Hành vi cố tình xả trộm chất thải ra ngoài môi trường: Sẽ tăng mức xử phạt

T.Xuân 26/08/2022 08:32

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định – đó là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Mỗi ngày, có khoảng 2.500 tấn rác nhựa thải ra môi trường.

Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo có đầy đủ chế tài xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Chưa áp dụng xử phạt ngay đối với một số hành vi

Theo Điều 26 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường quy định như sau: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Trao đổi với báo giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, việc xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn sẽ được thực hiện theo lộ trình chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Ngày 25/8 là thời điểm Nghị định trên có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Điều này tương tự như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn. Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ TNMT ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… tại địa phương mình để quy định chi tiết. Lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Khoản 1 Điều 26 Nghị định đã quy định xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, thời hạn chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Do đó, các hành vi này chưa áp dụng ngay tại thời điểm Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Thời điểm áp dụng chế tài này chậm nhất là ngày 31/12/2024 và phụ thuộc vào tiến độ ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tương tự như đối với một hành vi vi phạm hành chính mà theo quy định có lộ trình thực hiện như: lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn… Nghị định số 45 đã quy định đầy đủ chế tài để đảm bảo đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc áp dụng xử phạt đối với các hành vi này phải căn cứ vào thời điểm tổ chức, cá nhân bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm đó theo quy định của pháp luật.

Những điểm mới

Theo Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Nghị định số 45 có nhiều điểm mới như đã bổ sung đầy đủ chế tài cho các quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về các vi phạm quy định về Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; vi phạm quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; vi phạm dán nhãn và công bố thông tin có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy...

Mức xử phạt tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn áp dụng. Cụ thể, tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường như: xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường… đến mức tối đa (1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức)...

Với việc giảm mức tiền phạt, một số hành vi như vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng) và hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng) có thể áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản.

Nghị định đã quy định áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: các vi phạm xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ...

Việc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân đó không đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

T.Xuân