Nhà hát “nghìn tỷ” ở Thủ Thiêm: Bao giờ được bố trí vốn?

LÊ ANH 27/08/2022 14:00

Là một trong số ít các công trình văn hóa trên cả nước được đầu tư “khủng” hơn 1.500 tỷ đồng với kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng văn hóa của TP HCM, thế nhưng sau hàng chục năm, Dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu chức năng số 1 thuộc Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm vẫn chưa được bố trí vốn để hoàn thành.

Công trình Nhà hát nghìn tỷ ở Thủ Thiêm dang dở.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đã gửi báo cáo tới Ban Kinh tế và Ngân sách thuộc HĐND TP HCM về tình hình triển khai các dự án đầu tư công, trong đó tạm dừng dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch Thủ Thiêm (gọi tắt là nhà hát Thủ Thiêm) do cần ưu tiên ngân sách cho phục hồi kinh tế TP HCM trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Dự án Nhà hát Thủ Thiêm nằm trong số gần 680 dự án có vốn đầu tư lớn nhưng chậm triển khai của TP HCM. Từ năm 2015, thành phố đã rà soát nhiều lần các dự án công nhưng chưa một lần dự án được ưu tiên ngân sách để đầu tư. Điều đáng nói, Nhà hát Thủ Thiêm là công trình văn hóa tiêu biểu trong số nhiều dự án thuộc lĩnh vực này của TP HCM trong 2 thập niên qua. Do sự quan tâm rất lớn của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ TP HCM và cả nước, dự án được lập quy trình bài bản, ban đầu đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Vào năm 2018, kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) HĐND TP HCM khóa IX đã nhất trí thống nhất với tỷ lệ cao thông qua chủ trương xây nhà hát 1.500 tỷ đồng. Sau đó, UBND TP HCM cũng đã lấy ý kiến rộng rãi chọn địa điểm để xây dựng nhà hát, sau đó thống nhất chọn xây nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế tại KĐTM Thủ Thiêm (khu chức năng số 1, TP Thủ Đức) và dự kiến tổng mức đầu tư lấy từ nguồn ngân sách TP HCM, trong đó phần lớn từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).

Liên quan đến việc tiến độ dự án chậm, dẫn đến nhiều lần bị đưa vào danh sách rà soát dự án công, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, ban đầu quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc danh mục nhóm A, đầu tư bằng ngân sách thành phố, kinh phí lấy từ bán dấu giá “khu đất vàng” ở quận 1, TP HCM. Quá trình sau đó, chủ đầu tư từng đề xuất nâng tổng mức đầu tư lên gần 2.000 tỷ đồng và điều chỉnh thời gian triển khai đến 2024. Ngoài ra, trong 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (2020, 2021) dự án cũng bị kéo dài thêm thời gian.

Hiện nay dự án vẫn đang thực hiện các thủ tục và chờ nguồn vốn đầu tư và chưa được ưu tiên bố trí vốn. Dù vậy, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM khẳng định, ngay khi TP HCM được tăng trần vốn đầu tư trung hạn thì dự án có thể tiếp tục vào danh sách được phân bổ vốn để triển khai. Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, công trình không chỉ được quan tâm bởi mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, là công trình văn hóa hiện đại nhất nhì cả nước khi hoàn thành, mà còn là bởi, cho đến nay TP HCM và nhiều địa phương phía Nam chưa có một công trình nhà hát Opera nào đủ tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. “Ban đầu, người dân có băn khoăn về vốn đầu tư khủng của dự án nhưng khi xét thấy nhu cầu rất lớn của hoạt động nghệ thuật tinh hoa, nhất là giao lưu, hội nhập, phục vụ biểu diễn quốc tế tại TP HCM thì HĐND TP HCM đã đạt được đồng thuận rất cao để thông qua chủ trương thực hiện dự án này” - PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chia sẻ. Cũng theo ông Ninh, việc phải tạm dừng dự án nhà hát Thủ Thiêm để ưu tiên vốn ngân sách cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của TP HCM là một việc bất đắc dĩ. Giới văn nghệ sĩ, nhân dân TP HCM vẫn phải chờ đợi để công trình tiếp tục được triển khai và hoàn thiện sớm nhất.

Theo chuyên gia về văn hóa đô thị, ThS Nguyễn Công Hoài Lương, việc xây dựng một công trình văn hóa nghệ thuật xứng tầm là xu hướng khách quan của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đa lĩnh vực hiện nay. Hơn thế nữa, nguồn thu từ các nhà hát “nghìn tỷ” đã được nhìn nhận như một cơ hội cho ngành du lịch và dịch vụ ở nhiều quốc gia. Đơn cử, Nhà hát Opera Sydney hiện nay đang đóng góp gần 800 triệu USD cho Chính phủ Australia. Ngoài ra, ở nhiều quốc gia khu vực cũng đang coi việc bảo tồn, tu bổ và xây dựng các công trình văn hóa lớn (đại học, nhà hát, viện bảo tàng) như một động lực để thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế, hơn nữa định hình bộ mặt, hình ảnh cho một đô thị, một quốc gia.

“Trải qua nhiều lần lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đều đã cảm nhận được tầm vóc của công trình, từ đó đồng tình và kết quả thuyết phục nhất là HĐND TP HCM đã thống nhất cao trong việc thông qua công trình văn hóa đặc biệt này” - ThS Nguyễn Công Hoài Lương chia sẻ, đồng thời tin tưởng khi được bố trí vốn và hoàn thiện, Nhà hát Thủ Thiêm sẽ trở thành một công trình biểu tượng văn hóa lớn của TP HCM và khu vực.

LÊ ANH