Ngoại giao kinh tế
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Chỉ thị nêu rõ, sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư khóa X, công tác ngoại giao kinh tế đã có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngoại giao kinh tế chưa theo kịp tình hình và yêu cầu phát triển đất nước. Trong bối cảnh mới, ngoại giao kinh tế cần được chú trọng, đẩy mạnh.
Chỉ thị 15 của Trung ương nêu rõ cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế...
Tới nay, Việt Nam đã trong tốp 20 quốc gia xuất khẩu hàng đầu của thế giới. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, từ năm 2011 về trước, Việt Nam luôn nhập siêu. Năm 2011 nhập siêu tuy giảm nhưng vẫn trên 9,8 tỷ USD. Sang năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu với 114,6 triệu USD. Đây là dấu mốc rất quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế đất nước.
Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 2 năm căng thẳng vì đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt cao: Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016; tăng 6,5% so với năm 2019 (năm trước đại dịch Covid-19). Sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 4 tỷ USD.
7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn xuất siêu trong bối cảnh kinh tế thế giới lạm phát cao. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu 217,34 tỷ USD, tăng 16,6%, tương ứng tăng 30,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Có được thành công đó do nhiều nguyên nhân, khẳng định nội lực của nền kinh tế nước nhà đã được củng cố mạnh mẽ. Không những chỉ đủ sức chống chịu với những tình huống bất lợi mà còn đủ sức để vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu được nhiều hơn, chinh phục được nhiều thị trường hơn, nếu như ngoại giao kinh tế được nhận thức đầy đủ hơn nữa, chú trọng hơn nữa. Mà ở đây, vai trò của các thương vụ tại nước ngoài là rất quan trọng, khi làm chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; cung cấp thông tin về thị trường... và đặc biệt chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài. Bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia, chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Theo Bộ Công thương, hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiện nay bao gồm 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh (kể cả 2 thương vụ là Iraq và Lebanon chưa triển khai). Số thị trường kiêm nhiệm: 55; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Số thị trường kiêm nhiệm: 60. Ngoài ra, có một Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (một trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).
Như vậy, có thể thấy vai trò cũng như nhiệm vụ, trách nhiệm của hệ thống thương vụ ở nước ngoài là hết sức quan trọng trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.
Hiện tỷ trọng xuất khẩu trong nền kinh tế Việt Nam rất lớn, tuy nhiên vẫn tập trung vào thị trường truyền thống, bạn hàng truyền thống. Việc ưu tiên thị trường là đúng, nhưng việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu cũng vô cùng cần thiết khi kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thế giới trong chuỗi cung ứng toàn cầu; tiếp tục khẳng định thông điệp “là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới”.
Vì thế, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống thì chỉ với riêng thương vụ tại nước ngoài - đã đến lúc phải “lĩnh ấn tiên phong” mở mang hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam.