Ứng phó với động đất liên tiếp khu vực tỉnh Kon Tum
Theo Viện Vật lý địa cầu từ chiều 23/8 đến sáng 24/8, ở huyện Kon Plông – tỉnh Kon Tum xảy ra 12 trận động đất gây dư chấn dao động 2,5-4,7 độ richter.
Trước tình hình đó, chiều ngày 24/8 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã họp để tìm hiểu về nguyên nhân, diễn biến động đất và công tác chỉ đạo ứng phó với động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Theo tài liệu báo cáo tại cuộc họp cho biết, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn này đã xảy ra hơn 260 trận động đất. Trận động đất độ lớn 4,7 vào hồi 14h8’ ngày 23/8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plong và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng). Động đất đã làm hư hại mái ngói của 1 nhà tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ghi nhận thiệt hại.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Thế Truyền – Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng động đất xảy ra thường xuyên ở huyện Kon Plông (Kon Tum) và xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ là do động đất kích thích từ hồ chứa.
Để ứng phó với động đất, Viện Vật lý địa cầu đã tiến hành lắp đặt 3 trạm quan sát động đất tại khu vực huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), Tu Mơ Rông (Kon Tum) và Trạm biến áp thuộc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum (Kon Tum). Hiện 3 trạm quan sát động đất này đã cung cấp số liệu, thông tin về các dư chấn động đất tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Và đang tiến hành thiết lập bổ sung mới 5 trạm quan sát động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, dự kiến hoàn thành 3 trạm trước 2/9/2022.
Đồng thời, để chủ động ứng phó với động đất, Viện Vật lý địa cầu cũng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum và UBND huyện Kon Plông làm cơ quan đầu mối phối hợp với Viện Vật lý địa cầu xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thảo tuyên truyền về động đất cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan tại tỉnh.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đề nghị cần nhanh chóng lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất. Yêu cầu các đơn vị cần đánh giá nguyên nhân, xem xét việc tích nước ở các hồ đập thủy điện ở Kon Tum, liệu có liên quan đến động đất như thế nào.
Ông Trần Quang Hoài cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần đặc biệt lưu ý và đánh giá mức độ và đưa ra các phương án ứng phó khi cường độ động đất có thể lên đến 5,5 độ richter. Rà soát toàn bộ các công trình trong khu vực 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đặc biệt chú ý đến an toàn công trình nhà ở, các công trình công cộng, đảm bảo các hồ chứa thủy lợi thủy điện.
Đồng thời các bộ, ngành, các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam triển khai nghiêm túc Công điện số 750/CĐ-TTg ngày 23/8/2022 và văn bản số 2502/VPCP-NN ngày 21/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về ứng phó với động đất khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, trong đó lưu ý việc tổ chức theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó, tránh gây hoang mang trong nhân dân; rà soát, tổng hợp các tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền ứng phó với động đất, gửi Ban Chỉ huy PCTT, TKCN các tỉnh ngay trong ngày 24/8/2022; kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.