Bạc Liêu: Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh nặng cũng tăng so với cùng kỳ.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 772 ca bệnh sốt xuất huyết. Đáng chú ý là bệnh sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo 753 ca, trong đó có đến 160 ca là trẻ em, có 19 ca nặng, 2 trường hợp tử vong.
Ông Phạm Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, mặc dù số ca mắc sốt xuất huuyết tuy giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức khá cao là do hiện nay đang là mùa mưa tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy phát triển và chu kỳ dịch của bệnh sốt xuất huyết quay trở lại.
“Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn biến phức tạp, nguy cơ số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết Dengue sẽ bùng phát mạnh, Sở Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung cấp thiết trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, tổ chức tốt việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue có kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ tuyến dưới. Song song đó, chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn cập nhật ca bệnh sốt xuất huyết Dengue đầy đủ, kịp thời, đúng qui định vào phần mềm trực tuyến chỉ định thu dung lấy mẫu xét nghiệm phân lập vi rút, Mác Eliza các trường hợp có kết quả NS1 (+)/cộng với có chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thuốc, trang thiết bị cho việc tiếp nhận và điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng”, ông Phạm Thanh Tùng – Phó giám đốc Sở Y tê Bạc Liêu cho biết thêm.
Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, vật dụng linh tinh, khu vực có nước đọng… trong và xung quanh nhà. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến cận người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực có di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
Cùng với đó triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia, đặc biệt chú ý nơi trú ẩn các ổ lăng quăng.
Trong đó tập trung ở những hộ dân có nhiều dụng cụ chứa nước không được đậy kín, bãi đất trống, khu nhà trọ, công trường xây dựng, điểm thu mua phế liệu, lốp xe, điểm bán cây kiểng, cà phê sân vườn và nơi tập trung đông người như: Chợ, trường học, bệnh viện, trạm y tế, cơ quan ban ngành, bến xe, bãi xe, nhà thờ, chùa, đình, công viên, khu vui chơi trẻ em. Đồng thời tổ chức xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh, đảm bảo đúng qui trình kỹ thuật, có đánh giá khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết.