Yêu cầu nghiên cứu mở rộng 2 tuyến cao tốc phía Nam

Lê Khánh 26/08/2022 10:02

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Căn cứ vào đề nghị của các địa phương và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của các địa phương TP HCM, Tiền Giang, Long An và Tập đoàn Đèo Cả về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, việc mở rộng tuyến cao tốc được các cấp chức năng và doanh nghiệp nhận định mang tính cấp thiết bởi tình trạng quá tải phương tiện hiện hữu.

Dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương có chiều dài 61,9 km, gồm 39,75 km đường cao tốc (qua TP HCM 1,15 km; Long An 28,5 km; Tiền Giang 10,1 km) và các tuyến đường nối dài 22,1 km với quy mô 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp.

Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư 9.844 tỷ đồng được thực hiện bằng vốn Ngân sách nhà nước.

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, lưu lượng trên tuyến TP HCM - Trung Lương tăng cao sau khi dừng thu phí, trung bình khoảng 51.000 lượt xe/ngày đêm. Lưu lượng tăng khiến tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra, xe dàn hàng ngang, chạy vào làn khẩn cấp,... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Đặc biệt, tuyến cao tốc cũng đang dần xuống cấp, năng lực thông hành không còn đảm bảo do nhu cầu vận tải lớn, tốc độ lưu thông hạn chế từ 60-70 km/h trong khi vận tốc thiết kế là 120km/h.

Còn đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) được thiết kế với vận tốc 80 km/h, gồm 4 làn xe hạn chế, tuyến chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp so le nhau khoảng cách thiết kế từ 4-5 km.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có lưu lượng xe giai đoạn cao điểm lên tới 30.000 lượt xe/ngày đêm.

Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, trong khoảng 3 tháng đưa vào vận hành không thu phí (từ ngày 30/4 đến ngày 3/8/2022), tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ hơn 2,2 triệu lượt xe với lưu lượng xe giai đoạn cao điểm lên tới 30.000 lượt xe/ngày đêm.

"Tuyến đường huyết mạch quan trọng của vùng ĐBSCL dù mới hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào vận hành, nhưng đã giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, đẩy nhanh sự liên thông kết nối, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực.

Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, nhu cầu phát triển KT-XH địa phương cần mở rộng quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn bao gồm 6 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp", đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chia sẻ.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với tình trạng, năng lực thông hành hiện tại của 2 tuyến cao tốc khá hạn chế so với lượng phương tiện thực tế dẫn đến chưa phát huy hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, sau khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành kết nối với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương dự kiến vào năm 2023 sẽ khiến lưu lượng trên tuyến tăng cao hơn nữa.

Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cần thiết.

Lê Khánh