Lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật chuyển đổi giới tính
Ngày 26/8, tại Hà Nội, hơn 80 đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tư pháp, các tổ chức xã hội, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đóng góp cho Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính.
Toạ đàm do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, cộng đồng người chuyển giới cho biết, người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống như: Bị kỳ thị và phân biệt đối xử, bị từ chối các cơ hội việc làm do kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Bên cạnh đó, người chuyển giới còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hầu hết các dịch vụ dành cho người chuyển giới hiện chưa được pháp luật cho phép, khiến cho việc đánh giá chất lượng và sự an toàn của các dịch vụ này rất khó khăn. Hiện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có một vài trung tâm tư vấn hiện cung cấp dịch vụ dành cho khách hàng là người chuyển giới; tuy nhiên, chi phí cho các dịch vụ này thường rất cao. Hầu hết những người đã phẫu thuật cho biết họ gặp vấn đề với giấy tờ tùy thân do ngoại hình trở nên khác biệt so với hình ảnh trong các giấy tờ này…
Hiện Bộ Y tế đang trong quá trình dự thảo hồ sơ xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp và sự bình đẳng cho người chuyển đổi giới tính.
Theo Bộ Y Tế, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam. Do các định kiến trong xã hội, người chuyển giới thường phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày.
Phát biểu tại tọa đàm bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, đối với quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới, những năm vừa qua, Việt Nam đã có một số bước tiến trong việc bảo đảm các quyền này, cụ thể là: Hiến pháp quy định công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (Điều 26); Năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính; Năm 2015, Bộ luật Dân sự được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm phẫu thuật chuyển đổi giới tính với những người đã hoàn thiện về mặt giới tính, đồng thời hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính…Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 lần đầu tiên đưa vào mục tiêu tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe danh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.