Khơi thông dòng chảy vốn ngân hàng

THANH GIANG 24/08/2022 12:00

Mặc dù nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19, song nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đang bị thiếu vốn trầm trọng. Việc thiếu vốn đầu tư ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi 2% của ngân hàng. Ảnh: NGỌC THẮNG

Nguy cơ “ngộp thở” vì thiếu vốn

Bà Phạm Phương Anh - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt phân trần, nhiều DN du lịch không thể vay vốn sản xuất kinh doanh do không có tài sản thế chấp. Không chỉ vậy DN chứng minh được dòng tiền và lịch sử tín dụng cũng “bó tay” với vốn ngân hàng.

Là chủ đầu tư hệ thống xe buýt 2 tầng, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Anh Việt Hop on - Hop off Việt Nam muốn vay vốn để tăng thêm xe đáp ứng nhu cầu khách du lịch đang phục hồi trở lại. Tuy nhiên, đơn vị gặp khó vì những quy định ràng buộc, rất cần vốn làm đòn bẩy để vực dậy, nhưng khó tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, ngành du lịch đang có sự phục hồi tốt sau dịch bệnh nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động. Đặc biệt, nhóm DN lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến nhưng chưa đảm bảo điều kiện vay vốn với nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản tín chấp.

Đối với ngành thủy sản xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, tín dụng đang bị siết chặt, trong khi lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm. Nguy cơ DN chế biến và xuất khẩu sẽ có hàng tồn kho, không thể trả tiền ngay cho ngân hàng và cũng không thể vay khoản mới để thu mua nguyên liệu.

Tương tự, từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản bị thắt chặt dòng vốn. Trước đây, chỉ chủ đầu tư bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhưng đến nay cá nhân mua nhà cũng chật vật với vốn ngân hàng. Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, nguồn vốn tín dụng có vị trí rất quan trọng là “bà đỡ” để thực hiện dự án. Nhưng hiện nay các ngân hàng thương mại đang có xu hướng siết tín dụng đối với bất động sản. Nếu Nhà nước siết cả tín dụng và trái phiếu DN sẽ đứt gẫy dòng vốn đầu tư, thậm chí nhiều DN có nguy cơ “ngộp thở”, nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm. “Trường hợp, thị trường bất động sản bị đình đốn, suy thoái có thể kéo theo sự suy thoái của cả nền kinh tế vì bất động sản có liên quan mật thiết đến hơn 35 ngành nghề - lĩnh vực, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động. Ngoài ra, có thể tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho tầng lớp người yếu thế trong xã hội” - ông Châu nhấn mạnh.

Sớm giải cơn “khát vốn”

HoREA đề nghị, không vì một số ít DN có sai phạm, vi phạm pháp luật mà siết quá chặt, siết quá đà, siết DN làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật” đang chiếm đa số trong nền kinh tế. Ông Châu mong muốn, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và nắn dòng vốn tín dụng chứ không nên siết. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với các chủ đầu tư có uy tín và dự án có tính khả thi và cho các cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở, xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Đề cập đến nguồn vốn, lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho rằng, để chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đến được DN, rất mong các ngân hàng thương mại cùng xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng DN du lịch. Đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch; các hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, giao dịch du lịch; hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng du lịch.

Trả lời thắc mắc về nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cho cộng đồng DN, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, trong thời gian còn lại của năm 2022 và các năm tiếp theo, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ DN. Đồng thời, nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho DN thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình trạng DN vẫn chưa tiếp cận được dòng vốn ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đã gửi văn bản cho các ngân hàng thương mại về việc tăng cường cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%. Trường hợp, DN đủ điều kiện thì cần hỗ trợ làm thủ tục theo quy định.

Riêng với nguồn vốn cho DN du lịch, Ngân hàng sẽ tiếp tục công tác phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các đơn vị du lịch gặp khó khăn vướng mắc liên quan lĩnh vực ngân hàng phản ánh về Sở Du lịch. Sở Du lịch TPHCM làm đầu mối tổng hợp phản ánh về Ngân hàng Nhà nước thành phố, để ngành ngân hàng cùng phối hợp hỗ trợ tháo gỡ.

THANH GIANG