Thuế Thu nhập cá nhân đã lỗi thời
Có hai bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được dư luận và các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Đó là, việc tính thuế lũy tiến quá rườm rà và quy định về mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp thực tế... Người dân có cảm giác bị tận thu.
Cuộc sống vốn đã rất chật vật
Theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Trong đó, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; mức 5-10 triệu đồng 10%; mức 10-18 triệu đồng 15%; mức 18-32 triệu đồng 20%; mức 32-52 triệu đồng 25%; mức 52-80 triệu đồng 30% và từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.
Bên cạnh đó mức giảm trừ gia cảnh năm 2022 cũng được quy định rất rõ, là giảm trừ gia cảnh gồm: giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Mức giảm trừ gia cảnh năm 2022 không đổi so với năm 2021 và được thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 theo. Cụ thể: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Như vậy với cách tính hiện nay người có thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay trên 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) là đã phải nộp thuế.
Nói về thuế TNCN hiện hành, theo TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên mức cao hơn, thậm chí lên 18-20 triệu đồng/tháng, bởi khi giá cả thị trường đã tăng lên thì mức 11 triệu đồng/tháng không còn phù hợp. Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng.
Phần lớn người dân cũng tâm tư, vật giá đang bào mòn cuộc sống mà còn phải đóng thuế.
Chị Đinh Thu Hương (Long Biên, Hà Nội) đang nuôi con nhỏ chia sẻ rằng, thu nhập bình quân hàng tháng của chị gần 20 triệu đồng/tháng. Chồng chị công việc không ổn định.
“Tôi đã nộp giấy khai sinh của con để được giảm trừ gia cảnh, nhưng cuối năm quyết toán thuế tôi vẫn phải đóng hơn 3 triệu tiền thuế TNCN. Tôi thấy không hợp lý vì hàng tháng đóng tiền học cho con, tiền sinh hoạt với đủ các loại phí... đã ngốn sạch thu nhập” – chị Hương than thở.
Tương tự, anh Lưu Mạnh Hải, nhân viên kinh doanh tại một công ty dược (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, năm 2021 dịch kéo dài đã gây xáo trộn cuộc sống gia đình anh. Mặc dù trong dịch và đến thời điểm hiện tại thu nhập cá nhân của anh Hải không bị giảm, nhưng vợ là nhân viên giao dịch ngân hàng đã bị mất việc hơn 16 tháng, chưa tìm được việc mới nên không còn nguồn thu nhập. Một mình "gánh" chi tiêu cho cả gia đình trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay... thì việc khấu trừ thuế TNCN cuối năm là không công bằng.
“Thu nhập của tôi 20 triệu đồng/tháng thuộc ngưỡng phải đóng thuế, trong khi đó cuộc sống gia đình gồm vợ chồng và con cái sống bằng một nguồn thu nhập 20 triệu đồng/tháng là đã rất chật vật rồi” – anh Hải nói.
Không khó để nhận thấy rằng, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay so với thời điểm ra đời Luật Thuế TNCN đã có nhiều thay đổi, trong đó yếu tố trượt giá đã nhanh chóng làm ảnh hưởng mức chi tiêu hàng ngày của người dân. Việc lấy CPI làm thước đo điều chỉnh mức tính thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh là không phù hợp. Hiện thống kê CPI chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày người dân phải chi trả. Mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động chưa biến động kịp với CPI gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Sửa đổi càng sớm càng tốt
Đại diện của Tổng cục Thuế cho hay, ngành thuế nhận được nhiều phản ánh nên thay đổi cách tính thuế TNCN.
Theo Bộ Tài chính, Bộ đang xin ý kiến để xây dựng đề cương sửa đổi 6 luật thuế quan trọng, trong đó có Luật Thuế TNCN. Theo đó, các nội dung rà soát, đánh giá góp ý mà Bộ Tài chính đề nghị khi lấy ý kiến xây dựng đề cương sửa đổi Luật Thuế TNCN bao gồm: Đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh...
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Bộ Tài chính cũng đã có giải đáp vướng mắc liên quan đến thuế TNCN. Cơ quan này cũng cho biết cũng nhận được ý kiến phản ánh cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, biểu thuế có quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, tăng số lượng phải quyết toán thuế. Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp. Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật thuế TNCN.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nguyên tắc tính thuế theo biến động CPI hiện nay là đúng, nhưng phải căn cứ trên nguyên tắc phù hợp hơn. “Thuế TNCN bản chất là đánh thuế người khá giả một chút. Cho nên ít nhất phải có một mức sàn là trung bình thu nhập của xã hội, khi trên trung bình thì đánh thuế. Hiện nay chúng ta không căn cứ vào thu nhập tối thiểu, không căn cứ vào thu nhập bình quân của xã hội, cũng không căn cứ vào mức sống, do đó gây tranh cãi” – ông Đức nêu quan điểm.
Do vậy, theo ông Đức, muốn giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ gốc. Chẳng hạn, nếu căn cứ theo lương tối thiểu, hiện nay chúng ta đã có mức lương tối thiểu theo vùng do Nhà nước quy định, ở trung tâm Hà Nội sẽ khác với các vùng sâu, vùng xa. Thuế TNCN cũng phải có nguyên tắc xử lý tương tự. “Chẳng hạn quy định mức giảm trừ gia cảnh gấp 5 hay 7 lần lương tối thiểu thì khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu, mức giảm trừ cũng tự động được điều chỉnh theo” - ông Đức đề xuất.