Làng nghề chế tác đá lớn nhất Thanh Hóa: Nan giải bài toán môi trường
Nước thải tràn ra môi trường, bụi mù mịt suốt ngày đêm, tiếng ồn từ việc đục đẽo… đang là thực trạng diễn ra tại làng nghề đá mỹ nghệ lớn nhất ở Thanh Hóa.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn 2 xã Minh Tân và Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc) hiện đang có hơn 130 cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ hoạt động. Trong đó, có gần 100 cơ sở tại xã Minh Tân đã được quy hoạch vào cụm công nghiệp và cụm làng nghề (CCN). 30 cơ sở còn lại tại xã Vĩnh Thịnh và một vài cơ sở tại xã Minh Tân chưa chịu di dời vào CCN, hoạt động rải rác trên tuyến QL217. Nguồn nguyên liệu sản xuất của các xưởng này được lấy tại núi đá Bền (xã Minh Tân) hoặc lấy từ núi đá Yên Lâm (huyện Yên Định). Quá trình di chuyển, hàng chục xe chở đá đã oanh tạc các tuyến đường, làm xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà”, sụt lún tại nhiều điểm. Nhiều xe không có nắp thùng phía sau, đá được xếp chồng lên nhau, lòi ra khỏi thùng xe, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Khi đến ngã ba vào CCN xã Vĩnh Minh, do mật độ xe tải hoạt động quá lớn dẫn đến bụi đá luôn phủ trắng xóa nơi này. Tại khu vực các xưởng chế tác, sau khi cắt, xẻ, đánh bóng đá, nước thải quyện với bột đá chảy thành dòng xuống các bể chứa hoặc các ao nhân tạo. Khi bụi đá lắng đầy, chủ cơ sở cho múc đi nơi khác hoặc xả thẳng ra môi trường.
Bà Nguyễn Thị Huệ (trú thôn 8, xã Minh Tân) cho biết, trong nhiều năm qua, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sống gần các xưởng chế tác đá. “Ăn bụi, ở bụi khiến gia đình bị ảnh hưởng về sức khỏe. Về nguồn nước, gia đình phải mua máy lọc do nguồn nước ngầm có khả năng bị ô nhiễm. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng có ý kiến về việc chính quyền nên siết chặt quản lý các nhà xưởng để giảm tải ô nhiễm, tuy nhiên, đến nay, việc này chưa thực hiện triệt để” - bà Huệ nói.
Ngoài ô nhiễm do bụi đá và nước thải, tình hình an toàn của người lao động cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại. Anh Lê Văn Sơn (24 tuổi, trú thôn Đông Thẳng, xã Vĩnh Hùng) làm việc tại một cơ sở chế tác đá cho biết: Phần lớn người lao động làm việc tại đây không dùng các thiết bị bảo hộ như kính, khẩu trang và găng tay. Về bảo hiểm, các công nhân cũng không tham gia vì thấy không cần thiết.
Trao đổi với ông Trịnh Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Minh Tân được biết, hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trưởng tại các cơ sở chế tác đá là có, tuy nhiên, để xử lý triệt để là vấn đề không hề đơn giản. Làng nghề hiện đem lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho huyện cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân trong xã và các địa phương lân cận. Để nói về ô nhiễm, ảnh hưởng thì chắc chắn là có, việc này cũng được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo rất sát sao. “Cùng với việc tuyên truyền, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sơ ký cam kết bảo vệ môi trường, nếu cơ sở nào không thực hiện thì sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay” - ông Hùng khẳng định.
Theo ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc thì làng nghề chế tác đá tại xã Minh Tân đã hình thành từ xa xưa, đến khoảng 10 năm trở lại đây, mới bắt đầu có nhiều cơ sở mọc lên. Để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm, huyện đã thành lập cụm công nghiệp Vĩnh Minh để di chuyển toàn bộ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ở bên ngoài vào đây. Theo đó, dự án sẽ phải triển khai 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ thực hiện với diện tích 12,7ha; giai đoạn 2 thực hiện diện tích còn lại 17,3ha. Hoàn thành và đưa vào sử dụng quý II/2023. Cụm công nghiệp này có quy mô 30ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Sau khi được hình thành, huyện sẽ xây dựng kế hoạch động viên tuyên truyền để các hộ di dời vào cụm công nghiệp, dự kiến dọc 2 xã sẽ có 97 cơ sở được đưa vào cụm.