Biên giới mùa chim về
Không còn hình ảnh những đàn chim di cư rợp trời mùa nước nổi, cũng hiếm gặp những đàn sếu đầu đỏ cao lêu khêu nhẩn nha trên đồng cỏ năng, dọc biên giới phía Tây Nam mùa này, phải len lỏi vào sâu trong những cánh đồng, rừng nước ngập mới có thể thấy được những đàn chim còn lại. Và có lẽ, phải mất nhiều thời gian và cả nỗ lực của con người, thì những đàn chim quý hiếm của dải đất biên giới mới xuất hiện trở lại.
Kể chuyện đàn chim trời
Như đã thành quy luật của trời đất, mỗi khi mùa nước nổi từ thượng nguồn đổ về vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long là vô vàn cá tôm cũng theo về. Đó là sản vật quý giá của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Trong thời gian ấy, rất nhiều loài chim di cư từ những nơi khác cũng tìm về những cánh đồng mùa nước nổi để kiếm mồi, làm tổ, sinh sản. Số lượng chim trời này cũng tỷ lệ thuận với những cánh đồng ngập nước, khi chúng tập trung chủ yếu ở các vùng đất trũng dọc biên giới phía Tây Nam. Những khu vực như Tràm Chim, Láng Sen, Đồng Tháp Mười hay Trà Sư, Tam Nông... với vô vàn loài chim. Từ các loài thân quen như cò vạc, sẻ trích cho tới những loài quý hiếm như sếu đầu đỏ... để tạo thành quần thể gắn kết kỳ thú.
Là người gắn bó nhiều năm với nghề nước nổi để mưu sinh, anh Nguyễn Văn Trào, 44 tuổi ở xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, mùa nước về bắt đầu từ tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên từ trước đó thì mùa chim di cư đã bắt đầu. Một số loài từ tháng 5, tháng 6 đã bắt đầu di cư về làm tổ, giao phối. “Trước đây nhiều chim lắm, chúng bay về để kiếm thức ăn. Mỗi buổi chiều, chúng bay rợp trời, nhìn rất đẹp. Ngày xưa vùng biên giới này có nhiều đồng hoang, mùa nước nổi chim làm tổ, sinh sản rất đông. Giờ nước ít, người dân canh tác nhiều nên chim di cư tìm tới các khu vực có nhiều cây xanh, rừng bảo tồn của nhà nước chứ ở đây thì ít. Tuy nhiên những loại như cò cao, cò ốc, cò xám, vạc xám... thì vẫn khá nhiều, vẫn gặp chúng kiếm mồi trên những cánh đồng ít người qua lại vùng biên giới này”, anh Trào nói.
Cũng theo anh Trào, người nhiều năm gắn bó với những cánh đồng biên giới, trước kia anh săn bắt tất cả những loại sản vật của mùa nước nổi, nhưng hiện nay anh chỉ săn cá tôm, rắn chuột chứ ít bắt các loại chim trời. “Săn bắt chim trời, đặc biệt là chim di cư mùa nước nổi rất khó. Chúng thường là các loài chim bay cao, tìm đậu những nơi cao như ngọn cây nên không dễ tìm kiếm. Lại nữa, hiện nay việc mua bán nhiều loại chim trời cũng bị cấm, muốn bán chúng cũng khó khăn nên nhiều người ở đây không bắt nữa”, người đàn ông này chia sẻ.
Được ví như “vương quốc của các loài chim”, khu vực rừng ngập mặn Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) được ghi nhận có khoảng 150 loài chim, trong đó có sếu đầu đỏ là loài chim cực kỳ quý hiếm. Nếu như khoảng 10 năm trước, tìm kiếm và ngắm nhìn, chụp ảnh những đàn sếu đầu đỏ di cư mùa nước nổi là khá dễ dàng ở Tràm Chim hay cả một vài cánh đồng cỏ năng khác thì ngày nay, đây là việc cực kỳ khó. Anh Nguyễn Văn Anh, 48 tuổi, một giáo viên ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) có niềm đam mê chụp ảnh cho biết, sếu đầu đỏ chính là loài chim đẹp nhất ở miền Tây Nam bộ mà anh từng chụp, ghi nhận. Đặc biệt khi chúng đi theo đàn hàng trăm con.
