Thủ tục hỗ trợ vốn... kìm doanh nghiệp
Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được thông qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất nhưng hiện rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn. Nguyên nhân được cho là thủ tục vay vốn quá chặt chẽ, nhiêu khê. Điều này khiến cho chủ trương hầu như chỉ có ý nghĩa trên giấy...
Ông Huỳnh Văn Minh - thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế TPHCM cho biết, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội 350 nghìn tỷ đồng của Quốc hội, DN khó tiếp cận do vướng nhiều thủ tục pháp lý. Cụ thể như các DN quy mô nhỏ lẻ, thiếu hụt nguồn vốn sau đại dịch, tài sản không đủ để làm thủ tục thế chấp; không đủ kiến thức, kinh nghiệm xây dựng các phương án kinh doanh, đề án thu hút nguồn vốn; DN phải được kiểm toán hàng năm. “Các thủ tục pháp lý quá khắt khe nên hầu hết các DN khó lòng vay được” - ông Minh nói.
Theo ông Đỗ Long - Tổng giám đốc Công ty Bitas, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ DN trên, nhưng đến nay đã qua 6 tháng mới có 1% được giải ngân. Con số này chứng tỏ thủ tục vay vốn là cực kỳ khó khăn. “Từ nay đến cuối năm cũng chưa thấy có dấu hiệu nào được cải thiện” - ông Long nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Hải Châu - Tổng giám đốc tập đoàn Chu Việt cho rằng, sau hơn 2 năm đại dịch, hiện các DN đã phục hồi rất ít, đa phần họ rơi vào tình trạng kiệt quệ, nợ ngân hàng rơi vào nợ xấu. Ông Châu đặt vấn đề, với thực trạng như hiện nay, có nên áp dụng quy định về nợ xấu, bởi quy định đó có khác nào “trói” người vay không thể vay tiếp để hoạt động. Ông Châu đánh giá, sau khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 01 và 03 cho DN giãn nợ 6 tháng. Quy định này cũng chưa được thông thoáng, chưa phù hợp với thực tế, vì thời gian 6 tháng là quá ít để các DN phục hồi.
Đề cập đến giải pháp tức thời, ông Đỗ Long đề nghị: “Nếu không đưa trực tiếp vốn vay cho DN, cần điều chỉnh vay lãi suất, kéo dài đáo hạn cho DN đã vay. Đây là cách phù hợp để hỗ trợ DN tốt nhất hiện nay”. Trong khi đó, ông Lê Hải Châu mong muốn, Nhà nước và ngân hàng cần linh động và cho đây là trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch họa theo đúng nghĩa đen nên cần tạo điều kiện cho người vay “nuôi nợ” để người vay có điều kiện hoạt động trả nợ cho ngân hàng.
Ông Huỳnh Văn Minh kiến nghị, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để lãnh đạo chính quyền, các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó có hướng giải quyết, ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ cho DN.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần cải cách, cắt bỏ những điều kiện, quy định bất hợp lý mới có thể thúc đẩy kinh doanh và khởi nghiệp. Ông Hậu đánh giá, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lớn nhất từ trước tới nay với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023, trong đó hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh là 110 nghìn tỷ đồng. Đây được coi là cơ hội giúp các DN hồi sinh.
Cũng theo ông Hậu, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% để giảm gánh nặng chi phí cho DN là động thái kịp thời và thiết thực đối với DN. Cùng với đó, việc sẵn sàng thực hiện hỗ tợ lãi suất cho vay 2% cũng là điều kiện tốt để nhân lên niềm tin, khởi nghiệp kinh doanh của cộng đồng.
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Đình Anh - Chủ một DN sản xuất hàng tiêu dùng tại Bình Dương cũng kiến nghị, cần sớm có các biện pháp bình ổn giá xăng dầu, vì nguyên vật liệu là đầu vào của các ngành sản xuất; đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không đứt gãy, gián đoạn. Giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá gói thầu xây dựng tăng từ 18-30% theo từng thời điểm; chi phí logistics tăng từ 3-5 lần. Mức độ tăng về chi phí của DN cao hơn mức độ tăng về doanh thu trong quý 2/2022 so với quý trước đó và cùng kỳ năm trước.