Cần cơ chế giữ chân và thu hút y, bác sĩ
Hàng loạt tồn tại, hạn chế và các giải pháp của ngành Y đã được nêu ra tại hội nghị trực tuyến của ngành được tổ chức mới đây. Trong đó, một trong những vấn đề nổi bật là làm gì để hạn chế tình trạng y bác sĩ thôi hoặc bỏ việc.
Cả nước có gần 9.400 nhân viên y tế thôi việc
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nước ta là nước đang phát triển với thu nhập trung bình thấp, nhu cầu khám chữa bệnh cao. Trung bình chi phí khám chữa bệnh những năm trước đây có 70% liên quan đến thuốc, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Mấy năm gần đây rút xuống còn khoảng 60%, trong đó máy móc phải là tốt nhất, thuốc tốt, thiết bị, vật tư cũng chất lượng cao. Riêng về thuốc, có tới hơn 90% là nhập từ bên ngoài. Mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam tính trung bình một người (người dân, người nghèo, người mua bảo hiểm theo hộ) là 1 triệu đồng/người/năm, không bằng 1/10-1/30 của các nước phát triển.
Muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhiên viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó.
Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ. Chúng ta cũng phải tăng đầu tư ngân sách. Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua bảo hiểm y tế thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của ngân sách Nhà nước, cần phải tăng mức này. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhân viên y tế do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Trong khi đó lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở (các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách Nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp), mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo. Thực hiện chi trả các phụ cấp phòng, chống dịch cho nhân viên y tế còn chậm hoặc chi trả không đầy đủ tại một số địa phương. Bên cạnh đó là các yếu tố như môi trường làm việc có nơi, có lúc còn hạn chế; thiếu vật tư, thiết bị cần thiết thực hiện hoạt động chuyên môn; sức thu hút cao từ các cơ sở y tế tư nhân… Đặc biệt, do tác động tiêu cực của một số vụ việc vi phạm pháp luật thời gian qua trong mua sắm, đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại, lo lắng, hoang mang, nhụt chí của một bộ phận viên chức y tế. Từ đó dẫn đến xu hướng dịch chuyển nguồn nhân lực từ công sang tư, thôi việc; lâu dài sẽ tác động đến việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của hệ thống y tế và bảo đảm công bằng của người dân khi khám, chữa bệnh.
Thực tế, làn sóng thôi việc có xu hướng tiếp tục tăng cao tại nhiều địa phương đang gây khó khăn và áp lực rất lớn lên hệ thống y tế công lập. Số liệu thống kê từ Công đoàn ngành Y tế Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, năm 2021 ngành y tế thành phố có gần 43.000 nhân sự. Tuy nhiên, gần đây dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều khó khăn phát sinh khiến số lượng nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng. PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, toàn thành phố có 891 nhân viên y tế xin thôi việc. Hầu hết người xin thôi việc đều có trình độ chuyên môn, nhiều kinh nghiệm trong hoạt động khám, chữa bệnh và công tác quản lý.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các địa phương khác trên cả nước. Tại Bình Dương, thống kê cho thấy địa phương này đang thiếu hơn 800 nhân viên y tế. Tính từ năm 2021 đến hết tháng 7/2022, tỉnh có hơn 320 nhân viên y tế thôi việc với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân lương thấp, áp lực công việc.
Còn tại Cần Thơ, theo báo cáo, 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố có 111 nhân viên y tế xin thôi việc, trong đó có 48 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 5 kỹ thuật và 24 nhân viên y tế khác. Việc này gây ảnh hưởng đến đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế chung của ngành y tế thành phố. Phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập thấp là một trong những lý do căn bản dẫn đến tình trạng này.
Áp lực cao, lương thấp
Chia sẻ về tâm tư, áp lực trong công việc, bác sĩ Lã Thị D., nhân viên y tế của một bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, không chỉ chị mà còn khá nhiều các y, bác sĩ mà chị biết đã từng nghĩ đến việc chuyển sang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân. “Lương thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người thiếu động lực làm việc, thực tế với mức lương hiện nay, rất nhiều nhân viên y tế không thể gánh chịu được chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, rất nhiều người trong số chúng tôi làm việc trong môi trường y tế không an toàn, những vụ việc hành hung y bác sĩ có thể đến bất cứ lúc nào, với bất cứ thầy thuốc nào, thực tế, có rất nhiều vụ việc như vậy và những gì truyền thông đưa tin chỉ là số rất ít. Còn về áp lực công việc, riêng bản thân tôi cảm thấy đó chỉ chiếm một phần nhỏ, vì đã trải qua đại dịch như Covid-19, đã được rèn luyện rồi. Thế nhưng, điều tác động lên tâm lý của tôi và các đồng nghiệp là vì sao khi đi chống dịch thì anh em sẵn sàng và lên đường khẩn cấp, thế nhưng đãi ngộ và chính sách sau đó thì lại phải chờ đợi rất lâu”.
Ở một khía cạnh khác, bác sĩ Nguyễn Mạnh H., một tiến sĩ y khoa đã nghỉ việc tại bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính khiến anh thôi việc là do việc làm việc với áp lực lớn trong bối cảnh thiếu thốn trang thiết bị, vật tư. “Thực ra, thu nhập của nhân viên y tế đã thấp rồi nhưng trong và sau dịch, thu nhập của anh em còn tiếp tục giảm sút vì lượng bệnh nhân giảm sút, tuy nhiên chúng tôi vẫn có thể vượt qua để cống hiến. Thế nhưng việc thiếu hụt trang thiết bị thì khác gì bắt y bác sĩ ra chiến trường mà không có súng. Trong khi áp lực công việc của bệnh viện công là vô cùng lớn”.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến nói trên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đưa ra những kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nhân lực y tế. Cụ thể, đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Những đề xuất, kiến nghị trên được nhiều y, bác sĩ cho rằng đó là điều mà họ mong chờ từ rất lâu và vô cùng thiết thực.
PGS. TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam:
Sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi cho nhân viên y tế
Để khắc phục tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc tại các cơ sở công lập, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.
Về lâu dài, một vài giải pháp có thể thực hiện như nâng lương cán bộ y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng lực lượng vũ trang, quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm bạo hành nhân viên y tế…
Chính phủ cần có nhiều chế độ chính sách đặc biệt hỗ trợ đối với các cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, nơi xảy ra thiên tai dịch bệnh; cần có những chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực và đào tạo làm việc nhất là lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực lao phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, hồi sức cấp cứu, …
Đ. Trân(ghi)