Một mùa hè chao đảo
Chỉ trong hai tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Mỹ đã có 10 trận mưa như trút nước, thậm chí có những cơn bão có thể coi là 100 năm có 1. Trong khi trước đó đã diễn ra những đợt hạn hán kéo dài...
Từ hạn hán đến lũ lụt
Các khu vực phía Bắc Texas (Mỹ) bị sa lầy trong đợt hạn hán được coi là cực đoan và đặc biệt, sau đó lại ngập lụt dưới những cơn mưa xối xả. Các nhà khoa học cho biết, khu vực Dallas là địa phương không chỉ chịu hạn hán mà còn là những trận ngập lụt trong mùa hè khắc nghiệt năm nay. Điều này có khả năng bị thúc đẩy bởi sự biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang phải chịu đựng từ hạn hán đến đại hồng thủy.
Khu vực St. Louis và 88% của Kentucky vào đầu tháng 7 được coi là khô hạn bất thường và sau thì, mưa đổ như thác, lũ lụt chết người tàn phá các cộng đồng. Điều tương tự cũng xảy ra ở Yellowstone vào tháng 6. Đầu tháng này, Thung lũng Chết, trong một đợt hạn hán nghiêm trọng, có lượng mưa gần kỷ lục trong một ngày, gây ra lũ lụt và vẫn đang trong tình trạng hạn hán tồi tệ.
Sông Dương Tử của Trung Quốc đang khô cạn, một năm sau trận lụt chết người. Đợt nắng nóng dài kỷ lục tại Trung Quốc đã bước sang tháng thứ ba, với báo cáo sơ bộ về nhiệt độ ban đêm vẫn ở mức 34,9 độ C tại thành phố đông dân cư Trùng Khánh.
Vùng Sừng châu Phi đang chìm trong bối cảnh nạn đói và hạn hán tàn khốc, nhưng cũng không bị bỏ qua, một trận lũ quét gần đây làm tăng thêm thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở khu vực. Châu Âu, nơi phải hứng chịu trận lũ lụt chưa từng có vào năm ngoái, nay lại bị phải chịu đựng mức nhiệt cao kỷ lục cộng với hạn hán kéo dài đang làm khô cạn các con sông và đe dọa nguồn cung cấp điện.
Bà Megan Schargorodski, một nhà nghiên cứu khí hậu của bang Kentucky cho biết: “Chúng tôi thực sự đã gặp rất nhiều khó khăn. Rất khó để vượt qua tất cả những hiện tượng cực đoan này và tìm ra cách chống chọi với những thảm họa liên tiếp mà chúng ta đã chứng kiến”.
Theo tính toán của Giám đốc chi nhánh dự báo của Trung tâm Dự báo Thời tiết quốc gia Greg Carbin, chỉ trong hai tuần vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Mỹ đã có 10 trận mưa như trút nước, có thể coi là các cơn bão 100 năm có 1. Đó là chưa tính đến khu vực Dallas, một cơn bão có thể là 1.000 năm có 1 đã xuất hiện khi một số nơi có lượng mưa lên tới 23 cm chỉ trong 24 giờ hôm đầu tuần này, dự báo con số này còn chưa dừng lại.
Nhà khoa học khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Gerald Meehl, người đã viết một số nghiên cứu đầu tiên cách đây 18 năm về thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu cho biết: “Những hiện tượng cực đoan này đang trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này phù hợp với những gì mà chúng tôi dự báo”.
Trong khi đó, các nhà khoa học tại World Weather Attribution (nghiên cứu giới hạn khí hậu thế giới - WWA), là những người tình nguyện nhanh chóng đánh giá thời tiết khắc nghiệt để tìm dấu vết biến đổi khí hậu, có tiêu chí nghiêm ngặt về các sự kiện để căn cứ như: chúng phải đạt kỷ lục, gây ra số lượng người chết đáng kể hoặc tác động đến ít nhất 1 triệu người.
Và như vậy, năm nay đã có 41 sự kiện gồm: 8 trận lũ lụt, 3 cơn bão, 8 đợt hạn hán, 18 đợt nắng nóng và 4 đợt lạnh, đã đạt đến ngưỡng trên - bà Julie Arrighi, quan chức WWA, đồng thời là Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ, cho biết.
Đi tìm nguyên nhân
Tại Mỹ, nhiều trận mưa lớn mùa hè có liên quan đến bão hoặc các yếu tố thời tiết nhiệt đới, như cơn bão Ida của năm ngoái đã tấn công bang Louisiana và sau đó cày nát miền Nam nước Mỹ cho đến khi nó làm ngập khu vực New York, New Jersey với lượng mưa kỷ lục.
Nhưng vào tháng 7 và tháng 8 năm nay, Mỹ đã phải hứng chịu “lượng mưa quá lớn không liên quan đến thời tiết nhiệt đới. Đó là điều bất thường” – Trung tâm Dự báo thời tiết quốc gia Greg Carbin cho biết.
Các nhà khoa học nghi ngờ biến đổi khí hậu đang diễn ra theo hai cách khác nhau.
Yếu tố đầu tiên và lớn nhất đơn giản là tác động vật lý. Các nhà khoa học cho biết, khi bầu khí quyển ấm lên, nó chứa nhiều nước hơn, tăng thêm 7% cho mỗi độ C.
Ông Daniel Swain - nhà khí hậu học của UCLA và Nature Conservancy ví dụ: “Hãy coi không khí như một miếng bọt biển khổng lồ. Nó hút nhiều nước hơn từ mặt đất khô cằn như một miếng bọt biển. Đó là lý do tại sao chúng ta đang thấy hạn hán tồi tệ hơn ở một số nơi. Sau đó, khi một hệ thống thời tiết di chuyển xa hơn, nhiều nước hơn, sẽ gây ra những trận mưa như trút nước”.
Một yếu tố khác là dòng phản lực bị mắc kẹt - dòng sông trong khí quyển di chuyển các hệ thống thời tiết trên khắp thế giới – nhà khoa học Jennifer Francis tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell ở Woods Hole, bang Massachusetts cho biết. Hệ thống bão không di chuyển và chỉ đổ một lượng nước khổng lồ ở một số nơi. Những nơi khác, như Trung Quốc, bị mắc kẹt với thời tiết nắng nóng khi dòng thời tiết mát hơn, ẩm ướt hơn di chuyển xung quanh họ.
Bà Francis nói: “Khi mô hình dòng phản lực đó được khuếch đại thì chúng ta sẽ cảm nhận nhiều hơn về những sự kiện bất thường lớn này”.
Các nhà khoa học khác cho biết thêm, khi mặt đất quá cứng do hạn hán, nước sẽ không thấm vào nhiều và cạn kiệt nhanh hơn. Điều này sẽ trở nên tồi tệ khi biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã nhấn mạnh rằng, các thảm họa thời tiết phức tạp là một mối đe dọa trong tương lai.
Hạn hán là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn nhất về nhân mạng, tiếp theo là giông bão, lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt. Giới chuyên gia khẳng định, việc gia tăng các thảm họa này có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính mà nguồn gốc từ con người gây ra.