Nhà 67 và ký ức người cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Những ngày tháng ấy, chúng tôi không chỉ trực tiếp tham gia, bảo vệ Người tại nơi ở, nơi làm việc mà cả những nơi Người dự các cuộc mít tinh, hội nghị. Đó là niềm vinh hạnh lớn mà ai ai cũng hằng mơ ước. Sống gần Bác, chúng tôi thấy mình được lớn thêm, được Bác che chở, giáo dục… Lòng chúng tôi cũng trong sáng hơn trong sự nghiệp và dạy bảo con cháu sau này” - Đó là câu chuyện của TS Trần Viết Hoàn - người cận vệ thân tín, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chúng tôi trong những ngày cả nước đang hướng về ngày lễ trọng đại - Ngày Quốc khánh 2/9.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Viết Hoàn tại một con ngõ nhỏ nằm trên phố Đội Cấn (Ba Đình - Hà Nội), ông Hoàn chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này lại rạo rực trong người như khi còn trẻ ấy. Hào khí vẫn còn mạnh mẽ lắm các chú ạ” - Rồi những hình ảnh về Bác, như thước phim quay chậm dần hiện về trong ký ức người cận vệ già Trần Viết Hoàn.
Ông Hoàn kể: Sau khi gặp và nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo về tình hình Hội nghị Paris trở về, đến đêm Người ho và sốt. Hôm ấy là vào tối 12/8/1969. “Những ngày sau đó Người ho và sốt nặng hơn, tuy nhiên Người vẫn gắng gượng lên xuống nhà sàn để làm việc. Đến tối 17/8/1969, các bác sỹ đề nghị Người chuyển xuống ở và làm việc tại ngôi nhà phía sau nhà sàn. Nhưng Người không đồng ý” - ông Hoàn nhớ lại.
Để đảm bảo an toàn cho Người, Bộ Chính trị đã dựng căn nhà này để Người nghỉ ngơi. Nhưng Người đã không nhận và giải thích rằng: “Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà đó cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ này thôi. Các chú lo cho Bác cũng phải lo cho dân. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy”.
Trong ký ức của người cận vệ già, hàng tuần, Bộ Chính trị đến họp ở ngôi nhà 67 để đưa ra những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đến sau này và hiện nay, trong hồ sơ di sản thuộc Khu di tích Phủ Chủ tịch, ngôi nhà này được gọi là ngôi Nhà 67” - ông Hoàn cho biết.
Ngày 3/2/1969, cũng tại ngôi nhà 67 này Người đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nhằm biểu dương tinh thần hy sinh gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ, đảng viên. Đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi, ích kỷ. Trong bài viết, Người chỉ ra rằng: Chủ nghĩa cá nhân chính là nguyên nhân, là bạn đồng hành của căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi, làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân, làm giảm thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền. “Đây cũng là bài viết cuối cùng về đạo đức trước khi Người trút hơi thở cuối cùng” - ông Hoàn cho biết.
Vẫn giọng chậm rãi, đượm buồn, ông Hoàn chia sẻ thêm, ngày 18/8/1969 do sức khỏe yếu nên Người đã đồng ý chuyển xuống Nhà 67 ở và chữa bệnh. “Tuy nằm trên giường bệnh, nhưng Người vẫn làm việc. Hàng ngày, Người vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị báo cáo công việc ở tiền tuyến, ở hậu phương và đọc sách báo. Có những tờ báo Người đọc xong còn bút tích lại” - ông Hoàn nói.
Cũng trong những ngày này, mực nước sông Hồng lên cao, Trung ương mời Người lên ATK (An toàn khu - PV) nhưng Người bảo: Bác không thể bỏ dân. Đến chiều ngày 29/8/1969, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Người. Ngay khi vừa tỉnh lại, Người hỏi: Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc Khánh đến đâu rồi? Sau khi nghe Thủ tướng báo cáo, Người dặn: Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân. Người còn hỏi về tình hình nước sông Hồng và nhắc phải chú ý để phòng lũ, lụt.
Ngày 31/8/1969, Lễ kỷ niệm Quốc khánh được tổ chức long trọng tại Hội trường Ba Đình. Vì mệt, Người không đến dự được, nhưng Người vẫn hỏi để nắm tình hình về buổi lễ. Sáng 2/9/1969, bệnh của Người diễn biến xấu và mỗi lúc một trầm trọng hơn. Đến 9h47 phút, Người trút hơi thở cuối cùng.
Cũng theo ông Hoàn, trước đó, ngày 26/8/1969, sau những giây phút mệt lả, Người tỉnh lại và muốn nghe một ca khúc dân ca. “Lúc ấy, cô y tá Ngô Thị Oanh đang chăm sóc sức khỏe cho Người đã cố gắng hát bài Bài ca người chiến sỹ quân y. Nghe xong, Người tặng cô một bông hoa hồng” - ông Hoàn nhớ lại.
Ngôi nhà 67 mà Bộ Chính trị làm cho Người, nhưng Người chỉ ở vỏn vẹn hơn 10 ngày cuối cùng trong cuộc đời mình và cũng là nơi Bộ Chính trị, các đồng chí Trung ương, tập thể giáo sư, bác sỹ hết lòng trông nom, cứu chữa cho Người. Nơi đã chứng kiến những giờ phút nặng lòng của Bác Hồ với non sông, đất nước.
Mặc dù đã tuổi cao, mái tóc bạc trắng, sức khỏe không còn như xưa nhưng tinh thần và trí tuệ ông Hoàn rất minh mẫn, đặc biệt là những ký ức về Người cha già dân tộc. Ông chia sẻ “kỷ niệm về Người rất nhiều, dù là những kỷ niệm nhỏ nhất vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Những ngày đặc biệt như thế này, ký ức một thời bên Người lại ùa về, thiêng liêng và giản dị lắm” - ông Hoàn nói.
Sau ngày Người mất, ngày 3/9/1969, ông Hoàn được cấp trên giao phó giữ gìn nơi ở và làm việc của Người trong Khu di tích Hồ Chủ tịch. Hơn 40 năm gắn bó với Người cha già dân tộc, lưu giữ những kỷ niệm về Người, giờ đây ông Trần Viết Hoàn như một pho sử sống về Bác Hồ.