“Sếu đầu đỏ rất cao, trung bình tới 1,5 mét và sải cánh rất rộng tới 2,5 mét. Tôi nhớ mấy năm trước cùng anh em đam mê chụp ảnh đi săn sếu đầu đỏ ở Tràm Chim. Chúng đi thành từng đàn, có khi cả vài chục con. Những con sếu cao lớn rất nổi bật với chiếc cổ màu đỏ trên nền lông xám, trắng. Chúng thường dành khoảng 2-3 tháng trong một năm để tới những cánh đồng vùng biên giới Tây Nam bộ, nơi có những cánh đồng cỏ năng đặc trưng để kiếm mồi, sinh sản. Tuy nhiên, những năm gần đây sếu ngày càng ít về, có khi chỉ dăm ba con. Thời gian chúng tới cũng ít ngày hơn, ở những vùng hoang vắng nên nhìn thấy chúng cũng khó khăn”, anh Anh chia sẻ.
Anh An nhớ lại ngày còn bé, vùng biên giới mùa nước về không chỉ nhiều cá tôm mà chim trời cũng rất nhiều. Sau đó, nhận thấy chim trời ngày càng ít đi, anh bắt đầu tìm kiếm, ghi lại hình ảnh của chúng để làm kỷ niệm, cũng như thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh.
Đất lành chim đậu
Mặc dù biết trước những đàn chim di cư ngày càng ít đi nhưng chúng tôi vẫn quyết định di chuyển về những cánh đồng biên giới để tìm kiếm trong một ngày cuối tháng 8. Năm nay mưa nhiều nhưng nước về muộn. Dọc những con đường vùng biên giới là những cánh đồng chưa ngập nước nhưng các kênh đã nhuộm màu nước đỏ, dấu hiệu bắt đầu của mùa nước nổi tràn về. Theo lời anh Nguyễn Hữu Dân, nhân viên ở khu bảo tồn Láng Sen (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) mùa này nhiều loại chim bắt đầu bay về.
“Những loại như cò ốc, cò xám, diệc, gà nước, trích, le le... chạy men những cánh đồng ít người cũng có thể bắt gặp. Còn những loại chim hiếm hơn thì phải ở những khu vực nào có rừng ngập nước thì chim mới có. Ở vùng Láng Sen từng ghi nhận hơn 100 loài chim, với khoảng phân nửa là chim di chú. Tuy nhiên hiện nay cả chim di trú và cư trú đều sụt giảm về số lượng và số loài. Quy luật di trú của chim của khu vực Láng Sen cũng như những vùng trũng ngập nước khác ở Đồng Tháp Mười. Bắt đầu từ tháng 5, tháng 6 là các loài chim này di cư về Láng Sen, làm tổ trên những gốc tràm, gốc si... để đẻ trứng. Mùa nước về cũng là lúc con non chào đời và đi kiếm thức ăn. Thói quen này có từ lâu lắm rồi”, anh Dân cho biết.
Cũng theo anh Dân, số lượng chim di cư không chỉ phụ thuộc vào mùa nước nổi mà còn nhiều yếu tố khác, của nhiều khu vực khác nhau. Như loài cò ốc, cò xám chúng sống một năm ở vài vùng khí hậu thời tiết khác nhau. Những con non sinh ra vào mùa nước nổi ở Láng Sen rồi lớn lên, bay di cư về phía Tây sang lãnh thổ các quốc gia khác để kiếm ăn khi mùa khô tới.
Có thể vài năm sau, chúng mới lại di cư trở về nơi sinh ra, sau khi đã di cư qua một số nơi khác tùy vào nhu cầu khí hậu, thức ăn. Một số loài chim lớn hơn, như sếu đầu đỏ ngày xưa cũng xuất hiện ở Láng Sen thì có thể di cư qua cả chục quốc gia mỗi năm. Với các loài chim di cư, ngoài thức ăn, sinh sản thì khí hậu cũng là lý do chúng trở lại hoặc không.
Những đàn chim di cư rõ ràng đã giảm rất nhiều, chúng trở lên có giá trị và được nhiều người biết tới hơn. Tại những khu vực như Láng Sen, Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt, Trà Sư... hiện đang có những tour du lịch ngắm chim từ xa được nhiều người ưa chuộng, thích thú. Sau những trải nghiệm ấy, người ta càng yêu quý và nâng níu, chăm sóc những đàn chim di trú kia hơn.
Và nhiều nơi đã bắt đầu bảo tồn, gìn giữ những hệ sinh thái ngập nước, cánh đồng cỏ, một không gian sống vô cùng cần thiết để các loài chim tìm tới. Theo đó, không chỉ ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia mà ngay cả những khu du lịch, khu vực tư nhân quản lý mô hình này đã hình thành. Rất nhiều cánh rừng được giữ nguyên để loài chim tìm tới. Vậy mà có khoảng hơn chục năm qua, vì nhiều lý do mà con người đã làm đảo lộn, thậm chí phá hủy hệ sinh thái sinh sống của các loài chim di trú này. Chắc hẳn, cần phải có một khoảng thời gian dài để những loài chim ấy quay về.