh nghiệp khiến nhiều nhà đầu tư phải lo lắng. Vậy giai đoạn nước rút 4 tháng cuối năm, đầu tư vào lĩnh vực gì an toàn mà lại sinh lời?
Chứng khoán đầy khốc liệt
Nhà đầu tư chứng khoán đã trải qua quãng thời gian hơn 3 tháng với sự thất vọng nặng nề khi chỉ số VN- Index biến động khôn lường. Từ mức đỉnh xác lập hôm 4/4/2022, VN-Index đến thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 20%.
Một số “chứng sĩ” (nhà đầu tư trên sàn chứng khoán) đã tâm sự rằng, có lúc tài khoản bay 50%, nếu như tài khoản đầu tư chứng khoán đầu năm 1 tỷ đồng thì thời điểm hiện tại còn 500 triệu đồng, một số nhà đầu tư đỡ thê thảm hơn khi đầu tư 800 triệu đồng giờ chỉ còn 500 triệu đồng. Điều này có nghĩa, đa số người chơi chứng khoán bị “bốc hơi” 30 – 50% giá trị tài khoản.
Anh N.N.N (Hà Nội) mở tài khoản chứng khoán thời điểm cuối năm 2021 đến nay cũng chia sẻ, chỉ mong VN- Index hồi sinh để gỡ được phần lỗ.
Đáng buồn là, câu chuyện chứng khoán tăng hay giảm điểm trong thời gian tới không ai dám khẳng định. Sự thận trọng của nhà đầu tư khi bỏ tiền vào thị trường chứng khoán đã gia tăng so với thời gian trước đó.
Ở góc nhìn dài hạn, một số công ty chứng khoán cũng như giới đầu tư chuyên nghiệp cho rằng thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng đầu tư hợp lý.
Trong khi đó thị trường bất động sản không khá hơn, khi dòng vốn đang là vấn đề vô cùng nhức nhối. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT RB Group, các doanh nghiệp phát triển bất động sản, đơn vị tư vấn và cả khách hàng cá nhân đều gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang thiếu vốn đầu vào, vốn để phát triển dự án, trong khi có tới khoảng 98.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào cuối năm của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng khó, do khách hàng khó vay được vốn, ngân hàng có tâm lý chờ đợi... Khi thị trường có thông tin tiêu cực như siết tín dụng, siết phân lô, siết thuế giao dịch, nhà đầu tư lại dò xét xem thị trường biến động ra sao. Dòng vốn đang tắc sẽ rất khó để thị trường khởi sắc và dự báo sẽ vẫn còn khó khăn trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu, cuộc đua tăng lãi suất ngày càng gay gắt, những dự báo về đình lạm của các nền kinh tế được đưa ra ngày một nhiều..., thì triển vọng của thị trường chứng khoán, bất động sản Việt Nam 6 tháng cuối năm không mấy sáng sủa.
Lựa chọn “món hợp khẩu vị”
Có thể thấy, 6 tháng đầu năm nay, kênh sinh lời tốt nhất là gửi tiết kiệm, còn các kênh đầu tư khác hầu hết đều thua lỗ. Dữ liệu từ Ngân hàng nhà nước cũng cho thấy, tiền gửi cá nhân tăng mạnh. Thị trường chứng khoán giảm sâu thời gian qua đã giúp nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là F0 hiểu rằng, đầu tư là công việc nghiêm túc, kiếm được tiền đã khó mà giữ được còn khó hơn gấp vạn lần.
Chị T.M.P (Thái Hà – Hà Nội) chia sẻ, chị có 500 triệu đồng để gửi tiết kiệm ngân hàng, tiền lãi hàng tháng chị dành để đóng học cho con. Dù tiền lãi không nhiều nhưng khi nhìn sang bạn bè, đồng nghiệp, ai chơi chứng khoán cũng lỗ thì chị khẳng định “gửi tiết kiệm cho lành”.
Lời khuyên cho lựa chọn kênh đầu tư 6 tháng cuối năm của các chuyên gia lại rất khác nhau. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, “tiền mặt là vua”, ai giữ càng nhiều tiền mặt càng có lợi thế và gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt. Thị trường chứng khoán sẽ lình xình đi ngang. Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa thể nóng trở lại do bị siết tín dụng, siết trái phiếu doanh nghiệp, nguy cơ bị đánh thuế căn nhà thứ hai...
Theo quan điểm của giới chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, nhà đầu tư cần phải xác định chính xác lĩnh vực đầu tư, lựa chọn kênh có mức độ rủi ro ít nhất, tuyệt đối không “bỏ trứng vào một giỏ” mới có cơ hội tạo cho đồng vốn sinh lời.
Theo chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, với tâm lý “ăn chắc mặc bền” nên người dân lâu nay vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm là kênh trú ẩn an toàn nhất. Mặc dù không phải là kênh sinh lời lớn, song đây là kênh không tiềm ẩn những rủi ro nhiều như vàng hay bất động sản, chứng khoán…
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, các kênh như chứng khoán, vàng vẫn đang có những ảnh hưởng bởi biến động kinh tế thế giới do đó, gửi tiết kiệm sẽ là kênh đảm bảo an toàn nhất cho nhà đầu tư.